Choáng váng vì sàn "rơi"

Nhà đầu tư choáng khi "đổ đèo" cùng thị trường

Sau hai phiên tăng tốc, việc chốt lời xảy ra quá nhanh, khiến nhà đầu tư đã "đổ tiền" vào TTCK 2 phiên trước  choáng váng.
Sau hai phiên chứng khoán bất ngờ tăng tốc, sáng nay chào tuần mới các nhà đầu tư trên sàn ngỡ ngàng trước đà rơi tại cả hai sàn niêm yết.

Hoạt động chốt lời xảy ra quá nhanh, những nhà đầu tư cá nhân tham gia đổ tiền vào thị trường trong các phiên vừa qua thì giờ đây đang choáng váng.

Đã có cảnh báo


Mặc dù hoạt động chốt lời đã được giới chuyên gia cảnh báo ngay từ cuối tuần trước về một nguồn cung sẽ gây áp lực ngay từ đầu tuần tuy nhiên, phản ứng của thị trường trong phiên hôm nay trở nên quá đà hơn những mức dự báo trước đó.

Nếu như Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT  chỉ dự báo nguồn cung dồi dào hơn sẽ  làm giảm đà tăng của các chỉ số trong phiên giao dịch đầu tuần này kèm theo sự gia tăng đáng kể của thanh khoản, nhưng thực tế  tại sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ngay đợt 1, lượng chứng khoán chào bán đã ồ ạt đổ khiến cho dòng tiền “quét” không kịp.

Mặc dù thanh khoản của đợt này đã lên gần 5 triệu đơn vị (tăng gần 37% so với cùng đợt của phiên liền trước), nhưng VN-Index đã phải chấp nhận quay đầu giảm 3,11 điểm về mức 491,95 điểm.

Sang đến đợt 2, thị trường giằng co trong một quãng thời gian ngắn, song tâm lý tháo chạy đã lấn át khiến VN-Index rơi vào tình thế rơi tự do. Các mã cổ phiếu tranh mua ở những phiên trước đã ồ ạt giảm kịch biên độ cho phép. Cuối phiên mã ITA, ITC, REE giá đã về nện sàn, giao dịch đạt cả triệu cổ phiếu mỗi mã.

Lội ngược dòng nước giữ được sắc xanh hôm nay, đáng chú ý có SSI và CTG, thanh khoản của SSI đạt 6,8 triệu đơn vị và CTG đạt 2,1 triệu đơn vị.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đánh mất tới 15,16 điểm xuống 479,9 điểm. Thanh khoản thị trường đạt 45,6 triệu đơn vị, tương ứng 932 tỷ đồng.

Bên phía sàn Hà Nội, nhiều cổ phiếu đầu giờ vẫn giữ mức giá trần song áp lực bán cũng đã đẩy nhất loạt cổ phiếu lớn nhỏ đảo chiều.

Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 2,93 điểm về mức 91,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch vọt lên mức 49,6 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 749 tỷ đồng.

Chỉ số UpCoM-Index tại thời điểm 11 giờ 30 cũng giảm nhẹ 0,84 điểm xuống 38,2 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 325 nghìn đơn vị, tương ứng giá trị 4,1 tỷ đồng.

Tâm lý trái chiều


Trước đà đổ dốc của hai sàn niêm yết, các nhà đầu tư đã xuất hiện những dòng tâm lý trái chiều.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư theo trường phái thận trọng cho biết, diễn biến thị trường hôm nay đã khiến cho nhiều nhà đầu tư tổn thất nặng nề. Không kể các trường hợp tranh mua trần tại hai phiên trước mà ngay trong phiên hôm nay, ai đã mua vào thời điểm đầu phiên thì đến cuối phiên thậm chí đã mất tới 10% giá trị, bởi khoảng cách giá giao dịch tại nhiều mã rơi từ giá trần xuống sát giá sàn.

“Tôi không bất ngờ về kịch bản của phiên hôm nay, những nhà đầu tư có kinh nghiệm nhiều năm không bao giờ vội vã đua mua trần trong các phiên trước. Đối tượng mua vào tại các phiên đó là các nhà tạo lập thị trường và các nhà đầu tư đánh ‘chớp nhoáng,’ tuy nhiên theo tôi là những nhà đầu tư cá nhân đó đã quá liều lĩnh”, ông Tuấn Anh nói.

Không hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình cũng là một nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm và bám sàn hàng ngày lại cho rằng, hôm nay là phiên các tổ chức “đánh xuống” để mua vào.
 
Theo ông Bình, tâm lý của một số nhà đầu tư bị ảnh hưởng do thông tin động đất và sóng thần của Nhật Bản, bởi đây là nước dẫn đầu cung cấp dòng vốn ODA cho Việt Nam. Lợi dụng tâm lý thị trường các nhà tạo lập thị trường thực hiện “bẫy" để mua vào.

“Thị trường có khả năng còn rơi tiếp một vài phiên nữa. Hiện nay không nên nhìn quá ngắn hạn, so với thị trường bất động sản và ngoại tệ, thị trường chứng khoán đang có cơ hội lớn hơn. Sự biến động lên xuống một vài phiên không phải là chuyện lớn, với tôi đây là thời điểm tốt để mua vào,” ông Bình khẳng định./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục