Nguyên nhân tiền mặt "sống sót" trong đại dịch COVID-19 tại Canada

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể một phần bởi các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế dịch lây lan đã làm chậm tốc độ luân chuyển tiền mặt trong nền kinh tế.
Tiền giấy mệnh giá 20 đôla Canada. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Tiền giấy mệnh giá 20 đôla Canada. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đã buộc người Canada phải chấp nhận mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thúc đẩy người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với thẻ tín dụng.

Mặc dù vậy, nhu cầu về tiền mặt cũng phát triển mạnh. Ở thời điểm cuối năm 2020, khoảng 100 tỷ CAD tiền giấy được lưu hành, tăng 13,8 tỷ CAD so với cùng kỳ năm 2019.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong giai đoạn đầu đại dịch, lượng tiền mặt rút ra tăng đột biến, do nhu cầu đối với các tờ mệnh giá 50 CAD và 100 CAD.

Trong khi đó, lượng tiền gửi vào tài khoản trong năm 2020 đã ở mức "thấp liên tục."

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể một phần bởi các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế dịch lây lan đã làm chậm tốc độ luân chuyển tiền mặt trong nền kinh tế.

Nhu cầu đối với tiền mặt tăng mạnh cũng cho thấy một phản ứng cụ thể khi cuộc khủng hoảng y tế leo thang: Mọi người tích trữ tiền mặt.

Hiện tượng này không chỉ xuất hiện tại Canada. Anh, Mỹ và nhiều nước khác đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt lượng tiền giấy trong lưu thông.

Trong bối cảnh đại dịch, đó là một phần của xu hướng lâu dài được mệnh danh là "nghịch lý của tiền giấy:" Ngay cả khi mọi người ít sử dụng tiền mặt hơn, nhu cầu tiền mặt vẫn tăng mạnh mẽ.

[Cảnh báo làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ tư tại Canada]

Tháng 11/2020, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã công bố một báo cáo giải mã nghịch lý này. Báo cáo ghi nhận sức hấp dẫn ngày càng tăng của việc nắm giữ tiền mặt khi lãi suất ở mức thấp trong lịch sử.

Lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Trung ương Canada đang ở mức thấp kỷ lục 0,25%, trong khi ở một số quốc gia, lãi suất thậm chí còn nằm trong vùng âm.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiền mặt có thể tăng khi đồng tiền suy yếu, như đã thấy khi đồng bảng Anh giảm mạnh vào năm 2016, sau cuộc bỏ phiếu Brexit.

Cuối cùng, theo BoE, "nhu cầu tiền mặt cũng gia tăng đáng kể khi có những lo ngại về ngân hàng hoặc nền kinh tế."

Cùng với nhu cầu tiền mặt tăng đột biến gần đây, các nền kinh tế lớn đã báo cáo về tình trạng sụt giảm mạnh trong việc sử dụng tiền mặt.

Ngân hàng trung ương Canada cho biết khoảng 1/5 số giao dịch mua sắm trong tháng 11/2020 được thực hiện bằng tiền mặt.

Con số này đã giảm từ 44% vào năm 2013 và 33% vào năm 2017. Thẻ tín dụng chiếm gần một nửa số giao dịch, trong đó khoảng 80% thanh toán không cần tiếp xúc.

Trong đại dịch, nhiều cửa hàng đã đóng cửa đối với hoạt động mua sắm trực tiếp, chuyển sang giao dịch trực tuyến.

Tháng Năm vừa qua, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Canada đạt 4,2 tỷ CAD, gấp đôi giá trị so với trước đại dịch.

Những tuần đầu của đại dịch COVID-19 đã chứng kiến nhiều nhà bán lẻ từ chối tiền mặt vì lo ngại về nguy cơ lây truyền virus. Điều đó đã dẫn đến một tuyên bố của Ngân hàng trung ương Canada vào tháng 5/2020, kêu gọi các nhà bán lẻ chấp nhận tiền mặt.

Tuy nhiên, tiền mặt dường như có sức hấp dẫn lâu dài. Báo cáo của Ngân hàng trung ương Canada cho thấy, tính đến tháng 11/2020, 80% người Canada cho biết không có kế hoạch nói "Không" với tiền mặt, tương tự như kết quả khảo sát từ tháng 7/2020 và trước đại dịch.

Báo cáo cho biết việc sử dụng tiền mặt có xu hướng phổ biến hơn trong một số nhóm nhân khẩu học.

Những người lớn tuổi, ít học và có thu nhập thấp sử dụng tiền mặt để thanh toán nhiều hơn những người Canada khác.

Ngoài ra, cũng có thể có những lý do khác thúc đẩy nhu cầu về tiền mặt, chẳng hạn như tiền mặt có thể được sử dụng trong "kinh tế bóng tối"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục