Trong dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2017), VietnamPlus trân trọng đăng tải bài viết của nhà báo Khieu Kola, Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ nhà báo Campuchia (CCJ), cựu phiên dịch viên cho đoàn chuyên gia Thông tấn xã tại hãng thông tấn Campuchia SPK trong những năm 1980.
Đây là những dòng hồi tưởng về giai đoạn các cán bộ, nhà báo, kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam trong đoàn chuyên gia nỗ lực quên mình, cùng hỗ trợ đất nước Campuchia hồi sinh sau thảm họa diệt chủng Pol Pot. Nhan đề bài viết do VietnamPlus đặt.
Tôi và vợ tôi Mar Saborn đã chọn Thủ đô Hà Nội là nơi nghỉ mấy ngày để kỷ niệm 35 năm ngày cưới của chúng tôi (25/4/1982-25/4/2017), để ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên với các chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam từng công tác tại hãng thông tấn Campuchia SPK hồi thập kỷ 80, thời điểm đất nước Angkor mới được hồi sinh từ nạn diệt chủng tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.
[Những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Campuchia]
Từ Campuchia, dừng chân tại Vientiane (Lào), trước khi bay tới Hà Nội trên chuyến bay của Vietnam Airlines - hãng Hàng không Quốc gia Việt với hình ảnh logo hoa sen vàng làm tôi nhớ lại đó là tên của làng quê hương Bác Hồ - lãnh tụ xuất sắc của anh hùng dân tộc Việt Nam và cũng làm cho tôi nhớ lại những kỷ niệm của tôi với bộ đội cụ Hồ trên đất nước quê hương tôi, đặc biệt là những kỷ niệm của tôi với các nhà báo, kỹ thuật viên Thông tấn xã Việt Nam tại SPK.
Những ký ức đó, những con người đó, tôi không thể nào quên. Với những tên các chuyên gia mà hồi thập kỷ 80, tôi vẫn gọi một cách thân thương là: anh, chị, chú, bác. Lời xưng hô tôi thích gọi nhất là “thầy” hay “chú.”
Đó là những người thầy thực sự: bác Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, là người cùng với ngài Em Sam An, cựu Tổng Giám đốc SPK thành lập ra Báo ảnh Campuchia vào năm 1986 và chính tôi đã trở thành người viết cho tờ báo ảnh này từ dạo đó, để rồi trở thành nhà báo tới hiện nay, một nghề mà tôi vẫn đam mê theo đuổi.
Nghề nhà báo cho tôi cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới, một cách hấp dẫn mà không cần tốn tiền, chỉ cần “kỷ luật, nghiêm túc, sẵn sàng, đừng nặng với lợi ích cá nhân.”
Tôi còn mãi nhớ bài dạy (ngữ pháp) tiếng Việt về cách trích dẫn trực tiếp/gián tiếp do bác Đỗ Phượng dạy tôi hồi tôi làm phiên dịch cho ông trong những ngày đầu Báo ảnh Campuchia mới được thành lập, với bản in tại B2 (cơ quan Đại diện Thông tấn xã tại Thành phố Hồ Chí Minh), số 120 đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Tới bây giờ, từ những thành công trong nghề làm báo của mình, tôi phải nói rằng: “Bác Đỗ Phượng là người thầy đầu tiên giảng dạy tôi viết bài báo ảnh và bài gặp bạn đọc cho báo ảnh.”
Tôi phải nói rằng, sự truyền đạt hiểu biết, kiến thức viết báo của bác Phượng là “kho tri thức, hiểu biết và hiệu quả nhất” trong đời làm báo của tôi, cả báo trong nước cả báo nước ngoài mà tôi từng tham gia.
Xin phép kể lại thêm những tên chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam mà tôi từng tiếp xúc làm việc tại SPK từ năm 1981-1985 từ khi tôi là học viên tiếng Việt tới vai trò làm thợ điện (kỹ thuật viên máy nổ) đến nhà báo, phiên dịch cho đoàn chuyên gia Việt Nam. Đặc biệt là phiên dịch cho ngài Em Sam An, Tổng Giám đốc SPK và bác Đào Tùng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Trong số đó còn có thầy Nguyễn Thành Bốn, thầy Quý, bác Quế Lâm…
[Chuyện về vali rau tiếp viện cho chiến trường Campuchia]
Thầy Nguyễn Thành Bốn đã cho tôi một sự hiểu biết là thế nào là đời con nhà nông và sự tích cực học tập làm việc theo gương Bác Hồ, phải “cần kiệm liêm chính,” đặc biệt là phải có kỷ luật sắt của giai cấp công nhân để sản xuất ra điện và khi có điện thì con người sẽ có tất kể cả hàng chất lượng cao mà con người mình rất thích thú.
Thầy Quý - một chuyên gia máy nổ và máy phát điện hồi năm 1984-1986 là người thường đưa cho tôi đọc những bài báo của Thông tấn xã Việt Nam, đặc biệt là tài liệu tham khảo mà tôi thích thú nhất.
Tôi còn nhớ rằng có một hôm, một kỹ sư điện Việt Nam (tôi không nhớ tên), một người rất ham đọc sách, nói với tôi: “Này Kola, ông có khả năng và trí óc người làm báo chứ không phải công nhân điện đâu. Cố gắng đọc, yêu vợ con, xây dựng hạnh phúc gia đình, khi chuyên gia Việt Nam rút về, về đất nước chùa Tháp sẽ có hòa bình, tôi sẽ về hưu, sẽ về làm ruộng tại quê nhà, còn Kola sẽ trở thành một nhà báo giỏi lỗi lạc và đừng quên học tiếng Anh tại vì đó sau này là vé máy bay mà Kola không cần mua.” [Cơ hội được đi khắp nơi trên thế giới - PV]
Nhớ lại những lời nói đó, tôi rất bất ngờ vì tại sao nó hoàn toàn trở thành sự thật. Một kỹ sư điện Việt Nam, con cháu nhà nông ở miền Bắc Việt Nam có một sự suy đoán và phân tích chính trị Campuchia và thế giới một cách chuẩn hơn nhiều so với nhà phân tích “độc lập” hiện nay tại Vương quốc Campuchia.
Ngoài ra, còn có chú Bảy hay còn gọi là Bảy Phượng, tên gọi một cách thân thương của ông Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng của công nhân viên và cán bộ SPK, tôi cũng không thể nào không kể một dòng về chú Quế Lâm, Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam tại SPK hồi năm 1987-1989.
Ông Quế Lâm là một chuyên gia hỗ trợ cho SPK, luôn yêu thương các phóng viên, cán bộ SPK như người trong một nhà.
Chú là một chuyên gia giỏi, thích thú nghiên cứu văn hóa Khmer, sống giản dị, thích ăn khoai tây. Lời chú thường nhắc nhở tôi khi tôi được ông Em Sam An, Tổng Giám đốc SPK cử tôi làm phiên dịch phục vụ chú là: “Này Kola, con người mình học để trở thành tri thức thì dễ lắm nhưng thế giới của chúng ta không có trường để học làm người giản dị, không khoe, không tự đắc đâu. Cái đó là con người phải tự mình rèn luyện như cụ Hồ đấy.”
Những dòng viết trên đây là dòng chữ của một người Campuchia sinh ra trên tổ quốc Chùa Tháp kể lại những kỷ niệm quý báu của đời, xin gọi là: “Kỷ niệm khó vàng bạc”.
Khi tôi và vợ tôi Mar Saborn được vinh dự đến gặp xã giao và hỏi thăm chú Đỗ Phượng ở ngay phòng làm việc của chú nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày cưới của tôi, Trưởng đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam tại SPK, chú Bảy đã thấm thía nói cho tôi và vợ tôi nghe: “Cảm ơn hai vợ chồng Kola-Saborn đến thăm hỏi tôi. Tôi đã già nhưng càng có sức khỏe và vui vẻ khi hai vợ chồng hạnh phúc đến thăm tôi. Tôi còn nhớ hồi đầu thập kỷ 80, tôi đã thấy hai thanh niên Campuchia này yêu nhau. Tôi luôn chúc cho tình yêu này hạnh phúc lâu dài…”
Một cuộc gặp gần một tiếng đồng hồ với người thầy viết báo đầu tiên trong đời tôi tại thủ đô Hà Nội làm cho tôi càng thêm vững tâm hơn, nỗ lực vun đắp cho nền hòa bình của Campuchia vốn đã có nhiều công sức đóng góp, cống hiến của các chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam. Tất cả đã góp phần xây dựng sự phồn vinh cho tổ quốc thương yêu của tôi, Vương quốc Campuchia./.