Luật Doanh nghiệp (1/1/2000) ra đời đã tạo bước đột phá cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam và đồng hành với nó là những triết lý, những hệ tư duy mới. Tuy nhiên, những tham vọng của người làm luật đã không thể hiện thực hóa hết vào trong đời sống xã hội.
Câu chuyện một bộ luật tiên tiến ra đời nhưng "lọt thỏm như ốc đảo” là bài học mà các nhà cải cách đang trăn trở và rút kinh nghiệm trong công cuộc tái cấu trúc ngày hôm nay.
Luật tốt, song lại khó triển khai
Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Luật thì tốt, song điều quan trọng khi triển khai thực hiện thì lại khó.
“Nhìn lại Luật Doanh nghiệp ra đời, mới giải quyết được một điểm là gia nhập thị trường. Sau đó, năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế có tiếp cận được cơ hội kinh doanh hay cơ hội kinh doanh có công bằng hay không, thì những điều này gần như bỏ ngỏ,” ông Cung thẳn thắn nói.
Trong luật, các quy định về quản trị công ty tiếp cận gần sát với thông lệ quốc tế, song trên thực tế thì thời gian qua các khối doanh nghiệp trong nước gần như vẫn lúng túng và không lớn mạnh được như tầm vóc mà những người xây dựng luật kỳ vọng. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng công tác quản trị tại một bộ phận doanh nghiệp còn bành trướng ra những vấn đề nằm ngoài sự mong đợi.
Minh chứng thực tiến, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Mại chỉ ra rằng khủng hoảng kinh tế năm 1997 khiến đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu sụt giảm. Nền kinh tế thúc ép cần có sự đổi mới và những tư tưởng đổi mới cũng xuất hiện. Nền kinh tế tư nhân được kích hoạt, người Việt Nam từng bước xây dựng những thương hiệu Việt như Hoàng Anh Gia Lai, Vincom, Cà Phê Trung Nguyên…
“Không khí thật sự dân chủ, người dân mạnh dạn mang tiền của mình ra đầu tư kinh doanh, đỉnh điểm là sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2007. Tuy nhiên, quản lý hành chính đang quay lại, các giấy phép con sau bao năm đấu tranh mới được bãi bỏ, thì giờ đây lại sống dậy và có phần tăng lên,” ông Mại nói.
Theo các chuyên gia tham gia vào quá trình xây dựng luật, nguyên nhân Luật Doanh nghiệp không "lớn" được một phần hạn chế bởi khả năng thẩm quyền của các nhà khoa học (về nguồn lực, vị thế yếu), nên cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước thì Luật Doanh nghiệp chưa thể làm được nhiều.
Hơn thế nữa, Luật sư Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh, “mặc dù được xây dựng trên mối quan hệ thống nhất, biện chứng song Luật Doanh nghiệp được đứng tách biệt như một ốc đảo giữa hệ thống pháp luật thời đó, bởi chưa có các cuộc cải cách tư tưởng, cải cách giáo dục… song hành. Kết quả, hệ thống doanh nghiệp tư nhân vẫn mang tính đơn lẻ, manh mún.”
Chính sách vì dân
Quay trở lại câu chuyện cải cách thể chế đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung tâm huyết, “ nằm trong nhóm nguyên cứu cải cách thể chế, tôi nhận thấy nhiều năm nay chúng ta chưa “đột’ được nên cũng ‘chưa’ phá được. Theo tôi, cần phải có điểm lựa chọn, mà đó là điểm phân bố nguồn lực (lấy cơ chế thị trường làm yếu tố quyết định) là yếu tố cốt lõi của tái cơ cấu. Bởi quan sát của tôi, chúng ta vẫn ở trong tình trạng phân bố nguồn lực xin cho.”
Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế đang đòi hỏi bức bách một sự thay đổi.
Ông Huỳnh thúc giục, “nếu chậm trễ hội nhập chỉ đưa lại lợi ích cho nhóm các nhà đầu tư nước ngoài. Khối FDI không thể lan tỏa được toàn hệ thống, hy sinh là sự đánh đổi của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.”
Theo ông Huỳnh, khối doanh nghiệp nhà nước được cải thiện thì nền kinh tế sẽ không có không gian phát triển. Bài học kinh nghiệm, nếu chính sách không làm đồng bộ, tổng thể thì kết quả vẫn là không giải quyết được vấn đề gì.”
Trở lại câu chuyện cải cách thể chế nhìn từ góc độ xây dựng pháp luật, các chuyên gia cho rằng, một chính sách đưa ra và được xã hội đón nhận phải dựa trên cơ sở lợi ích người dân. Hiện, rất nhiều các văn bản pháp luật tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, thậm chí còn lồng ghép bộ máy tổ chức và tạo ra lợi ích mới cho con người ở trong đó.
Bên cạnh đó, song hành cải cánh hành chính là đổi mới thể chế. Chuyên gia kinh tế, Phạm Chi Lan chỉ ra, kinh nghiệm làm Luật Doanh nghiệp dựa trên tinh thần trả lại tự do chính đáng của người dân, của doanh nghiệp, khuyến khích kinh doanh phù hợp với khả năng của các đối tượng. Theo đó, các mối liên kết giữa phân công lao động, mối liên kết giữa các doanh nghiệp đã hình thành.
“Lý do để Luật Doanh nghiệp được người dân đón nhận là giảm vai trò can thiệp của nhà nước trong các hoạt động của thị trường đồng thời thu gọn bộ máy nhà nước. Thêm vào đó, tăng cường được vai trò của xã hội, tiếng nói của người tiêu dùng cũng mạnh hơn thậm chí là quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp.”
Kiến nghị về công tác đổi mới thể chế, ông Mại cho rằng cần đẩy mạnh khối doanh nghiệp tư nhân làm giải pháp thúc đẩy. Trong đó, các tập đoàn lớn sẽ hợp tác phát triển vươn ra thế giới và hướng đi vào ngành nghề đất nước cần. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích sự liên kết giữa các khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước, kích thích thanh niên, trí thức trẻ tham gia hoạt động khởi nghiệp.
“Còn như hiện nay, bộ máy công chức cồng kềnh, thủ tục hành chính cải cách (song lại chuyển từ dạng này sang dạng khác). Con người quyết định thể chế, nếu không đổi mới tư duy và bình đẳng, thì không thể có tác động gì về đổi mới hết,” ông Mại nói./.