Đoạn video gây sốc quay cảnh nhà báo Mỹ James Foley bị hành hình bởi một kẻ cực đoan nói giọng London đã được truyền đi khắp thế giới trong tuần qua cho thấy sự tàn bạo của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, các chuyên gia về video đã phân tích đoạn băng này và cho rằng nó đã được quay từ trước đó do sử dụng một vài mánh quay phim cũng như chỉnh sửa.
Việc James Foley đã thiệt mạng là điều không ai có thể tranh cãi, nhưng vấn đề ở đây là cảnh chặt đầu không được đưa ra. Thay vào đó, màn hình bắt đầu tối dần đi khi gã sát thú cầm dao cứa vào cổ họng của con tin, và lại tối đi lần nữa khi cảnh cái xác bị chặt đầu máu me hiện ra. Điều này làm dấy lên nghi vấn là James Foley đã bị giết cách đây 1 năm, sau khi bị lực lượng phiến quân giải phóng Syria bán cho tổ chức IS.
Bouthaina Shabaan, người phát ngôn chính thức của Tổng thống Bashar al-Assad, cho biết IS là một tổ chức mở rộng của quân đội giải phóng Syria, nhóm phiến quân đã chỉ huy cuộc nổi dậy 3 năm về trước. Bà Shabaan còn cho biết Liên hợp quốc có thông tin về việc nhà báo Foley đã bị hành hình từ năm ngoái.
Khẳng định này đã bị tình báo phương Tây bác bỏ vì nó xuất phát từ chính quyền của tổng thống al-Assad với hy vọng tự cứu mình thoát khỏi tình trạng bất ổn bằng cách tỏ ra là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố IS.
Khẳng định này cũng trái ngược với lời khai của Daniel Rye Ottosen, người đã bị giam 13 tháng cùng nhà báo Foley trước khi được thả hồi tháng Sáu. Một con tin khác là Nicolas Henin người Pháp, bị bắt cóc ở Syria tháng 6/2013 nói rằng mình đã bị giam chung với Foley trong 7 tháng. Gia đình của Foley cũng nhận được email cho thấy con trai họ còn sống tới tận tháng 12 năm ngoái.
Khẳng định của chính quyền Damascus được đưa ra sau khi tình báo Anh cho biết họ sắp xác định được danh tính của kẻ đã hành quyết nhà báo Foley. Đại sứ quán Anh ở Washington cho biết tình báo Anh đã sử dụng một kỹ thuật gọi là "vein matching" (so sánh mạch máu) để tìm ra kẻ sát nhân. Tuy nhiên việc khẳng định đoạn video chỉ là trò dàn dựng trước cũng làm dấy lên nghi ngờ về việc đây chỉ là một trò tuyên truyền của IS và kẻ bịt mặt nói giọng Anh trong đoạn phim chưa chắc là kẻ đã ra tay thực sự.
Afzal Ashraf, một chuyên gia về khủng bố và bạo lực chính trị ở Viện Cố vấn Hoàng gia thì cho rằng những phân tích về đoạn video là chính xác, và đây chỉ là một cố gắng của IS do đang chịu nhiều áp lực vì quân đội Mỹ đang tấn công ngày càng dồn dập.
"Chặt đầu một ai đó là một việc rất khó có thể trông tử tế khi lên hình. Ít nhất cũng phải có máu bắn lên camera. Những kẻ khủng bố này đã tiến hành quay phim các vụ hành quyết từ tận năm 2003, hẳn là chúng biết mọi mánh khóe dàn dựng. Thông điệp ở đây quá rõ ràng: các người đã tấn công nên chúng tôi đe dọa lại các người, nếu các người không dừng lại chúng tôi sẽ giết những con tin khác."'
Những con tin người châu Âu được thả hồi đầu năm nay cho biết sát thủ người Anh trong đoạn video là một trong ba kẻ mà họi gọi là "The Beatles" với biệt danh "John."
Một danh sách những kẻ tình nghi đã được lập ra bởi cơ quan tình báo. Danh sách thứ hai bao gồm những người có thể đã có tiếp xúc với nhà báo Foley cũng được đưa ra sau đó không lâu, trong đó có tên rapper người Anh Abdel-Majed Abdel Bary, người vừa tới Syria năm ngoái.
Cơ quan tình báo Anh cho biết họ đã sử dụng một công nghệ nhận diện giọng nói tinh vi để nhận biết nghi phạm qua bài diễn văn trước khi hành hình. Kẻ sát nhân trong video cũng không đeo găng tay và cầm dao ở tay trái, do đó kỹ thuật so sánh mạch máu cũng được sử dụng để kiểm tra và so sánh các mạch máu trên tay, qua đó phát hiện ra nghi phạm.
Nhiều khả năng cho rằng sát thủ tên "John" có quan hệ mật thiết với những kẻ chỉ huy của lực lượng IS. Mỹ đang cân nhắc việc nhắm một quả tên lửa vào kẻ này sau khi danh tính của hắn được xác định chắc chắn.
Các điều tra viên cho biết vẫn có khả năng kẻ xuất hiện trong đoạn video không phải là kẻ đã giết nhà báo Foley do sự gián đoạn giữa hai cảnh quay. Cảnh sát Anh cũng đã chuẩn bị kế hoạch khám xét hàng loạt những nơi có liên quan tới kẻ sát nhân ở Anh.
Bary thuộc một nhóm gồm ít nhất 6 người Anh được cho là đang ở Raqqa, Syria. Việc nhóm này thường xuyên dùng mạng xã hội và liên lạc với những kẻ ở Anh đã cung ấp nhiều thông tin giá trị cho các cơ quan tình báo. Lực lượng đặc nhiệm của Anh và Mỹ đã kết hợp lại để thực hiện nhiệm vụ truy tìm kẻ sát nhân và những kẻ chỉ huy của IS bằng những chiến thuật đã mang lại thành công hồi ở Afghanistan./.