Trái tim chất chứa tình cảm sâu nặng của người dân làng Rồng, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đang hướng về Thủ đô, nơi Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trút hơi thở cuối cùng.
Dù Bác đã ra đi mãi mãi nhưng dân làng ven biển nơi đây vẫn luôn ghi nhớ công ơn và tình cảm chân thành của nhà lãnh đạo đáng kính, đã khai sinh ra làng.
Dẫu biết sinh tử là lẽ thường tình của tạo hóa, nhưng sự ra đi của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn khiến người dân làng Rồng cảm thấy chơi vơi và hụt hẫng.
"Người dân nơi đây dành nhiều tình cảm và coi bác Phiêu như một người cha bởi bác là nguồn động viên lớn lao của dân làng lúc khó khăn nhất sau trận lũ lụt lịch sử năm 1999. Hay tin bác mất, bà con thương tiếc, mong muốn lập một điểm viếng ngay tại làng Rồng để làm nơi hương khói bác," ông Ngô Văn Đủ, Phó Bí thư Thường trực thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang chia sẻ.
Hai mươi mốt năm trôi qua, nhưng ký ức kinh hoàng do trận đại hồng thủy cuối năm 1999 để lại vẫn còn hiện rõ đối với gia đình anh Trần Văn Thu và 63 hộ dân sống trên đập Hòa Duân, làng Hải Thành, thị trấn Thuận An.
Thời điểm đó, cơn lũ đã cuốn trôi con đập Hòa Duân ra biển, mở ra một cửa biển lớn, dài hơn 600m trên bờ biển thị trấn Thuận An. Bỗng chốc gần 200 người dân nơi đây trở thành những người không nhà.
Mười hai người thân ra đi mãi mãi cùng tất cả của cải bao năm gây dựng khiến anh Thu chới với, không biết nên "viết" lại cuộc sống từ đâu.
[TBT Lê Khả Phiêu - Người củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội]
Ngày ấy, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp là Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mà chỉ chưa đầy 3 tháng sau, anh Thu và những hộ dân khác tái thiết được cuộc sống trên vùng đất mới mang tên "làng Rồng," cách đập Hòa Duân - nơi đau thương cũ chừng 1km.
Anh Thu cho biết tên "làng Rồng" cũng chính do Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt vào năm Canh Thìn (2000) với mong muốn bà con mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, vươn lên phát triển để có được cuộc sống khởi sắc. Vì vậy, tất cả những hộ dân làng Rồng đều coi bác Phiêu là người cha khai sinh ra làng.
Từ sau ngày đặt tên cho làng, cứ mỗi cuối năm hoặc dịp Tết, bác Phiêu lại sắp xếp công việc, dành thời gian trở về thăm dân làng nơi đây. Ký ức về những chuyến thăm ấy vẫn còn rõ như in trong lòng bà Huỳnh Thị Mân.
"Bác ân cần, thân thiết hỏi han từng người một về công việc, cuộc sống, chuyện học hành của con cái như người cha hiền thật sự. Rồi bác cẩn thận dặn dò chính quyền phải chăm lo, quan tâm đến đời sống của dân khiến chúng tôi vô cùng cảm động," bà Mân chia sẻ.
Lo lắng thiên tai sẽ lại gây khó khăn cho người dân làng Rồng, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhanh chóng kêu gọi giúp đỡ từ nhiều nơi để có thể xây nhà sinh hoạt chung với mong muốn người dân có nơi sinh hoạt văn hóa, đồng thời là nơi kiên cố tránh nạn thiên tai.
Đúng như điều bác mong muốn, dân làng Rồng bình yên, vượt qua nhiều cơn bão, lũ suốt những năm qua. Từ đó, những con người sống sót sau trận đại hồng thủy năm 1999 đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau xây dựng giống nòi "con Rồng, cháu Tiên," giúp bộ mặt chung của làng Rồng ngày một khởi sắc.
Từ lúc được khai sinh, làng Rồng chuyển mình theo thời gian. Nhiều căn nhà trong làng cứ thế cao lên, đường đi phủ bêtông thẳng lối. Cùng những hàng cây xanh rờn, bức tranh về làng Rồng ven biển được tô điểm nhiều sắc màu tươi vui cùng sắc hồng của cuộc sống.
Từ một làng tái định cư chưa tới 200 nhân khẩu sinh sống, nay làng Rồng đã không còn hộ nghèo, gần 300 người dân sống chan hòa, đầm ấm với cuộc sống ổn định, khấm khá hơn xưa.
Những cháu nhỏ may mắn sống sót sau trận lũ này đã trở thành những con ngoan, trò giỏi, cử nhân đại học. Lớp trẻ lớn lên sau trận lũ, không chỉ là trụ cột trong gia đình mà còn là những tấm gương sáng sống nghị lực vươn lên của làng Rồng.
Ngoài nghề biển, dân làng còn tìm thêm nhiều nghề mới để mưu sinh, làm giàu. Anh Trần Văn Thu đã xây được ngôi nhà hai tầng khang trang sau nhiều năm cùng gia đình làm bánh lọc, bánh tráng.
Trong thương xót, anh Thu chia sẻ, ngôi nhà và cơ hội cuộc sống này đều nhờ bác Phiêu mà nên; không có bác quan tâm, động viên anh khó lòng vượt qua nỗi đau quá lớn năm xưa. Giờ bác mất, anh rất muốn ra Thủ đô viếng thăm, thắp nén hương và nhìn bác lần cuối.
Ngay rạng sáng hay tin bác Lê Khả Phiêu từ trần, không chỉ người dân làng Rồng mà nhiều người dân thị trấn Thuận An đến kín Nhà sinh hoạt cộng đồng làng Rồng bùi ngùi kể lại cho nhau nghe chuyện về bác và dọn dẹp, chuẩn bị lập bàn thờ vọng Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Có mặt tại Nhà sinh hoạt làng Rồng, ông Hoàng Văn Toàn không thôi ngậm ngùi khi nhớ lại: Tại đây, hàng năm đều có bác Lê Khả Phiêu đến thăm, tặng quà Tết cho dân làng. Những lúc bận rộn, sức khỏe yếu, bác vẫn không quên gửi bánh mứt tới để động viên chúng tôi vui Xuân, đón Tết. Giờ không còn cơ hội được gặp bác nữa nhưng chúng tôi sẽ sống hết mình, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất bác khai sinh như đúng kỳ vọng của bác.
"Mọi người thống nhất chọn Nhà sinh hoạt cộng đồng làng Rồng làm nơi thờ viếng bác vì đây là nơi lưu giữ nhiều ký ức, hình ảnh về bác nhất. Mỗi khi sum họp tại đây, bác sẽ thấy được sự hồi sinh, lớn mạnh của những con người mà bác đã trao yêu thương, giúp đỡ. Chúng tôi sẽ răn dạy các con, cháu làng Rồng sau này phải ghi nhớ công ơn của bác, sống và học tập xứng đáng với những gì bác Phiêu mong đợi," ông Toàn cho hay.
Chính quyền địa phương đã cử lực lượng hỗ trợ dân làng Rồng lập bàn thờ Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ngay tại Nhà sinh hoạt cộng đồng. Những ngày tới, lễ viếng diễn ra tại làng Rồng sẽ được tổ chức trang nghiêm trên tinh thần giãn cách xã hội trước diễn biến của dịch COVID-19.
Bác Phiêu đã nằm xuống nhưng người dân ven biển làng Rồng sẽ còn tiếp tục "viết" tiếp tương lai từ sự hồi sinh mà bác đã tạo ra. Tương lai ấy dù ra sao thì tất cả người dân và những thế hệ con cháu sau này của làng Rồng cũng sẽ nhớ mãi hình ảnh "người khai sinh ra làng," Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu./.