Nguyên nhân nào khiến tỷ giá USD tăng mạnh ngay từ đầu năm?

Các chuyên gia phân tích cho rằng biến động đi lên của tỷ giá chỉ mang tính ngắn hạn, tiền đồng vẫn có khả năng tăng giá trở lại trong trung và dài hạn.
Tỷ giá tăng mạnh ngay từ những ngày đầu năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỷ giá USD bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian dài hạ nhiệt. Sau 2 tháng đầu năm, tỷ giá USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã tăng trên 1,7% cho thấy diễn biến tỷ giá khá khác biệt so với các năm trước.

Diễn biến bất thường của tỷ giá

Tính đến chiều ngày 29/2, tỷ giá được các ngân hàng thương mại điểu chỉnh tăng từ 10 đến 50 đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với phiên trước.

Cụ thể, Ngân hàng BIDV điều chỉnh tăng cao nhất tới 50 đồng, hiện ngân hàng này đang áp dụng từ 24.505-24.845 đồng/USD.

Tiếp đến là Ngân hàng Vietcombank giao dịch từ 24.450-24.820 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng 30 đồng. Ngân hàng VietinBank cũng điều chỉnh tăng 12 đồng, hiện ngân hàng này đang thông báo giá mua vào là 24.397 đồng/USD và bán ra là 24.817 đồng/USD.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư cũng có mức tăng tương tự. Hiện Ngân hàng MSB đang giao dịch quanh mức từ 24.425 đồng/USD và bán ra là 24.848 đồng/USD. Trong khi đó Ngân hàng Eximbank cũng tăng 10 đồng, giao dịch quanh mức 24.400-24.800 đồng/USD.

Như vậy, so với phiên đầu năm (1/1/2024) thì tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ 400-420 đồng/USD (tương ứng tăng khoảng trên 1,7%).

Đặc biệt, mức tăng tập trung vào những ngày từ giữa tháng Hai đến nay, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngược lại, tỷ giá trung tâm USD/tiền đồng khá ổn định khi chỉ tăng tương ứng 13 đồng và 118 đồng trong cùng khoảng thời gian, theo đó tốc độ tăng so với đầu năm chưa đến 0,5%.

Trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế sau khi tăng trong tháng Một và gần như đi ngang trong tháng Hai, thậm chí chỉ số USD Index còn giảm từ giữa tháng Hai đến nay, diễn biến giá USD trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh mang đến nhiều bất ngờ. Có ý kiến cho rằng chênh lệch lãi suất USD và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng quá cao đã làm tăng nhu cầu đầu cơ USD gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, thực tế là mức chênh lệch mở rộng này đã duy trì trong suốt nhiều tháng qua.

Theo giới phân tích, giá USD trong nước tăng mạnh trong nửa tháng qua là do cung cầu chi phối. Đơn cử như nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu gia tăng, liên quan đến kế hoạch bảo trì sắp tới của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Ngoài ra, xu hướng giá vàng trong nước leo cao trở lại trong những ngày vừa qua cũng gây áp lực một phần lên tỷ giá, khi không loại trừ khả năng có hiện tượng gom USD trên thị trường tự do để nhập vàng qua đường biên mậu.

Theo lý giải của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn được duy trì ở mức âm, kích thích các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade). Chênh lệch lãi suất USD và VND lớn sẽ khiến việc mua và nắm giữ USD trở nên hấp dẫn hơn, khuyến khích các giao dịch carry trade (nhà đầu tư sử dụng đồng tiền lãi suất thấp để mua đồng tiền lãi suất cao, hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất).

Hầu hết các chuyên gia và công ty phân tích thị trường đều nhận định diễn biến tỷ giá trong giai đoạn vừa qua khá khác biệt so với các năm trước, khi quý 1 thường là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào.

Nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, việc này cũng làm tăng nhu cầu mua ngoại tệ, từ đó đẩy tỷ giá tăng. (Ảnh: Vietnam+)

Bà Bùi Thị Quỳnh Nga, chuyên viên cao cấp tại Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng tỷ giá thường khá ổn định trong giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên, bối cảnh của năm 2024 có nhiều khác biệt, đặc biệt là khi lãi suất chênh lệch giữa USD và VND đang ở mức âm trong suốt giai đoạn qua.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc tỷ giá tăng cao thời gian sau Tết Nguyên đán không phải là điều lạ và được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân, trong đó xuất nhập khẩu là nguyên nhân đầu tiên tác động đến tỷ giá. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, việc này cũng làm tăng nhu cầu mua ngoại tệ, từ đó đẩy tỷ giá tăng. Tiếp theo, yếu tố đầu cơ cũng góp phần vào việc tăng tỷ giá. Khi những nhà đầu cơ nhận thấy thấy tỷ giá có xu hướng tăng sẽ tìm cách mua ngoại tệ, nhất là trên thị trường tự do.

Chưa phải mối nguy lớn

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tỷ giá sẽ tiếp tục biến động, nếu tăng sẽ khoảng 3%. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2024, tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm. "Bởi nếu Fed giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó kéo tỷ giá xuống. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và ở mức trung bình với tỷ giá tăng mạnh hiện nay," ông Hiếu nói.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam cũng dự báo tỷ giá cải thiện hơn vào nửa cuối 2024, đặc biệt khi đồng USD đạt đỉnh, kinh tế - tín dụng trong nước dần hồi phục.

"Tỷ giá USD/VND sẽ kết thúc năm ở vùng giá 24.400 đồng/USD," ông Khoa đưa ra dự báo.

Các chuyên viên phân tích từ KBSV cũng cho rằng áp lực tỷ giá được dự báo vẫn hiện hữu nhưng chưa phải mối nguy lớn. Theo đó, những dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố gần đây cho thấy xu hướng thiểu phát đang chững lại.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng biến động đi lên của tỷ giá chỉ mang tính ngắn hạn. (Ảnh: Vietnam+)

Còn xét các yếu tố trong nước, KBSV cho biết tỷ giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ FDI và kiều hối. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước được cho rằng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, chấp nhận để tỷ giá tăng ở mức độ vừa phải và chưa có can thiệp nếu không có biến động bất thường khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và nền kinh tế cần tiếp tục được hỗ trợ phục hồi. KBSV dự báo tỷ giá tăng 1,5% trong năm nay, đạt mức 24.600 đồng/USD.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng biến động đi lên của tỷ giá chỉ mang tính ngắn hạn. Tiền đồng vẫn có khả năng tăng giá trở lại trong trung và dài hạn nhờ vào hai lý do chính là USD được dự báo yếu đi vào cuối năm khi Fed hạ lãi suất và yếu tố trong nước như cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư, đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, nguồn kiều hối gia tăng…

Theo nhóm phân tích, VND vẫn là đồng tiền mạnh nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, với mức giảm khoảng 1,5%. Trong 10 quốc gia châu Á, đồng Baht của Thái Lan mất giá mạnh nhất so với đầu năm khi giảm tới 5%, kế đến là đồng Ringgit của Malaysia (giảm 3,8%) và Won của Hàn Quốc (giảm 3,1%).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục