Sau chuyến đi thực tế ở vùng biển Hoàng Sa trở về, Trưởng Cơ quan thường trú Kyodo News khu vực châu Á đóng tại Thái Lan Toshihiro Yatagai đã đánh giá rằng các hành động của Trung Quốc mà ông được tận mắt chứng kiến là hoàn toàn không thích hợp và đáng bị lên án.
Ông bày tỏ hy vọng các bên nên giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình bởi các hành động hung hăng như của Trung Quốc sẽ không giải quyết được điều gì.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của ông Yatagai với phóng viên TTXVN tại Bangkok:
-Trung Quốc đã trái phép đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) vào vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông nghĩ sao về hành động này?
Ông Yatagai: Cách đây khoảng một tháng, tôi được biết Trung Quốc đã triển khai rất nhiều tàu ở khu vực này, nơi họ đặt giàn khoan như bạn nói.
Tôi cũng nhận được nhiều thông tin về việc các tàu chiến đó của Trung Quốc đã đâm vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Và khi được tận mắt chứng kiến, tôi cảm thấy sốc về điều này bởi có quá nhiều tàu hộ tống như vậy. Tôi có thể đếm được tới khoảng 40 chiếc và chúng đã có những hành động gây hấn như rượt đuổi và đâm va vào các tàu của Việt Nam.
-Ông là người vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về. Vậy sự thật ở đó diễn ra như thế nào?
Ông Yatagai: Thực tế, những tàu này của Trung Quốc được triển khai là nhằm bảo vệ giàn khoan của họ. Ngược lại, Việt Nam đã cử các tàu thực thi pháp luật của mình ra để cố gắng tiếp cận giàn khoan đó và tìm cách liên lạc với họ nhằm hạn chế các hành động hung hăng. Nhưng không hề có đối thoại mà chỉ có những hành động từ phía Trung Quốc nhằm đẩy các tàu của Việt Nam ra khỏi khu vực đó. Đã có những hành động phun vòi rồng và đôi khi có cả va đâm. Tôi cho rằng đây là việc làm đáng bị lên án và không thích hợp để giải quyết vấn đề này.
-Ông và các đồng nghiệp báo chí nước ngoài có gặp khó khăn gì trong chuyến đi này hay không?
Ông Yatagai: Có một chút khó khăn đối với tôi trong việc thích ứng với chuyến đi bởi chiếc tàu nhỏ cứ rung lắc liên tục khi ra ngoài khơi. Chúng tôi xuất phát từ Đà Nẵng và phải mất khoảng 10 tiếng mới ra tới đó. Đây là chuyến đi thực sự gian khổ đối với tôi, bởi tôi đã 50 tuổi rồi, những đổi lại, các chiến sỹ cảnh sát biển Việt Nam rất thân thiện và chu đáo. Họ cung cấp đủ nước uống và điện chiếu sáng cho chúng tôi. Thực sự là không hề có khó khăn gì trong việc tác nghiệp, ngoại trừ chiếc tàu rung lắc và đó cũng chính là điều thú vị.
Tôi và các đồng nghiệp khác cảm thấy hài lòng vì được chứng kiến tận mắt những gì đang diễn ra trên thực địa. Tôi cũng được biết về các hành động xung đột kiểu này, nhưng quả đúng là "trăm nghe không bằng một thấy." Đây là một kinh nghiệm quý đối với tôi, khi được tận mắt chứng kiến các sự việc diễn ra.
-Ông đánh giá thế nào đối với quan điểm của Nhật Bản và Thái Lan về các hành động của Trung Quốc tại khu vực?
Ông Yatagai: Tôi không phải là một quan chức của Nhật Bản hay của Thái Lan, nhưng chúng tôi, những người Nhật Bản cũng có những vấn đề tương tự với Trung Quốc liên quan tới một hòn đảo nhỏ.
Có thể nói rằng, tôi đã được chứng kiến nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc và những hành động kiểu này là thật sự không tốt bởi nó không thể giải quyết được các vấn đề.
Tôi hy vọng chúng tôi (Nhật Bản) và Trung Quốc có thể giải quyết được điều này thông qua đối thoại và các biện pháp ngoại giao. Việc Trung Quốc phái máy bay chiến đấu tiếp cận sát máy bay Nhật Bản, chỉ khoảng vài chục mét, là hành động nguy hiểm và tôi không muốn phải chứng kiến hành động này.
Tôi hy vọng tất cả các bên liên quan, ví dụ như Nhật Bản và Trung Quốc hay Việt Nam và Trung Quốc cần giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Nhưng dù sao thì các hành động hung hăng của Trung Quốc cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Liên quan tới Thái Lan, họ có thể có một chút phản đối Trung Quốc bởi họ không có việc tranh chấp lãnh thổ. Tuy là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhưng phản ứng của họ là khác hẳn so với Việt Nam hay Nhật Bản./.