Nguyên nhân nào khiến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm hiệu quả?

Theo khảo sát, các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi thấp hơn được doanh nghiệp đánh giá là có hiệu quả hơn so với các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi cao.
Công nhân tại một doanh nghiệp ở Yên Bái. (Nguồn: Vietnam+)

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, việc doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tỷ lệ nghịch với mức độ hiệu quả của các chính sách.

Các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi thấp hơn (nhóm chính sách hỗ trợ về tài chính-tín dụng và nhóm chính sách hỗ trợ về thúc đẩy xuất khẩu-bảo vệ chuỗi cung ứng) lại được doanh nghiệp đánh giá là có hiệu quả tốt hơn, có ý nghĩa hỗ trợ tích cực hơn so với các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi cao.

Thông tin này được đưa ra trong báo cáo "Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19."

Báo cáo do Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).

Báo cáo được thực hiện nhằm rà soát, nghiên cứu những vướng mắc, bất cập trên thực tế và tìm kiếm những bài học kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong các trường hợp khẩn cấp và suy thoái nghiêm trọng như dịch bệnh COVID-19.

Báo cáo tập trung vào bốn nhóm chính sách và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 do Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2020 đến 6/2022 là: nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế, phí và lệ phí; nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính và tín dụng; nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến việc làm, lao động-bảo hiểm xã hội và nhóm chính sách liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ chuỗi cung ứng.

Những thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp

Kết quả khảo sát 355 doanh nghiệp cho thấy có những tín hiệu hồi phục của doanh nghiệp trong năm 2022 như mức tăng trưởng doanh thu tốt (10,4%) và quy mô lao động dần tăng trở lại.

Tuy nhiên, các chỉ số vẫn cho thấy những thách thức tiềm ẩn đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Mức tăng trưởng doanh thu tốt năm 2022 là nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp do sự sụt giảm mạnh trong thời gian diễn ra dịch COVID-19 (mức tăng trưởng thực tế là 0,8% so với năm 2019).

Quy mô lao động ở các doanh nghiệp vẫn thấp hơn 32% so với năm 2019 thời điểm trước dịch. Tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm hoặc chuyển dịch lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra, chưa trở lại ở trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 bắt đầu.

Khảo sát cũng cho thấy những thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp đến từ: lạm phát/giá cả hàng hóa/nguyên vật liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến 70,1% doanh nghiệp; rủi ro về khủng hoảng và sự gia tăng chi phí trực tiếp từ nhà cung cấp sẽ ảnh hưởng đến 62,3% doanh nghiệp; khó khăn về tài chính (bao gồm tồn đọng các khoản phải thu, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao, lãi vay tăng cao và suy giảm khả năng thanh toán các khoản vay/nợ đến hạn) sẽ vẫn là những cản trở trong hoạt động của 52,3% doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu do tay nghề thấp/thiếu kỹ năng sẽ ảnh hưởng đến 33,2% doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những khó khăn mới (như giá vận chuyển, nhu cầu mua sắm thay đổi…) sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp ở nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Nguyên nhân nào khiến các chính sách hỗ trợ giảm hiệu quả?

Trong số các chính sách được khảo sát với 355 doanh nghiệp trên cả nước, các chính sách hỗ trợ thuộc nhóm thuế, phí, lệ phí và nhóm việc làm-lao động, bảo hiểm xã hội có tỷ lệ doanh nghiệp đã tiếp cận và hưởng lợi cao. Tỷ lệ tiếp cận của hai nhóm chính sách này đều đạt hơn 50% tổng số doanh nghiệp được khảo sát.

Do phạm vi đối tượng hưởng lợi nhỏ, các nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính-tín dụng và thúc đẩy xuất khẩu-bảo vệ chuỗi cung ứng có tỷ lệ tiếp cận thấp, đều dưới 20% tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách (tiếp cận thành công) tính trên tổng số doanh nghiệp đã tiếp cận chính sách thì nhóm việc làm-lao động, bảo hiểm xã hội dẫn đầu với tỷ lệ 76,3%.

Đứng thứ hai là nhóm chính sách thúc đẩy xuất khẩu-bảo vệ chuỗi cung ứng đứng thứ hai với tỷ lệ 75,5%. Tiếp đến là nhóm chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí, với tỷ lệ 72%. Nhóm chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính-tín dụng có tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng lợi thấp nhất là 44%.

[Cần có trợ lực về tài chính để doanh nghiệp duy trì và phục hồi]

Khảo sát doanh nghiệp cho thấy các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi thấp hơn (nhóm chính sách hỗ trợ về tài chính-tín dụng và nhóm chính sách hỗ trợ về thúc đẩy xuất khẩu-bảo vệ chuỗi cung ứng) lại được doanh nghiệp đánh giá là có hiệu quả tốt hơn, có ý nghĩa hỗ trợ tích cực hơn đối với doanh nghiệp so với các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi cao.

Vấn đề này gợi mở cho việc xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ sau này cần phải bảo đảm tính công bằng, đúng nhu cầu, nhưng không cào bằng trong việc hỗ trợ. Ở góc phân tích ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các chính sách hỗ trợ “không hiệu quả” hoặc “hiệu quả không đáng kể” hầu hết ở ngưỡng cao trên 50%.

Vậy nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả của các chính sách hỗ trợ ở từng nhóm chính sách là gì?

Theo các doanh nghiệp, nhóm chính sách, gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí có nhiều quy định không rõ ràng về đối tượng hưởng chính sách và cả trong các hướng dẫn về việc thực hiện, gây rủi ro cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp.

Nhóm chính sách, gói hỗ trợ về tín dụng, tài chính có các điều kiện về đối tượng được hưởng chính sách quá chặt chẽ trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, nhiều quy định không thống nhất và chậm triển khai trong quá trình thực thi. Công tác truyền thông về chính sách chưa thực sự hiệu quả.

Nhóm chính sách, gói hỗ trợ về lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội có nhiều quy định chưa hợp lý đối với đối tượng người sử dụng lao động về điều kiện hưởng và các yêu cầu về hồ sơ thủ tục.

Nhóm chính sách, gói hỗ trợ về thúc đẩy xuất khẩu, bảo vệ chuỗi cung ứng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm nguồn nhập khẩu có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận rất thấp, đồng thời không có nhiều thông tin được ghi nhận từ phía các hiệp hội doanh nghiệp được khảo sát về các chương trình hỗ trợ này từ các cơ quan xúc tiến thương mại.

Khuyến nghị các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi

Báo cáo đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành về những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp theo bốn nhóm lĩnh vực cần thiết cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi và khởi đầu mới cũng như đối phó với các tình huống bất thường như dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Cụ thể, đối với lĩnh vực thuế, phí và lệ phí, khi thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí trong những trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh COVID-19, Chính phủ và Bộ Tài chính cân nhắc về việc có nên áp dụng cách tiếp cận có mục tiêu (cho các đối tượng cụ thể) hay áp dụng cho tất cả người nộp thuế.

Đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo đưa ra khuyến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cân nhắc áp dụng chính sách miễn thuế và giảm thuế, giãn thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng gây suy thoái nghiêm trọng tương tự như dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Khi tình trạng khẩn cấp hoặc khủng hoảng đã giảm bớt căng thẳng và nền kinh tế đã ổn định, thuế suất có thể dần được khôi phục về mức bình thường.

Đối với lĩnh vực tài chính-tín dụng, những bài học quan trọng trong quá trình thiết kế và thực thi chính sách là tính minh bạch và dễ tiếp cận đối với các tiêu chí và điều kiện hưởng chính sách. Khi bắt đầu xảy ra tình huống khẩn cấp, bất thường thì mục tiêu là đưa ra hỗ trợ nhanh chóng, đảm bảo độ phủ lớn nên các tiêu chí đủ điều kiện hưởng chính sách cần được nới lỏng.

Công nhân tại một doanh nghiệp sản xuất. (Nguồn: Vietnam+)

Với tình huống suy thoái nghiêm trọng tương tự như giai đoạn bùng phát dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc tái áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với các điều kiện liên quan đến nợ xấu của doanh nghiệp nên được nới lỏng hơn để tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, là đối tượng cần được hỗ trợ nhất.

Ngược lại, trong giai đoạn phục hồi, các tiêu chí đủ điều kiện cần được thắt chặt hơn và hướng đến các kế hoạch phục hồi nhằm hỗ trợ cho các kế hoạch kinh doanh khả thi nhưng thiếu tính thanh khoản. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu việc tiếp tục chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và hỗ trợ lãi suất nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất thường.

Đối với lĩnh vực lao động, việc làm-bảo hiểm xã hội, tương tự như các nhóm chính sách hỗ trợ khác, trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp (như các đợt bùng phát của dịch bệnh COVID-19), Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội và các cơ quan liên quan cân nhắc áp dụng các chính sách trợ cấp tiền lương cho người lao động, miễn và/hoặc giảm các khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động cho tất cả các đối tượng cho đến khi tình trạng khẩn cấp, bất thường qua đi.

Trong giai đoạn phục hồi, một số chính sách cần được tiếp tục thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc giảm chi phí hoạt động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đối với lĩnh vực thúc đẩy xuất khẩu, bảo vệ chuỗi cung ứng, trong giai đoạn phục hồi, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thương mại để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, đặc biệt, thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 về “chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang hình thức chính ngạch, bền vững"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục