Nhà báo Hữu Thọ - Nhớ mãi một người thầy nghề làm báo

Nhà báo Hữu Thọ là một người thầy dạy nghề thực sự, một người thầy rất yêu, rất say nghề, rất yêu quý và chăm chút cho từng học trò.
Nhà báo Hữu Thọ - Nhớ mãi một người thầy nghề làm báo ảnh 1Nhà báo Hữu Thọ (giữa) trong chương trình giao lưu nhân nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), tối 25/2/2013, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 13/8, ​nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X; nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trợ lý Tổng Bí thư đã từ trần, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhớ về ông, giáo sư-tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã bày tỏ cảm xúc qua bài viết “Nhớ mãi một người thầy nghề làm báo."

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết:

Đối với tôi và nhiều người làm báo xuất thân từ ghế nhà trường của Trường Tuyên huấn Trung ương trước đây, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay, Hữu Thọ không chỉ là một nhà báo tài năng, một tấm gương yêu nghề, say nghề mà còn là một người thầy. Ông là một người thầy dạy nghề thực sự, một người thầy rất yêu, rất say nghề, rất yêu quý và chăm chút cho từng học trò - những người kế tục sự nghiệp làm báo mà ông là một cây đại thụ.

Tôi vẫn nhớ như in một ngày đông năm 1978, nhà báo Hữu Thọ xuất hiện trước lớp Báo chí A - khoá II, Trường Tuyên huấn Trung ương. Trong chiếc áo đại cán bốn túi, chiếc khăn len dày quấn cổ, ông chậm rãi bước vào lớp, vừa nói vừa húng hắng ho. Ông bảo đang nằm Bệnh viện E nhưng “trốn viện” vào “nói chuyện nghề với các bạn đồng nghiệp”. Vì là người đang ốm nên có thể nói không tốt, không khoẻ, mong “các bạn đồng nghiệp” thông cảm.

Nói vậy nhưng ông đã giảng suốt một ngày về điều tra, càng giảng càng say sưa, càng hay. Mỗi chuyện nghề đều được ông phân tích giảng giải gắn với những kinh nghiệm thực tế mà ông đã trải nghiệm. Lũ học trò chúng tôi há mồm nghe như nuốt từng lời. Có lẽ đối với tôi, đó là một trong những bài giảng hay nhất mà trong đời tôi được nghe, một trong những bài giảng ấn tượng nhất mà tôi không bao giờ quên.

Sau này, do duyên may số phận, tôi được làm việc gần gũi với ông. Suốt từ năm 1991, ông liên tục kiêm nhiệm làm Trưởng khoa Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Không chỉ hướng dẫn, góp ý cho Ban lãnh đạo Khoa về nội dung, cách thức, các yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, ông còn trực tiếp giảng bài, tham dự các cuộc hội thảo chuyên môn của Khoa.

Cuối năm 2007, Tạp chí Cộng sản bắt đầu xuất bản chuyên san Hồ sơ ​Sự kiện với mục đích thông tin bình luận các sự kiện quốc tế nhằm hướng dẫn nhận thức cho cán bộ, đảng viên và bạn đọc đông đảo, chúng tôi mời nhà báo Hữu Thọ làm chuyên gia cố vấn. Ông là người đọc, rà soát chuyên san ​Hồ sơ ​Sự kiện trước khi xuất bản. Với kinh nghiệm nghề nghiệp và sự từng trải hoạt động thực tiễn, ông không chỉ phát hiện cho chúng tôi những chi tiết, vấn đề cần chỉnh sửa, cân nhắc từng thông tin mà còn góp ý về các đề tài cần tuyên truyền.

Mỗi lần trao đổi trực tiếp với chúng tôi về nội dung, cách thức làm Hồ sơ sự kiện, ông như trẻ lại, sôi nổi trao đổi và tranh luận đôi khi có chiều đanh đá về từng sự kiện, chi tiết. Khi anh em chúng tôi cảm ơn ông về sự góp ý và các ý tưởng của ông, ông trả lời hiền khô: “Mình là người hay cãi. Trước mỗi vấn đề, mình có thói quen là lật ngược lại, đặt ra các câu hỏi để phân tích, nhận định cho hết lẽ mới thôi. Đó là cách tư duy của mình học được trong quá trình làm báo. Các bạn thông cảm, đừng chấp, chấp làm gì!”.

Là một nhà báo bậc thầy, đã giữ những vị trí công tác quan trọng nhưng Hữu Thọ rất giản dị, gần gũi với anh em đồng nghiệp từ cách đi, dáng đứng đến lời nói, cử chỉ giao tiếp. Có lần, tôi có việc ra thăm ông ở Báo Nhân dân. Đó là lúc gần đến giờ nghỉ trưa. Ông bảo chúng tôi ở lại ăn trưa. Mấy thầy trò trải chiếu ra sàn nhà, quây quần quanh mấy đĩa thịt chó Hàng Lược anh thư ký mua về, chén chú, chén anh, chuyện như pháo ran. Trong bữa, ông kể đủ thứ chuyện về nghề, về đời làm báo, về các quan hệ công tác, các nhân vật cùng ông đã làm việc, đã quen biết.

Tôi nhớ mãi chi tiết ông kể về kỷ niệm đi chiến trường với nhạc sỹ Trần Hoàn. Ông và nhạc sỹ Trần Hoàn cùng mấy anh em lặn lội đi trong đêm, qua ngang rất gần bốt địch như một cách để tránh phục kích. Nhạc sỹ Trần Hoàn vẫn vác cây đàn g​uitar trên vai. Khi đi qua lùm tre, một cành tre mắc vào dây đàn, một tiếng đàn vang lên trong đêm thanh vắng khiến mấy anh em toát mồ hôi hột. Cũng may là quân địch không phát hiện. Thật hú hồn!

Như thường lệ trước ngày kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21 tháng 6, tôi đến thăm ông. Cô Trâm ra mở cửa cho tôi suýt xoa như chính mình là người có lỗi.

“Chán quá, sáng hôm nay ông ấy họp trên Ban Tuyên giáo Trung ương, chiều về một chút lại đi họp và trả lời phỏng vấn bên Bộ Công an, thế là thầy trò nhà ông lại không gặp được nhau,” ​cô Trâm tâm sự.

Tôi động viên cô rằng, tuy hôm nay không gặp được nhau nhưng thầy trò tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại và nhiều kênh liên lạc khác. Quả thật, thi thoảng có chuyện gì ông lại chủ động gọi điện thoại cho tôi. Có chuyện ông hỏi để biết thông tin, có chuyện ông thể hiện chính kiến của mình, cũng có chuyện ông góp ý cho tôi về công việc liên quan. Ở tuổi ngoài 80 rồi mà ông phát hiện, nhìn nhận, đánh giá những sự kiện, vấn đề thời sự vẫn sắc sảo như thời đang còn làm báo, thời đang còn lãnh đạo ngành Tuyên giáo hay thời làm trợ lý cho Tổng Bí thư Trung ương Đảng. Trong cách nói của ông, vẫn sâu nặng những lo toan về cuộc đời, về đất nước.

Hôm 4/8, kỷ niệm 95 năm ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu (5/8/1930-5/8/2015) ở Nhà hát lớn, ông còn đến dự. Tôi còn được gặp ông, nói lời “Chào thầy” và hỏi thăm sức khoẻ của thầy. Không ngờ đó là lần cuối tôi được cầm tay ông, được nghe giọng nói của ông, được nói với ông lời “Chào thầy” tự tấm lòng tôi vẫn hằng trân trọng, yêu quý đối với ông.

Tôi đang đi công tác xa Hà Nội, nghe tin ông đột ngột ra đi mà sững sờ. Vẫn biết đó là quy luật của tạo hoá nhưng sao vẫn thấy lòng nặng trĩu nỗi buồn mất mát, tiếc thương. Xin được dâng một nén tâm nhang thể hiện một tấm lòng nhớ ơn, trân trọng đối với một cây đại thụ trong làng báo, một người thầy mẫu mực thực sự của tôi và nhiều nhà báo khác của thế hệ chúng tôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục