Nhà chế tạo động cơ máy bay thận trọng khi tăng nguồn cung cho Airbus

Airbus đang hy vọng CFM sẽ tăng thị phần sản xuất động cơ cho Airbus lên tương đương khoảng 75% tổng số số máy bay A320neo được giao, từ mức khoảng 60% hiện nay.

Một nhà máy của Airbus tại Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Một nhà máy của Airbus tại Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhà chế tạo động cơ máy bay thương mại hàng đầu thế giới CFM đang thận trọng trong việc tăng đáng kể nguồn cung cho Airbus, giữa bối cảnh khách hàng lớn khác của họ là Boeing đang gặp khó khăn.

Đây có khả năng là một trong những yếu tố khiến Airbus trì hoãn việc tăng sản lượng máy bay theo kế hoạch.

Hôm 24/6, Airbus tuyên bố họ sẽ hoãn việc tăng sản lượng máy bay thân hẹp và giao ít máy bay hơn so với dự định trong năm 2024, do các vấn đề về chuỗi cung ứng, đồng thời cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm nay.

Thông tin này khiến giá cổ phiếu của tập đoàn hàng không vũ trụ lớn nhất châu Âu lao dốc vào phiên 25/6.

CFM, một liên doanh xuyên Đại Tây Dương giữa GE Aerospace của Mỹ và Safran của Pháp, chuyên sản xuất động cơ LEAP cho tất cả các máy bay Boeing 737 MAX và chiếm hơn một nửa động cơ của dòng máy bay Airbus A320 neo, cạnh tranh với động cơ Geared Turbofan của Pratt & Whitney, công ty con của RTX.

Airbus đang chạy đua để tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu máy bay trong bối cảnh nhiều nhà cung cấp hoài nghi về kế hoạch sản xuất của họ.

Các cuộc đàm phán để đảm bảo số lượng động cơ cần thiết cho năm 2025 nhằm duy trì các mục tiêu trước đó đã gặp bế tắc sau khi Airbus yêu cầu CFM tăng tỷ trọng giao hàng để bù đắp cho những khó khăn trong sản xuất của Pratt & Whitney.

Hai nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết Airbus đang hy vọng CFM sẽ tăng thị phần sản xuất động cơ cho Airbus lên tương đương khoảng 75% tổng số số máy bay A320neo được giao, từ mức khoảng 60% hiện nay.

Thị phần của CFM phụ thuộc vào các yếu tố như tốc độ sản xuất của Airbus, tốc độ sản xuất của Boeing và sự đóng góp của đối thủ Pratt & Whitney vào sản lượng của Airbus.

Trước đại dịch, những yếu tố này gần như cân bằng, mặc dù thị phần của CFM trong các lô hàng của Airbus đang tăng đều đặn giữa lúc đối thủ Boeing bận giải quyết các vấn đề về an toàn.

Hiện tại, ngành công nghiệp hàng không thế giới không chỉ phải đối mặt với một mà là hai cuộc khủng hoảng đang diễn ra gồm sự cố nổ động cơ trên máy bay làm chậm quá trình phục hồi của Boeing sau những rắc rối về an toàn trước đó và những điểm nghẽn cung ứng kinh niên của Pratt & Whitney.

Người phát ngôn của CFM cho biết: "Môi trường chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều thách thức và chúng tôi đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu động cơ LEAP từ tất cả các khách hàng của mình." Công ty cũng nhiều lần khẳng định họ sẽ không thiên vị Boeing hay Airbus./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục