Nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 tại châu Phi thấp

Một số chuyên gia cho rằng một trong những lý do là dân số trẻ tại châu Phi, khi độ tuổi trung bình tại đây chỉ là 19; người dân chủ yếu sinh hoạt ngoài trời cũng phần nào hạn chế sự lây lan của dịch.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tunis, Tunisia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi đại dịch COVID-19 mới hoành hành, giới chuyên gia đã nhận định rằng nhiều khả năng châu Phi sẽ chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, song thực tế dường như không giống như vậy, bởi nhiều nước có thu nhập cao hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn lại chịu ảnh hưởng lớn hơn các nước ở Tây và Trung Phi.

Đơn cử như tại Sierra Leone, cuộc sống tại quốc gia Tây Phi này có vẻ không xáo trộn nhiều do dịch COVID-19 và người dân cũng không lo ngại virus nhỏ bé nhưng có khả năng lây lan mạnh, đang ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới.

Tính đến nay, quốc gia với 8 triệu dân nằm bên bờ biển Tây Phi này, mới ghi nhận 7.674 ca mắc COVID-19, trong đó có 125 ca tử vong.

Tại thị trấn Kamakwie, số ca mắc COVID-19 trong hơn 2 năm qua chỉ là 11 ca, trong khi không có trường hợp nào tử vong. Hầu hết các phòng bệnh ở bệnh viện địa phương chật cứng người mắc sốt rét, trong khi cánh cửa dẫn tới khu cách ly bệnh nhân COVID-19 đóng chặt, cỏ dại mọc um tùm.

Trái với nhiều nơi trên thế giới, người dân ở Sierra Leone vẫn tổ chức đám cưới, các trận đấu bóng đá hay tham gia các buổi hòa nhạc đông người, mà không cần đeo khẩu trang.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong những tháng đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19, đã từng có lo ngại rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan mạnh tại châu Phi, "đánh sập" các nước có hệ thống y tế yếu kém như Sierra Leone - nơi chỉ có 3 bác sỹ/100.000 người dân.

Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch bệnh tác động không đáng kể đến quốc gia Tây Phi này. Trong khi biến thể Beta, Delta, Omicron ảnh hưởng nặng nề đến Nam Phi, thì tình hình dịch bệnh ở phần còn lại của châu lục lại diễn biến trái chiều, đặc biệt là số ca tử vong.

Bước sang năm thứ 3 của đại dịch, một nghiên cứu mới đây cho thấy rõ ràng virus SARS-CoV-2 có lây lan rộng tại châu Phi. Cụ thể, xét nghiệm máu cho thấy gần 70% dân số tại các nước ở khu vực miền Nam châu Phi có kháng thể với virus SARS-CoV-2. Do chỉ có khoảng 14% dân số đã tiêm chủng, nên rõ ràng các kháng thể được sinh ra do lây nhiễm là khá lớn.

Một phân tích mới do WHO đứng đầu, chưa được thẩm định, đã tổng hợp các cuộc khảo sát từ khắp châu Phi, phát hiện rằng 65% dân số của "Lục địa đen" đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quý 3/2021, cao hơn tỷ lệ ở nhiều nơi trên thế giới. Khi dữ liệu này được thu thập, chỉ có 4% số người dân châu Phi đã tiêm vaccine phòng bệnh.

Chính điều này đã kéo theo các cuộc tranh luận trong giới chuyên gia về nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 tại châu Phi thấp.

[Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi châu Phi không lơ là phòng dịch]

Một số chuyên gia cho rằng một trong những lý do đưa đến điều này là do dân số trẻ tại châu Phi, khi độ tuổi trung bình tại đây chỉ là 19, thấp hơn nhiều so với ở châu Âu (43) hay tại Mỹ (38). Gần 70% dân số ở khu vực miền Nam Sahara dưới 25 tuổi và chi 3% trên 65 tuổi.

Điều này có nghĩa người trẻ ít khi mắc các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, các bệnh hô hấp mạn tính và ung thư như những người cao tuổi. Trong khi đó, hầu hết những người trẻ tuổi khi nhiễm virus SARS-CoV-2 thường không có triệu chứng, kéo theo số ca mắc tại châu lục tương đối thấp.

Bên cạnh đó, còn có một số giả thuyết như nhiệt độ tại châu Phi cao, hay do người dân chủ yếu sinh hoạt ngoài trời cũng phần nào hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Cũng có khả năng việc lây nhiễm các mầm bệnh, trong đó có virus corona hay sốt Lassa và Ebola, đã giúp người dân châu lục này có được sự bảo vệ hiệu quả trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Luanda, Angola. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, trên thực tế kể từ khi dịch bệnh "tàn phá" khu vực Nam Á và Đông Nam Á vào năm 2021, những giả thuyết này xem ra khó chấp nhận hơn bởi dân số Ấn Độ cũng tương đối trẻ, với độ tuổi trung bình chỉ là 28 và nhiệt độ ở nước này cũng tương đối cao.

Vì vậy, giới chuyên gia đang tính tới khả năng nhiều trường hợp mắc COVID-19 không được ghi nhận do ít trường hợp xét nghiệm.

Một dự án nghiên cứu tại Đại học Njala ở Sierra Leone phát hiện khoảng 78% dân số có kháng thể đối với virus SARS-CoV-2, song nước này chỉ thông báo 125 trường hợp tử vong do mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Hầu hết những người tử vong tại gia đình, do không thể đến bệnh viện hay cơ sở y tế hoặc được người thân đưa về nhà để mất. Chưa kể, nhiều trường hợp tử vong chưa bao giờ được báo với chính quyền.

Mô hình này phổ biến ở các nước khu vực miền Nam Sahara. Một cuộc khảo sát gần đây của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi cho thấy rằng các hệ thống chỉ ghi nhận được hơn 30% số ca tử vong. Và chỉ có Nam Phi mới thống kê gần như đầy đủ số ca tử vong.

Tiến sỹ Lawrence Mwananyanda, một nhà dịch tễ học ở Đại học Boston (Mỹ) và là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Zambia, nhận định ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Zambia cũng nghiêm trọng như Nam Phi, song số ca tử vong ở Nam Phi thấp chủ yếu do hệ thống đăng ký yếu kém hơn nhiều.

Hiện Zambia - với hơn 18 triệu dân, mới thông báo 4.000 ca tử vong. Một nhóm nghiên cứu do ông dẫn đầu cho thấy trong làn sóng lây nhiễm dịch bệnh do biến thể Delta, hơn 87% thi thể trong các nhà xác bệnh viện mắc COVID-19. Có mô hình cho thấy số ca tử vong tại châu lục có thể cao hơn từ 1 triệu cho đến 2,9 triệu so với thực tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại không đồng ý quan điểm trên. Tiến sỹ Thierno Balde, người đứng đầu cơ quan ứng phó khẩn cấp COVID-19 của WHO tại châu Phi cho biết chưa chứng kiến những vụ chôn cất lớn ở châu Phi. Do đó, tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 thấp ở châu Phi vẫn đang là đề tài tranh luận của giới chuyên gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục