“Nhà báo trẻ làm gì để thành công trong thời đại 4.0?” là câu hỏi được quan tâm nhất tại diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ” và giao lưu “Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 17/3, tại Hà Nội.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019. Ban Tổ chức diễn đàn hy vọng đây là cuộc trao đổi thoải mái, chân thành, cởi mở giữa những người đã, đang và sẽ làm nghề báo; góp phần vào thành công của hội báo.
Tại diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ, trong đó có việc đào tạo những kỹ năng làm nghề; sinh viên, nhà báo trẻ cần chuẩn bị những gì để hội nhập với báo chí thế giới trong thời đại công nghệ 4.0; nguyên nhân dẫn đến những tai nạn nghề nghiệp, nhất là đối với các nhà báo làm điều tra…
Đa số các nhà báo cao niên, nhà quản lý báo chí, những người giảng dạy trong lĩnh vực báo chí đều cho rằng: Để làm báo thành công trong thời đại 4.0, các nhà báo trẻ cần có kiến thức, kỹ năng, biết cập nhật và sử dụng tốt công nghệ hiện đại, có năng lực kết nối và dẫn dắt dư luận...
Đặt câu hỏi Trước khi trở thành nhà báo có kỹ năng giỏi, các nhà báo trẻ cần hiểu kỹ năng là gì? Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Kỹ năng trước hết là khả năng vận kiến thức, tri thức về một chuyên ngành vào trong hoạt động thực tiễn một cách thuần thục. Kỹ năng đầu tiên sinh viên, nhà báo trẻ cần học là đọc nhiều, “va chạm” nhiều từ đó mới có được kiến thức, kinh nghiệm, kiến giải thuyết phục về vấn đề mình viết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững chia sẻ rằng ông đã đi khoảng 30 nước trên thế giới, trong quá trình đó, ông thấy Việt Nam là một nước tổ chức đào tạo làm báo sớm, từ năm 1947 ngay sau khi Nhà nước dân chủ nhân dân mới ra đời, do Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đội ngũ nhà báo.
Theo ông, ngày nay lớp nhà báo trẻ phải hơn được nhà báo cao niên ở 4 điểm: (1) năng lực tư duy mới, nhất là tư duy phát triển, phản biện xã hội; (2) ngoại ngữ phải“siêu” hơn; (3) phải hiểu biết, sử dụng tốt hơn về các phương tiện kỹ thuật -công nghệ. Những điểm này nếu quy tụ lại sẽ giúp các nhà báo trẻ có được (4) khả năng phân tích, đánh giá các vấn đề thời sự và năng lực chính luận báo chí. Nếu lớp nhà báo trẻ không hơn được lớp nhà báo già ở 4 điểm ấy thì đừng nói đến chất trẻ.
Tuy nhiên, để trở thành nhà báo thành công, các nhà báo trẻ phải có kiến thức nền tốt, mới có năng lực tư duy báo chí tốt. Những điều này có được khi các bạn thường xuyên, cập nhật kiến thức mới, có sự rèn luyện của riêng mình.
Bên cạnh đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững cũng hy vọng các cơ sở đào tạo báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nên có những chương trình lớn để đào tạo, tập huấn các kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ, nhất trong việc viết về xây dựng Đảng, viết về văn hoá - nghệ thuật, về báo chí điều tra, về y tế - giáo dục, về đào tạo nhà báo phân tích - chính luận,… để giúp các nhà báo, phóng viên trẻ nâng cao năng lực - kỹ năng làm báo.
Rất lạc quan về năng lực, khả năng của các nhà báo, phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng tương lai của báo chí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lớp nhà báo trẻ, những sinh viên báo chí đang ngồi trên ghế nhà trường. Để có nền báo chí phát triển, chúng ta cần có những nhà báo giỏi. Việc làm này bắt đầu từ nhà trường với trách nhiệm đào tạo cơ bản. Cơ quan báo chí khi tiếp nhận phóng viên nên đào tạo lại theo yêu cầu công việc, tiêu chí của đơn vị mình.
Chuẩn đầu ra của sinh viên báo chí bao gồm: kiến thức cần thiết cho nghề báo, kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất chính trị- đạo đức nghề báo. Đó là thế “chân kiềng” trong mục tiêu rèn nghề mà mỗi nhà báo trè cần chú tâm rèn luyện. Thiếu một trong ba yêu cầu ấy, không thể trụ vững trong nghề báo, đặc biệt trong thách thức của báo chí môi trường số hiện nay. Đã chọn nghề báo, cần nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê và bản lĩnh với nghề.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định diễn đàn là cuộc đối thoại sôi nổi, thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ; thể hiện trách nhiệm của những người làm báo đi trước đối với thế hệ làm báo trẻ.
Theo ông, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ rất quan trọng nhưng không phải là linh hồn của các tác phẩm báo chí. Trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay, tâm thế, trách nhiệm, đạo đức nhà báo quan trọng nhất bởi nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung, nhận thức tới công chúng.
Nhà báo Hồ Quang Lợi tin rằng các nhà báo chúng ta có thể thắng mạng xã hội bằng sự tin cậy, thuyết phục của bài báo, bằng đạo đức người làm báo. Điều này gắn với việc xây dựng đội ngũ làm nghề từ trên ghế nhà trường có bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.
“Nếu có được đội ngũ những người làm báo như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có một nền báo chí giàu tính chiến đấu, đầy nhân văn phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước, nhân dân” - nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh./.