Nhà an toàn phòng chống bão, lũ: Cầu nối giúp dân vùng biển ‘đổi đời'

Từ năm 2017 đến nay, hơn 4.100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã được xây dựng giúp các hộ dân nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam yên tâm khi có bão...
Nhà an toàn phòng, chống bão, lũ ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Nhà an toàn phòng, chống bão, lũ ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Những cơn cuồng phong, bão tố từng gây ra nhiều mất mát và thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển miền Trung, để lại những vết thương khó lành trong cuộc sống của người dân nghèo. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, rất nhiều người dân ở các vùng rủi ro thiên tai đã tránh được thiệt hại nhờ có một nơi trú ẩn an toàn và chắc chắn từ một dự án đồng tài trợ đặc biệt.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (hợp phần 1 - hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt) của Chính phủ, hỗ trợ bởi UNDP và Quỹ Khí hậu xanh chính là "vị cứu tinh" mang lại niềm vui cho những người dân vùng lũ. 

“Với chúng tôi, thế là đổi đời rồi!”

Theo đánh giá của giới chuyên gia khí tượng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Đáng lo hơn, trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng phải trải qua nhiều hình thái khí hậu khắc nghiệt, bất thường và không thể dự đoán trước.

Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng của hơn 16 cơn bão; trong đó có 5 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh ven biển gây ra lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng; hàng trăm nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy và hàng chục ngôi làng bị cô lập do lũ lụt,...

Ông Nguyễn Văn Tính (hiện đang sinh sống ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa - một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các trận bão lớn và các loại hình thiên tai nguy hiểm), đến bây giờ vẫn nhớ như in cảm giác kinh hoàng khi bão về, gió mạnh, sấm rền vang lên ngoài cửa, thổi tốc mái ngôi nhà ngói xập xệ mà như ông gọi - đó là “cái ổ chuột” của mình.

“Ngày trước, mỗi khi bão đến, cửa nhà lại đập rầm rầm, có lần tốc hết cả mái. Lúc mưa thì nước bì bõm, không lúc nào người được khô ráo. Thế nên, cứ nghe tin có bão, hai thân già này lại lo… Khổ lắm nhưng cũng không có tiền để sửa chữa,” ông Tính buồn bã chia sẻ.

Vì thế, năm 2018, khi nghe tin về dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam;” trong đó hợp phần 1 là hỗ trợ xây nhà chống chịu bão, lụt, gia đình ông đăng ký ngay.

“Tôi bị tàn tật diện nặng, liệt mất một tay, một chân, không có tiền để tự xây nhà nên rất cần giúp đỡ. Và rồi, hơn cả điều ước, tôi đã được hỗ trợ. Giờ đã có nhà ở kiên cố, yên tâm trước bão, không lo dột, không lo ngập nữa. Với tôi thế là đổi đời rồi!” ông Tính hồ hởi nói.

[Việt Nam tiến bước vào ‘sân chơi lớn’ quyết đưa phát thải ròng về O]

Cùng được hưởng lợi từ “dự án đặc biệt” trên, bà Tạ Thị Biểu (ngoài 60 tuổi, thuộc trường hợp gia đình neo đơn, ở xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cũng khẳng định từ khi có ngôi nhà an toàn, gia đình bà “đã bước sang trang mới.”

Theo lời bà Biểu, trước đây, cứ mỗi khi xuất hiện mưa bão, ngồi nhà nhỏ xập xệ nằm ở vùng trũng của bà lại bị dột trên, ngập dưới, hư hỏng nặng nề. Thế nhưng, từ khi được hỗ trợ xây nhà an toàn với thiết kế đặc biệt để chống chịu với bão lũ, thiên tai, người phụ nữ sống cảnh neo đơn đã “không còn phải lo lắng gì nữa!”

“Đây là một phép màu, biến ước mơ sở hữu ngôi nhà mới của tôi - người nông dân nghèo thành hiện thực. Giờ tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã có ngôi nhà mới, nơi tôi có thể an tâm sống hết phần đời còn lại của mình,” bà Biểu nở nụ cười chia sẻ.

Theo thống kê của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), từ năm 2017 đến nay, hơn 4.100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt đã được hỗ trợ xây dựng cho những hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển duyên hải miền Trung Việt Nam.

Nhà an toàn phòng chống bão, lũ: Cầu nối giúp dân vùng biển ‘đổi đời' ảnh 1Bản đồ nhà an toàn phòng, chống bão, lũ ở 5 tỉnh ven biển miền Trung.(Nguồn: UNDP Việt Nam)

Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, từ khi triển khai dự án đến nay, Chính phủ Việt Nam, Quỹ Khí hậu xanh cùng UNDP đã hỗ trợ xây dựng 1.403 ngôi nhà an toàn cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình neo đơn, tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn…

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh căn nhà là tài sản lớn nhất của các cá nhân và gia đình. Vì thế, việc xây dựng những căn nhà an toàn là rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng thích ứng của hầu hết các hộ gia đình ở các vùng ven biển của Việt Nam.

Theo thiết kế, nhà của dự án được xây với các tính năng an toàn, có khả năng chống chịu bão, lụt, với một gác lửng cao hơn mực nước tối đa được ghi nhận và được xây dựng rộng ít nhất 10m2. Tất cả nhà của dự án đều có kiến trúc kiên cố, vững chãi, xây từ các vật liệu chất lượng cao, với móng nhà chắc chắn. Trên tầng lửng có một cửa sổ lớn được sử dụng như một lối thoát khi cần di tản trong lũ lụt.

Nhờ thiết kế đặc biệt trên, tất cả những ngôi nhà an toàn trên đã chống chọi rất tốt với những cơn bão liên tiếp và lũ lụt quy mô lớn đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2020 đồng thời góp phần bảo vệ an toàn cho người dân, cộng đồng xung quanh.

Hiệu quả mà nhà an toàn chống bão, lũ đã rõ, song theo một nghiên cứu gần đây mà UNDP thực hiện với Bộ Xây dựng, hơn 110.000 gia đình đang sống trong tình trạng không có nhà ở an toàn trên khắp 28 tỉnh ven biển, trong đó có hơn 25.000 gia đình ở các huyện ven biển. Riêng tỉnh Thanh Hóa, có tới 10.000 hộ dân.

Trước nhu cầu to lớn của người dân về nhà an toàn trước biến đổi khí hậu và thiên tai, mới đây (nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 27-31/7), bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, UNDP cùng với Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đã đi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để bàn luận về quan hệ đối tác hiện tại và những hỗ trợ cần thiết cho người dân tỉnh này trong tương lai.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ về những rủi ro thiên tai mà người dân có thể sẽ gặp phải trong tương lai, bà Kanni Wignaraja cho biết: “UNDP sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh Thanh Hóa cũng như hỗ trợ xây dựng thêm 100 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt trong thời gian gia hạn dự án.”

Ngoài ra, bà Kanni Wignaraja cũng cho biết thông qua các mô hình của dự án đã được triển khai thí điểm thành công tại các địa phương, UNDP sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam cũng như các tỉnh tham gia dự án mở rộng các mô hình thành công, để người dân tiếp tục được hưởng lợi nhiều hơn. Đó cũng là giải pháp để “không ai bị bỏ lại phía sau” do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai./.

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động liên quan đến biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” bao gồm 3 hợp phần (nhà an toàn phòng, chống bão, lũ; trồng rừng ngặp mặn; thông tin về biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu). Trong đó, hợp phần 1 về nhà an toan, được triển khai tại 5 tỉnh gồm: Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Thời gian thực hiện dự án kéo dài trong 5 năm từ 2017-2021.

Nhà an toàn phòng chống bão, lũ: Cầu nối giúp dân vùng biển ‘đổi đời' ảnh 2Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc và bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đi thăm nhà an toàn phòng, chống bão, lũ ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục