Nhà báo Séc ra mắt sách “Việt Nam - quá khứ, hiện tại và tương lai”

Nhà báo Séc Pavel Herman vừa cho ra mắt cuốn sách ''Việt Nam - quá khứ, hiện tại và tương lai'' gồm bốn phần thể hiện cách nhìn của tác giả về lịch sử, văn hóa, con người và đất nước Việt Nam.
Cuốn sách ''Việt Nam - quá khứ, hiện tại và tương lai''. (Ảnh: Hồng Tâm/TTXVN)

Nhà báo Séc Pavel Herman vừa cho ra mắt cuốn sách ''Việt Nam - quá khứ, hiện tại và tương lai'' gồm bốn phần thể hiện cách nhìn của tác giả về lịch sử, văn hóa, con người và đất nước Việt Nam.

Trong phần “Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn," tác giả Herman đã giới thiệu những nét cơ bản về Việt Nam như đặc điểm thiên nhiên, khí hậu, hệ thống chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, tôn giáo...

Ông khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ở Việt Nam. Ông cũng thể hiện sự ngưỡng mộ đối với nhân cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người Việt gọi một cách gần gũi là Bác Hồ.

Phần “Việt Nam - đất nước của biển và đảo” là những nghiên cứu của tác giả Herman về biển, đảo, vị trí, tầm quan trọng của biển đảo và chiến lược biển của Việt Nam. Đối với Việt Nam, Biển Đông đóng vai trò quan trọng xét trên cả khía cạnh kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam chú trọng chiến lược biển nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển và bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Nhà báo Herman đã đưa ra nhiều chứng cứ pháp lý, lịch sử và hàng chục bản đồ cổ khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền và là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, tác giả Herman cho rằng khu vực này đã trở thành một điểm nóng trên bản đồ quốc tế. Ông nhấn mạnh các hoạt động cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Nhà báo Herman cho rằng việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng. Các quốc gia liên quan cần thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

[Cuốn sách “Đường về nhà xa lắm…”: Món quà vô giá từ cuộc sống]

Trong phần “Việt Nam - đổi mới, hội nhập và phát triển," nhà báo Herman khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thực hiện đường lối Đổi Mới từ năm 1986 đến nay.

Trong hơn 30 Đổi Mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật… Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam triển khai chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế. Đặc biệt, tác giả đánh giá Việt Nam có uy tín, vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Trong phần về quan hệ song phương Cộng hòa Séc-Việt Nam, tác giả Herman nhấn mạnh hai nước có mối quan hệ truyền thống. Trong những năm qua, mối quan hệ chinh trị được tăng cường thông qua các chuyến thăm cấp cao, quan hệ kinh tế-thương mại từng bước phát triển, quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục…cũng ngày càng được chú trọng.

Về cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc, nhà báo Herman đánh giá cao tinh thần chịu khó học hỏi, chăm chỉ làm việc và sự hội nhập sâu vào xã hội sở tại của người Việt.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, tác giả Herman khẳng định, việc tìm hiểu mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, sự khác biệt với với các mô hình trước đó và hiện nay ở các nước khác, là một đề tài thú vị, nhất là việc Việt Nam tiến hành thành công đường lối Đổi Mới. Bên cạnh đó, ông cũng muốn chuyển tải đến độc giả Séc góc nhìn đa chiều về diễn biến tranh chấp hiện nay trên Biển Đông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục