Nguyên TGĐ Công ty mía đường Tây Ninh lĩnh 10 năm tù giam

Nguyên TGĐ Công ty mía đường Tây Ninh lĩnh án 10 năm tù giam

Ngày 23/5, Tòa án Nhân dânTây Ninh đã tuyên phạt các bị cáo Trần Cảnh Lạc, sinh năm 1954, nguyên ​tổng ​giám đốc 10 năm tù giam vì tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng."
Tập trung mía nguyên liệu để đưa vào sản xuất đường tại Công ty Bourbon Tây Ninh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Qua 2 lần đưa ra xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty mía đường Tây Ninh, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 70 tỷ đồng, ngày 23/5, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt các bị cáo Trần Cảnh Lạc, sinh năm 1954, nguyên tổng ​giám đốc 10 năm tù giam; Nguyễn Xuân Danh, sinh năm 1969, nguyên phó phòng kinh doanh thương mại 9 năm tù giam, Nguyễn Thị Phúc, sinh năm 1962, nguyên kế toán trưởng 5 năm tù giam.

Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 25 tỷ đồng. Trong đó, Trần Cảnh Lạc bồi thường 10,5 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Danh bồi thường 9,6 tỷ đồng, Nguyễn Thị Phúc bồi thường 5,3 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, năm 2009 Nguyễn Xuân Danh, lúc đó là Trưởng phòng kinh doanh-thương mại được cử sang Trung Quốc tìm đối tác để xuất khẩu hàng nông sản (gạo, bột sắn, cao su) của Công ty mía đường Tây Ninh. Nhưng Danh không trực tiếp sang Trung Quốc mà thỏa thuận bán hàng cho đối tượng Đinh Thị Thảo (sinh năm 1962, ngụ tỉnh Lạng Sơn) để Thảo làm trung gian đem hàng sang Trung Quốc bán lại.

Để hợp thức hóa các hợp đồng xuất khẩu thời gian đầu, Thảo lấy tên các công ty nhập khẩu hàng hóa bên phía Trung Quốc gồm Công ty trách nhiện hữu hạn, thương mại xuất nhập khẩu Xi Lai Phúc (địa chỉ tại Thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Guo Qi Do Li (địa chỉ tỉnh Guangxi, Trung Quốc) để ký kết hợp đồng trực tiếp với Công ty mía đường Tây Ninh.

Trước khi thỏa thuận mua bán với Thảo, Danh có bàn bạc với Trần Cảnh Lạc, Tổng Giám đốc và Nguyễn Thị Phúc, kế toán trưởng và thống nhất phương thức mua bán kể trên, nhằm hợp thức hóa hồ sơ xuất khẩu hàng hóa. Các hợp đồng mua bán này do Trần Cảnh Lạc trực tiếp ký.

Qua đó, từ ngày 7/12/2009 đến 20/3/2011, Danh và Phúc đã tham mưu, trình cho Nguyễn Cảnh Lạc ký 26 hợp đồng xuất khẩu bột sắn, gạo sang Trung Quốc, trong đó có 21 hợp đồng ghi bán cho Công ty Xi Lai Phúc và 5 hợp đồng ghi bán cho Công ty Guo Qi Do Li.

Đầu năm 2011, Nguyễn Cảnh Lạc chỉ đạo Danh đề nghị Thảo làm chứng thực về lãnh sự tư cách pháp nhân của 2 công ty trên, nhưng Thảo không thực hiện được theo theo yêu cầu của phía Công ty.

Để đối phó và hợp thức hóa các giấy tờ này, được sự đồng ý của Nguyễn Cảnh Lạc, Danh và Phúc đã bàn với Thảo trực tiếp soạn thư giới thiệu bằng tiếng Việt giới thiệu Thảo là người hỗ trợ về ngôn ngữ và thay mặt 2 công ty Trung Quốc thương thảo các hợp đồng (không phải là người ký hợp đồng) sau đó đưa cho Thảo đi đóng dấu mang tên các công ty đối tác kể trên.

Do không trực tiếp mua bán với phía Trung Quốc, Danh tự soạn các giấy ủy quyền của 2 công ty này với nội dung sử dụng số điện thoại và địa chỉ của Thảo làm nơi tiếp nhận các giao dịch.

Sau đó, từ tháng 12/2009 đến tháng 8/2012, Danh và Phúc đã tham mưu cho Nguyễn Cảnh Lạc ký tiếp 50 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa (tinh bột sắn, gạo) sang Trung Quốc (38 hợp đồng với Công ty Xi Lai Phúc và 12 hợp đồng với Công ty Guo Qi Do Li).

Trong qua trình thực hiện hợp đồng mua bán kể trên, Thảo luôn trả tiền trễ, kéo dài thời gian thanh toán, vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng Danh và Phúc vẫn tiếp tục trình Nguyễn Cảnh Lạc ký tiếp thêm 5 hợp đồng khác bán hàng cho Thảo. Trong đó, có 3 hợp đồng bán 4.000 tấn bột sắn (trên danh nghĩa là bán cho Công ty Xi Lai Phúc và 2 hợp đồng xuất bán 2.270 tấn gạo với Công ty Guo Qi Do Li có tổng giá trị hơn 61,6 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất 5 hợp đồng kể trên, Thảo chỉ thanh toán cho Công ty mía đường Tây Ninh 6,1 tỷ đồng, còn lại 55,5 tỷ đồng Thảo hẹn lần hẹn lượt, cố tình không trả.

Ngày 7/1/2013, Lạc, Danh, Phúc hẹn gặp Thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh để bàn cách thức trả số nợ của 5 hợp đồng mua bán kể trên.

Trong quá trình bàn bạc, biết Thảo không còn khả năng chi trả, Lạc chỉ đạo Danh và Phúc soạn thảo các biên bản đối chiếu công nợ, văn bản xin gia hạn nợ của 2 công ty trên nhằm hợp thức hóa các hợp đồng đã quá hạn thanh toán. Thời gian sau đó, Thảo sang Trung Quốc trốn mất.

Ngày 10/4/2013, Công ty mía đường Tây Ninh khởi kiện Công ty Xi Lai Phúc đến Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh với chi phí hơn 854 triệu đồng.

Sau đó, Công ty mía đường Tây Ninh được trọng tài này phán quyết Công ty Xi Lai Phúc (có tên trong 3 hợp đồng mua 4.000 tấn bột sắn) phải trả cho Công ty mía đường Tây Ninh số nợ 35,5 tỷ đồng theo hợp đồng đã ký kết.

Ngày 23/12/2013, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh có công hàm thông báo Cơ quan quản lý Trung Quốc không có thông tin đăng ky về Công ty Xi Lai Phúc. Còn Công ty Guo Qi Do Li cũng có thông báo ngày 12/12/2014 xác định từ giữa năm 2012 công ty này không có bất kỳ giao dịch cũng như ký kết 2 hợp đồng với Công ty mía đường Tây Ninh.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Xuân Danh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, còn bị cáo Lạc và Phúc không thừa nhận hành vi do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh luận tội.

Ngày 17/2/2016, Công ty mía đường Tây Ninh được cổ phần hóa thành Công ty cổ phần mía đường Tây Ninh, Công ty mía đường Tây Ninh không còn tồn tại, nên UBND tỉnh Tây Ninh làm đại diện cho phía bị hại, yêu cầu các bị can bồi thường thiệt hại cho Nhà nước gần 70 tỷ đồng, kể cả tiền lãi ngân hàng của số tiền bị thất thoát kể trên.

Nhưng Tòa án xét thấy phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh còn hiệu lực, nên chỉ yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại phần giao dịch 2 hợp đồng giữa Công ty mía đường Tây Ninh với Công ty Guo Qi Do Li trị giá khoảng trên 25 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục