Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam vừa qua đời đột ngột khi đang đi thăm lại chiến trường xưa và gặp gỡ các đồng nghiệp, đồng đội làm báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Hành trình của ông dừng lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông từng chứng kiến những sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, để từ đó cho ra đời những tác phẩm báo chí, văn chương ghi dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp của mình.
Một cuộc đời 'vươn lên để cất bước'
Tác phẩm nổi bật nhất của nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh là tiểu thuyết lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” viết về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa dựa trên tài liệu thu thập được từ nhiều bên liên quan.
Cuối tháng 4/2014, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã thẩm định và xuất bản tác phẩm này. Cuốn tiểu thuyết lịch sử sau đó đã trở thành hiện tượng với nhiều lần tái bản, giành nhiều giải thưởng, được dịch ra nhiều thứ tiếng và còn được chuyển thể kịch bản để dựng phim tài liệu.
Tôi còn nhớ một buổi chiều năm 2022, khi đến thăm nhà vợ chồng nhà báo Trần Mai Hạnh-nhà thơ Bùi Kim Anh trong một ngõ nhỏ phố Nguyễn Đình Chiểu.
Khi tôi đang trò chuyện với nhà thơ Bùi Kim Anh ở tầng một thì nhà báo Trần Mai Hạnh đi từ trên gác xuống. Ông hồ hởi “khoe”: “Tôi vừa dứt cuộc điện thoại với ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam. Hội sẽ xây dựng đề án sản xuất bộ phim tài liệu nghệ thuật dài tập dựa trên cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử ‘Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75’.”
Vậy là tôi ngỏ ý muốn ông chia sẻ nhiều hơn về quá trình “thai nghén” tác phẩm này. Ông bảo ý tưởng của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” lóe lên trong thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975 nhưng để sưu tầm tư liệu và hoàn thành tiểu thuyết này thì ông đã mất cả cuộc đời. Ông hẹn gặp tôi vào một ngày khác để còn chuẩn bị tư liệu, giấy tờ minh họa cho những “góc khuất” trong cuộc đời ông và dặn: “Cứ chọn ngày nào tiện cho cháu nhé.”
Đến ngày hẹn, ông mang theo một chiếc cặp da phồng lên những giấy tờ, hình ảnh và cả bản thảo của tác phẩm. Một tập giấy A4 dày đặc chữ viết tay của ông được ghim giấy ghi chú màu vàng: “Dành riêng cho VietnamPlus.” Đó là những ghi chép mới đây của ông liên quan đến ý tưởng dàn dựng phim tài liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” cùng vài điều mà ông muốn chia sẻ với tôi, ông viết ra để khỏi quên.
Nói như vậy để thấy rằng nhà báo Trần Mai Hạnh tâm huyết với tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” như thế nào và đau đáu với dự án phim tài liệu này như thế nào.
Tiếc rằng thời gian của ông đã ngưng lại ngay trên mảnh đất Thành phố Hồ Chí Minh, địa danh lịch sử vô cùng quan trọng trong cuộc đời của ông.
Phải chăng đó là sự sắp đặt của số phận dành cho ông, như ông từng chiêm nghiệm: “Cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hoà những điều may mắn và không may mắn, kể cả những tai họa để cất bước..."
Chuyến đi cuối cùng về chiến trường xưa
Nói chuyện với tôi qua điện thoại, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam không kìm được tiếng nấc: “Tôi đau và xót xa quá. Nhà báo Trần Mai Hạnh không còn được xem những thước phim mà ông mong chờ nữa…”
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú là người hiểu hơn ai hết rằng nhà báo Trần Mai Hạnh dành nhiều tâm huyết cho dự án phim tài liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” như thế nào.
“Đây là tác phẩm để đời của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, mô tả những giờ phút cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn mà ông chính là nhân chứng sống, quan sát và kể lại một cách khách quan. Đó là những trang viết mà nhà báo-phóng viên chiến trường Trần Mai Hạnh đã đánh đổi thanh xuân, máu và nước mắt mới có được,” ông Tú nói.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho hay ông rất hạnh phúc khi được tác giả lựa chọn, tin tưởng để Hội trở thành một trong những đơn vị tham gia sản xuất bộ phim. Tiếc rằng dự án đang trong giai đoạn trình các cấp có thẩm quyền thì nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh đã đi xa.
“Chúng tôi đã kịp ghi lại những hình ảnh của nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh say sưa kể lại những giờ phút lịch sử ngày 30/4/1975 và hành trình 40 năm ông thu thập tư liệu, sáng tác tiểu thuyết này. Kịch bản chuyển thể cũng đã được chính tác giả góp ý, sửa chữa. Mong rằng dự án sẽ được hoàn thành để là một nén nhang tưởng niệm ông, dù chúng tôi biết rằng có làm hay đến đâu thì tác giả Trần Mai Hạnh cũng không xem được nữa,” ông Tú nghẹn ngào.
Ông Tú bày tỏ nguyện vọng dự án sẽ được duyệt và có kinh phí để sản xuất trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) đúng theo nguyện vọng của nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh. Đây cũng là sự tôn trọng lịch sử bởi nếu không làm nhanh thì những nhân chứng, nhân vật trong tác phẩm sẽ không còn nữa.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh.
“Ông đã trút hơi thở cuối cùng khi đang trở lại thăm chiến trường xưa. Và tôi nghĩ, chuyến đi cuối cùng trên mặt đất của ông là một chuyến đi được ban phước. Không phải ai cũng có chuyến đi cuối cùng của mình như thế,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên phóng viên chiến trường TTXVN đột ngột qua đời
Nhà báo Trần Mai Hạnh vừa qua đời đột ngột khi ông đang trên hành trình thăm lại chiến trường xưa và những người bạn cũ. Ông hưởng thọ 81 tuổi.
Theo ông Thiều, nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh là người đã đi qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc. Một cuộc chiến tranh trong thời chiến và một cuộc chiến tranh trong thời bình với những thăng trầm, vinh nhục của số phận. Song, văn chương đã giúp ông vượt qua tất cả.
“Hình như khi đến với văn chương ông mới tìm thấy con đường đến với hoà bình đích thực. Giờ ông đã về cõi vĩnh hằng, sẽ chẳng còn bất cứ cuộc chiến tranh nào mà ông phải đi qua nữa,” ông Thiều bày tỏ.
Dường như đó là sự sắp đặt của số phận, khi nhà báo Trần Mai Hạnh cùng em trai - nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) thực hiện một chuyến đi xuyên Việt, thăm lại những địa danh gắn liền với năm tháng thanh xuân vượt qua bom đạn. Với nhà báo Trần Mai Hạnh, thời gian của ông đã ngưng đọng mãi mãi nơi chiến trường xưa.
Ông đã sống và viết với tư cách một nhân chứng lịch sử đích thực. Tôn trọng sự thật là điều ông căn dặn những người làm báo trẻ: “Sự thật không phụ thuộc ý muốn chủ quan của con người. Những tác phẩm báo chí, văn chương tôi viết đều cố gắng xuất phát từ bệ đỡ của sự thật và bệ đỡ của lịch sử. Tuy nhiên, cùng với việc tôn trọng sự thật, người cầm bút hãy viết bằng cái nhìn nhân văn, hướng đến việc góp phần xây dựng, làm cho xã hội, cuộc sống tốt đẹp hơn”./.
Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1/1/1943 tại Hải Dương, mất ngày 2/4/2024.
Năm 1965, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó ông trở thành phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Từ 1965-1975, nhà báo Trần Mai Hạnh đã có mặt tại các trận địa: Hải Phòng, Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng); tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Nhà báo Trần Mai Hạnh đã xuất bản các tác phẩm: “Nắng Thu Bồn,” “Tình yêu và án tử hình,” “Sụp đổ và tự thú” (1985), “Ngày tận thế,” “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (2014), “Lời tựa một tình yêu,” “Thời tôi sống” (2018), “Viết và Đối thoại” (2019).
Ông được trao Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (1970-1971); Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.