Chống lãng phí: Đã có 'liều thuốc' đủ mạnh (Bài 2)

Nguyên nhân của căn bệnh lãng phí và những hệ lụy

Việc nhân tài ít được trọng dụng; việc thực hiện luật ngân sách còn nhiều bất cập, dự án treo… không chỉ làm suy yếu nguồn vốn và chất lượng nguồn nhân lực mà còn cản trở sự phát triển.

Dự án khu đô thị số 3, phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã được quy hoạch hơn 10 năm nhưng vẫn chưa tiến hành công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh:Ngọc Minh/TTXVN)
Dự án khu đô thị số 3, phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã được quy hoạch hơn 10 năm nhưng vẫn chưa tiến hành công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh:Ngọc Minh/TTXVN)

Lãng phí tài nguyên, lãng phí ngân sách, lãng phí nhân tài… ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua là vô cùng lớn, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp cho xã hội. Lãng phí - căn bệnh trầm kha - vẫn còn rất nhức nhối. Để có giải pháp tích cực, hữu hiệu về chống lãng phí, cần làm rõ một số nguyên nhân chính.

Nguyên nhân chính

Nguyên nhân của lãng phí cũng như các nguyên nhân tồn tại khác, trước hết là do con người. Phẩm chất, năng lực, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức không theo kịp các yêu cầu thực hiện các nghị quyết của Đảng, thậm chí cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nguyên nhân gốc rễ để tạo ra một bộ phận cán bộ suy thoái, biến chất chính là trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước xảy ra vấn nạn "chạy." Chạy học, chạy bằng cấp, chạy việc, chạy chức, chạy quyền… đã trở thành thói quen, chuyện thường ngày trong cuộc sống cộng đồng. Câu chuyện tham nhũng nói chung và tham nhũng chính sách nói riêng cũng từ đó mà ra. Chạy chính sách để có lợi cho ngành mình, địa phương, đơn vị mình, nhóm lợi ích của mình…

ttxvn_hanh chinh cong.jpg
Cán bộ bộ phận một cửa hành chính công. (Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)

Một bộ phận cá nhân có chức năng xây dựng chính sách, pháp luật thiếu công tâm, thiếu khách quan, từ đó tạo ra những văn bản quy phạm pháp luật không hoàn toàn vì lợi ích chung, có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

Quy hoạch treo, dự án treo cũng có nguyên nhân từ vấn nạn "chạy." Về quy hoạch treo, có 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là quy hoạch lập ra nhưng không xác định được nguồn lực để thực hiện. Thứ hai là chưa có chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Thứ ba là do chủ quan trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch dẫn đến tính dự báo chưa chính xác nên quy hoạch thiếu tính khả thi.

Khâu khảo sát ban đầu không chặt chẽ, tài liệu khảo sát bị lạc hậu nên định hướng chưa sát khiến quy hoạch làm ra rồi bị "treo." Xét cho cùng, quy hoạch treo do cơ quan, người xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm. Sự yếu kém này cũng là hệ lụy của chạy việc, chạy chức, chạy quyền.

Việc cấp phép cho chủ đầu tư, chủ dự án vẫn nặng về cơ chế xin-cho. Người có quyền cho vì lợi ích cá nhân, cục bộ đã cấp phép cho những doanh nghiệp, đơn vị không đủ năng lực triển khai dự án hoặc khi cấp phép bị lợi ích chi phối, không nghiên cứu kỹ quy hoạch và những yếu tố thiếu tính khả thi của dự án, dẫn đến có dự án treo hàng chục năm trời.

ttxvn_du an treo.jpg
Nhà của người dân tại ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng quy hoạch treo phải bỏ hoang nhiều năm do không được cải tạo, sửa chữa. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Lãng phí về ngân sách cũng vậy. Đó là lãng phí do bộ máy nhà nước cồng kềnh và kém hiệu quả. Bộ máy phình ra, tiền lương quá lớn, có nơi chức năng nhiệm vụ chồng chéo, trùng lặp.

Mặt khác, khi lập dự toán xin ngân sách để chi thường xuyên hoặc phục vụ một nhiệm vụ cụ thể, có nơi cần nhiều xin được ít, có nơi cần ít xin được nhiều.

Câu chuyện lãng phí nhân tài cũng vậy. Có người phải "chạy" để trở thành cán bộ, công chức, viên chức. Ba yếu tố tiền, quyền và tình thân len lỏi trong quá trình xây dựng tổ chức, vận hành bộ máy nhà nước đã làm thui chột và lãng phí một bộ phận nhân tài của đất nước.

Số lượng rất lớn công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị không bảo đảm chất lượng, không tương xứng với vị trí và nhiệm vụ được giao đã làm mất cơ hội của hàng chục nghìn thạc sỹ, cử nhân giỏi. Nhiều người tài "không có cửa" để bước vào nơi phù hợp trong bộ máy nhà nước để cống hiến.

Hệ lụy lâu dài

Hệ lụy của sự lãng phí rất phức tạp. Việc nhân tài ít được trọng dụng; việc thực hiện luật ngân sách còn nhiều bất cập, bất hợp lý, thiếu công bằng, minh bạch; chuyện người dân khó khăn, chật vật do quy hoạch, dự án treo… không chỉ làm suy yếu nguồn vốn và chất lượng nguồn nhân lực trong nước mà còn cản trở sự phát triển.

Một bộ phận người nắm giữ các cương vị trong hệ thống chính trị không bảo đảm về phẩm chất, năng lực và đạo đức công vụ dẫn đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao có phần bị chi phối bởi động cơ cá nhân. Đây cũng là một nguyên nhân gây bức xúc trong cộng đồng, làm giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền.

ttxvn_du an chong ngap 2.jpg
Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư xác định ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành do vướng mắc về pháp lý, không có nguồn vốn để hoàn thành công trình. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Lãng phí ngân sách cũng có nguyên nhân từ lãng phí nhân lực nhân tài và ngược lại, lãng phí nhân lực, nhân tài gây ra lãng phí ngân sách. Ngoài ra, việc lãng phí nhân lực, nhân tài phát sinh ra nhiều lãng phí khác.

Dự án treo cũng gây ra lãng phí kép rất lớn. Nếu dự án không bị treo, giá trị sinh lợi của dự án là rất lớn, cùng với đó, an ninh, trật tự và an sinh xã hội được bảo đảm ổn định.

Trong hàng loạt dự án treo hiện nay, khó xử lý nhất là rất nhiều dự án phải chuyển sang chủ đầu tư thứ cấp. Có lô đất sau khi dự án được phê duyệt, được cấp quyền sử dụng đất, chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho chủ mới. Có những dự án sang tên chủ mới nhiều lần làm cho giá chuyển quyền sử dụng đất tăng cao, chủ mới không thể triển khai dự án theo phê duyệt ban đầu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dự án treo lâu năm.

ttxvn_du an treo 2.jpg
Dự án Đà Nẵng Center (số 80 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) bị 'treo' hàng chục năm, gây mất mỹ quan đô thị. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Giá nhà ở tăng cao cũng là hệ lụy từ quy hoạch, dự án treo. Nguồn cung nhà ở của các thành phố lớn, nhất là phân khúc căn hộ chung cư thiếu hụt lớn, đẩy giá lên cao ngoài tầm với của số đông người có nhu cầu thật. Dự án không được khởi công, nhiều người lao động không có việc làm, ngân hàng không có hàng ngàn hợp đồng cho vay để mua nhà… đều dẫn đến lãng phí rất lớn./.

Tin cùng chuyên mục