Nguyên nhân gây ra các đợt nắng nóng bất thường và cháy rừng

Phần Bắc bán cầu đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với cả tất cả các vùng khác của Trái Đất, các khu rừng ở đây đang bị cháy với tốc độ chưa từng thấy trong ít nhất 10.000 năm qua.
Ôtô bị thiêu rụi trong vụ cháy rừng do thời tiết nắng nóng tại Saint Gilles, miền nam nước Pháp, ngày 29/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ôtô bị thiêu rụi trong vụ cháy rừng do thời tiết nắng nóng tại Saint Gilles, miền nam nước Pháp, ngày 29/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một loạt hiện tượng nắng nóng bất thường và thời tiết khô hanh dẫn tới các vụ cháy rừng dữ dội trong thời gian gần đây là do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đưa ra cảnh báo trên ngày 12/7.

WMO đặc biệt nhấn mạnh tại những vùng đất giá rét như Siberia và Alaska cũng xảy ra các đợt nắng nóng bất thường.

Các vụ cháy rừng xảy ra thường xuyên với mức độ khốc liệt bất thường và kéo dài ở các vùng ở Bắc Cực.

Tại Siberia, nhiệt độ trung bình trong tháng Sáu vừa qua đã tăng mạnh so với nhiệt độ trung bình thông thường ở vùng đất này.

Trong khi đó tại Alaska, nhiệt độ cao kỷ lục - lên tới 32 độ C - đã được ghi nhận vào đầu tháng này.

[Mỹ sơ tán một cộng đồng dân cư ở bang lạnh giá Alaska do cháy rừng]

Nhiệt độ tăng vọt và các vụ cháy cũng đã ảnh hưởng tới nhiều nước khác ở Bán cầu Bắc như Canada, Đức, Hy Lạp và Tây Ban Nha.

WMO nhận định: "Biến đổi khí hậu với nhiệt độ tăng cao và những thay đổi về mùa mưa đang làm gia tăng nguy cơ cháy rừng."

Ngoài mối đe dọa trực tiếp từ hỏa hoạn, cháy rừng còn thải vào bầu khí quyển các chất ô nhiễm có hại cho sức khỏe con người như bụi mịn và các khí độc hại như cácbon mônôxít, ôxít nitơ, và các hợp chất hữu cơ phi mêtan.

Theo WMO, phần Bắc bán cầu đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn so với cả tất cả các vùng khác của Trái Đất.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy các khu rừng ở phần Bắc Trái Đất đang bị cháy với tốc độ chưa từng thấy trong ít nhất 10.000 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục