“Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, diễn ca tiến thêm một bước mới, nói đúng hơn là một bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi bộ mặt thể loại này 'Ảnh Diễn ca' ra đời. Nhà báo Nguyễn Chính, người sáng tạo 'Ảnh Diễn ca,' nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.”
Đó là nhận xét của nhà báo Phấn Đấu (Báo Hà Nội mới) viết về người đồng nghiệp Nguyễn Chính đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có Nội san Thông tấn số 29 - Quý 3 năm 2002.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thư tay “Thân gửi anh Nguyễn Chính, ngày 7/5/1994” đã viết: “ Tôi đã nhận được tập Diễn ca ảnh 'Âm vang Điện Biên.' Rất đẹp và độc đáo”!
Nhà báo - Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính - Người chủ biên cùng các đồng nghiệp đã sáng tạo gần 20 tác phẩm Ảnh Diễn ca, với các nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quân đội anh hùng, cuộc sống muôn mặt yêu thương…
Nhà báo Nguyễn Chính là nghệ sỹ nhiếp ảnh được xếp hạng. Bởi Nguyễn Chính may mắn được vào nghề với người cha - nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải, từ thuở ấu thơ và trưởng thành theo năm tháng tại môi trường hết sức chuyên nghiệp, sôi động hàng đầu Việt Nam và khu vực ảnh thông tấn - cơ quan VNTTX nay là TTXVN.
Lật lại những tư liệu này để chúng ta hình dung được nét tài hoa của cố nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông (18/6/1937-18/6/2021).
Trái tim nhiệt thành của người làm báo, nghệ sỹ với “Cây bút và chiếc máy ảnh”- Nguyễn Chính đã lặng lẽ ngừng đập, chỉ cách ngày sinh lần thứ 85 chưa đầy 150 ngày. Tử biệt sinh ly dẫu là lẽ thường, những người làm báo đam mê với nghề lại là niềm trăn trở và tiếc nuối. Bởi không còn cơ hội trở lại thăm các địa danh, những nhân chứng với bao kỷ niệm được lưu giữ bằng những “cú bấm” máy xuất thần.
Kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông, chúng ta cùng nhớ lại cuộc đời và sự nghiệp của Nhà báo - nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính tài hoa của đất Hà thành.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Nguyễn Chính mồ côi mẹ từ thuở lên 3, nhưng bù lại, ông được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương vô bờ và dạy bảo hết sức nghiêm khắc của Người Cha - cũng là người thầy đầu tiên truyền cảm hứng đam mê nghệ thuật, kỹ thuật nhiếp ảnh và tình yêu nước cho Nhà báo Nguyễn Chính và các con cháu sau này.
Nhà báo Nguyễn Chính, tức Nguyễn Đức Chính, sinh ra tại Nghĩa Đô, Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy), Hà Nội trong một gia đình Nho giáo, yêu nước.
Thời Hà Nội bị tạm chiếm, Nguyễn Chính học tại trường Chu Văn An và theo cha học nghề ảnh, tham gia in ảnh Bác Hồ tại Cửa hàng Ảnh phố Gia Lâm, Bát Đàn và Hàng Ngang... bí mật gửi đến cho các tổ chức Cách mạng thời Hà Nội.
Năm 1960, Nguyễn Chính trở thành phóng viên ảnh của TTXVN khi mới hơn 20 tuổi. Duyên may trong cuộc đời với tinh thần tự học, luôn quý trọng và gần gũi các nhân sỹ, trí thức và các nhà báo hàng đầu của Việt Nam…
Nhà báo Nguyễn Chính đã có cơ hội được học hỏi, bộc lộ và phát huy khí chất của người làm báo nhiếp ảnh, xông pha chiến trận, đau đáu với nghề “chép sử bằng ảnh” vừa làm phóng viên chiến tranh, vừa sáng tác ảnh nghệ thuật.
Là phóng viên ảnh chuyên về văn hóa xã hội, với chiếc xe đạp và máy ảnh, Nhà báo Nguyễn Chính đã có mặt trên mọi nẻo đường từ mảnh đất địa đầu Tổ quốc ở Hà Giang, Lai Châu đến tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh trong những tháng năm gian lao kháng chiến của cả nước.
Ông đã chụp được những bức ảnh thời sự hết sức đắt giá, súc tích, giàu chất báo chí và nghệ thuật tạo dấu ấn như tác phẩm: “Cấy lúa bên hố bom,” “Máy bay thứ 1.300 của giặc Mỹ bị trừng trị ở Hà Bắc”; đoạt Giải thưởng quốc tế và trong nước “Giữ bàn tay em sạch” (UNESCO), “Chân dung Giáo sư Tôn Thất Tùng.''
Ngã ba Đồng Lộc là nơi Nhà báo Nguyễn Chính thường xuyên vào ra bằng chiếc xe đạp cà tàng để cùng sống với những khuôn hình đặc tả “Mười cô gái Thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc."
suýt chết theo các O.
Những tấm ảnh từng khiến Nhà báo Nguyễn Chính "suýt chết theo các O" đó mang sức sống vĩnh cửu- sống mãi với quê hương, đất nước, là biểu tượng kiên cường đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc”; về sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc khi tuổi mới mười tám, đôi mươi.
Sau năm 1975, thống nhất đất nước, Nhà báo Nguyễn Chính lại hăm hở với những chuyến đi lên vùng cao phía Bắc hay xuống vùng sông nước phía Nam phản ánh công cuộc xây dựng, kiến thiết và bảo vệ đất nước.
Ông đã ghi lại cuộc chiến chế ngự dòng sông Đà hung dữ để xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình, tố cáo tội ác của quân xâm lược biên giới phía Bắc đối với đồng bào ta tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn. Hà Giang...
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Chính lại hăm hở với những chuyến đi Tây Nguyên ngút ngàn xanh, rồi xuống miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long trù phú với những miệt vườn, cánh đồng thẳng cánh cò bay để sáng tác.
Ông từng nói với vợ con rằng, trong kháng chiến mình đã không cầm súng đánh giặc thì nay mình cầm máy ảnh cũng là đánh giặc, cũng là dựng xây đất nước.
Chính vì vậy, ảnh của nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính còn mãi trong sự nghiệp của ngành Thông tấn, của giới nhiếp ảnh Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Chính đã được sống và cống hiến hết mình cho nghề, cho niềm đam mê với nhiếp ảnh của mình đấy là hạnh phúc lớn nhất của ông.
Tình yêu nhiếp ảnh và thơ phú cùng với sự sáng tác không ngừng nghỉ đã thôi thúc Nhà báo - nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính chủ biên cùng với các tác giả biên soạn một loại hình diễn ca kết hợp giữa thơ và ảnh thành những bộ Ảnh Diễn ca (ảnh kèm chú thích bằng thơ và minh họa bằng nhạc).
Đặc biệt, tác phẩm diễn ca ảnh “Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà Văn hóa lớn” được phát hành 79 ảnh, mỗi tấn ảnh kèm 4 câu thơ.
Các tác phẩm diễn ca ảnh “Âm vang Điện Biên,” Bài ca “Người giữ nước,” “Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa”… đã trở thành công cụ truyền thông hữu ích, được ngành văn hóa thông tin truyền thông( nay là Bộ Văn hóa và Thể thao và Du lịch) phát hành hàng vạn bản.
Ấn phẩm đã trở thành phương tiện truyền thông rộng rãi tại các trường học, các nhà văn hóa thôn, xã, các đơn vị quân đội, biên giới hải đảo, miền núi xa xôi trên mọi miền Tổ quốc, góp phần vào việc giới thiệu, tuyên truyền giáo dục, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống Cách mạng Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo và các học giả đều khen các ấn phẩm diễn ca là một loại hình “rất sáng tạo, hình thức thích hợp.”
Nhiều người cho rằng “thơ thổi sức sống vào ảnh,” “ảnh tạo nét đẹp cho thơ.” Các bộ “Ảnh diễn ca” trong đó tác phẩm “Hồ Chí Minh Anh hùng Giải phóng dân tộc” do ông chủ biên đã được TTXVN chọn làm sản phẩm tặng hơn 1.000 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 28/6 đến 1/7/1996, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.
Ảnh thơ có băng nhạc kèm theo, hấp dẫn người đến xem, giống như một triển lãm nhỏ, nhất là tại các phiên chợ vùng cao và các trường học và địa phương, các đơn vị quân đội và cộng đồng trong những năm cuối thế kỷ 20, khi các phương tiện truyền thông còn hết sức khiêm tốn.
Không chỉ hăng say, ham mê với nghề nhiếp ảnh, nhà báo - nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính là người còn hết sức hiếu thảo với cha mẹ, chỉn chu, lo toan công việc của dòng họ, gia đình, có quan hệ bạn bè, rộng rãi, phóng khoáng, quảng giao say mê nghề, yêu điều thiện và luôn giữ nét tinh tế của người Tràng An!
Trong những năm gian khó của đất nước, ông luôn rộng mở, gần gũi, trân trọng các nhân sỹ, trí thức... và bạn bè, đồng nghiệp cùng chia sẻ chén rượu cay nồng tình bằng hữu, được nhiều người quý trọng.
Cho đến những ngày cuối đời, Nhà báo Nguyễn Chính vẫn luôn đau đáu ước vọng khôi phục, lưu giữ lại gần 20 Bộ Ảnh Diễn ca và ảnh báo chí. Tiếc rằng công việc chưa hoàn tất thì ông đã vội đi xa! Ông yên tâm! Con cháu nối nghiệp đang thực hiện ước vọng đó, lựa chọn hàng trăm bức ảnh trong những năm tháng cầm máy của ông hiện lưu giữ tại kho tư liệu ảnh Quốc gia của TTXVN và gia đình sẽ làm sống mãi cùng thời gian như ông hằng mong muốn.
85 năm cuộc đời! Nhà báo, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính với tâm hồn nghệ sỹ bay bổng và trải tim nhiệt huyết đã để lại cho cuộc đời tình yêu cuộc sống, lòng yêu nghề báo, yêu nghệ thuật nhiếp ảnh qua hàng trăm những bức ảnh lưu trữ tại TTXVN và gần 20 bộ Ảnh Diễn ca cùng khát vọng cháy bỏng cho niềm đam mê đến ngày cuối cùng.
Trân quý tình yêu nghề của các phóng viên TTXVN qua các thời kỳ, trong đó có nhà báo Nguyễn Chính để chúng ta vững tin vào nguồn sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau./.