Nguyên nhân Australia có thành tích kém về chống biến đổi khí hậu

Theo báo cáo, Australia bị xếp hạng “thấp” nhất với điểm số kém ở hầu hết các hạng mục gồm cả việc thiếu chính sách năng lượng tái tạo hay kế hoạch loại bỏ dần việc dùng than trong sản xuất điện.
Nguyên nhân Australia có thành tích kém về chống biến đổi khí hậu ảnh 1Thủ tướng Scott Morrison bị chỉ trích vì cách tiếp cận của chính phủ đối với biến đổi khí hậu. (Nguồn: Getty Images)

Trang news.com.au dẫn thông tin của Báo cáo Minh bạch về Khí hậu Thế giới năm 2021 cho biết Australia là một trong những nước có thành tích kém nhất trong số thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) liên quan tới chính sách chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo công bố ngày 14/10 nêu rõ Australia bị xếp hạng “thấp” nhất với điểm số kém ở hầu hết các hạng mục bao gồm cả việc thiếu chính sách năng lượng tái tạo hoặc kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng than trong hoạt động sản xuất điện.

Australia cũng không có chính sách ngừng sử dụng xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, cải tạo lại các tòa nhà cũ, tìm kiếm biện pháp để có thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong các ngành công nghiệp và chưa thiết lập mục tiêu không để mất rừng. Hạng mục duy nhất mà Australia được đánh giá ở mức “trung bình” là chỉ tiêu các tòa nhà mới sử dụng năng lượng gần bằng 0.

Theo Tổ chức Minh bạch về Khí hậu, Nga thậm chí được xếp hạng cao hơn Australia trong bảng xếp hạng, nhờ đạt điểm trung bình trong ba tiêu chí.

Ông Bill Hare, Giám đốc điều hành Cơ quan Phân tích Khí hậu-đối tác Australia của báo cáo, cho biết: “Kết quả này không có gì là quá ngạc nhiên đối với bất kỳ ai theo dõi hành động khí hậu tại Australia. Chúng tôi chưa thấy Chính phủ đưa ra được một chính sách cụ thể, giúp giảm lượng khí thải trong bất kỳ lĩnh vực nào. Thay vào đó, Australia tiếp tục ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Bằng chứng là gần đây Canberra đã phê duyệt bốn dự án mỏ than mới và đang trợ cấp cho các kế hoạch phát triển khí đốt mới.”

Lượng phát thải bình quân đầu người của Australia đang ở mức 21,7 tấn/người, gần gấp ba so với mức trung bình của G20. Đây cũng là quốc gia duy nhất trong G20 không áp dụng c.

Cùng ngày, ông Guy Debelle, Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương), đã khẳng định biến đổi khí hậu là “rủi ro bậc nhất đối với hệ thống tài chính” có thể khiến các tài sản doanh nghiệp bị phá hủy do hỏa hoạn tự nhiên hay lũ lụt và các tài sản bị mắc kẹt do những thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng hoặc chính sách.

[Australia kêu gọi các nước đang phát triển cùng hành động vì khí hậu]

Ông Debelle cảnh báo giá trị những ngôi nhà tại các khu vực chịu nhiều tác động của thời tiết cực đoan sẽ bị giảm. Bên cạnh đó, Australia còn phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn, khi các nhà đầu tư toàn cầu, quan tâm đến khí hậu, có khả năng “thoái vốn đáng kể” ra khỏi quốc gia này, trong tương lai.

Ông Debelle nói: “Các nhà đầu tư sẽ điều chỉnh danh mục đầu tư của họ để đối phó với rủi ro khí hậu. Các chính phủ ở những khu vực pháp lý khác đang thực hiện chính sách thuần 0. Hai yếu tố này cộng gộp lại làm tăng hiệu quả chi phí của các hoạt động sử dụng nhiều khí thải tại Australia. Vì vậy, bất kể chúng ta nghĩ rằng liệu những điều chỉnh như vậy có phù hợp hay công bằng không, chúng vẫn đang diễn ra và chúng ta cần tính đến điều đó.”

Mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C

Australia rõ ràng không có một kế hoạch quốc gia nào về việc sẽ định giá carbon. Trong khi 13 thành viên khác của G20, cùng với Brazil, Indonesia, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang xem xét áp dụng một kế hoạch cụ thể.

Báo cáo lưu ý rằng mục tiêu giảm phát thải năm 2030 của Australia không được cập nhật đủ để giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng dưới ngưỡng 1,5 độ C và cũng không được coi là phù hợp với tiêu chuẩn “chia sẻ công bằng” giữa các quốc gia.

Báo cáo dẫn dữ liệu từ Cơ quan Phân tích Khí hậu cho thấy, vào năm 2030, Australia sẽ tạo ra tương đương 173 tấn metric carbon dioxide (MtCO2e), vượt quá mức tương thích với sự nóng lên 1,5 độ C của bầu khí quyển Trái Đất. Cũng vào năm này, Australia chỉ đặt mục tiêu giảm phát thải 26-28% so với mức của năm 2005.

Tuy nhiên, nếu không tính lượng khí thải tiết kiệm được từ việc thay đổi đất nông nghiệp và trồng rừng, mục tiêu đóng góp do quốc gia quyết định (NDC) của Australia là 11-15%, thấp hơn so với mức của năm 2005. Điều đó có nghĩa là khí thải sẽ giảm xuống khoảng 442-464 MtCO2e vào năm 2030.

Để giữ cho nhiệt độ Trái Đất chỉ tăng lên 1,5 độ C, Australia cần giảm khí thải xuống mức 269 MtCO2e (hay 49% so với mức của năm 2005). So với mục tiêu đã đề ra, có một khoảng thiếu hụt 173 MtCO2e mà Australia chưa tính đến.

Nguyên nhân Australia có thành tích kém về chống biến đổi khí hậu ảnh 2nhiệt độ Trái Đất

Ban hội thẩm Mục tiêu Khí hậu của Australia là Nhóm hoạt động của các nhà hoạch định chính sách độc lập, bao gồm nhà cựu lãnh đạo đảng Tự do John Hewson và các nhà khoa học khí hậu cấp cao nhất tại nước này. Toàn bộ các thành viên của ban hội thẩm đều đồng ý rằng mục tiêu giảm phát thải của Australia là chưa phù hợp.

Ban hội thẩm tin rằng mục tiêu khí hậu vào năm 2030 của Australia nên thấp hơn 74% so với mức của năm 2005 để giữ cho nhiệt độ Trái Đất chỉ nóng lên 1,5 độ C và dưới 2 độ C.

Ông Hewson cho biết, mục tiêu phát thải bằng 0 ròng vào năm 2050 là không đủ vì Australia vẫn giữ nguyên mục tiêu của năm 2030. Ông nói: “Mỹ và Anh đã tăng gấp đôi, gấp ba lần mục tiêu đến năm 2030 để duy trì ngân sách carbon và Australia cũng cần phải làm như vậy. Năm 2030 mới là vấn đề quan trọng.”

Khí thải dự kiến sẽ tăng trở lại

Mặc dù, lượng khí thải toàn cầu và của Australia đều đã giảm trong một thời gian ngắn, do đại dịch COVID-19, nhưng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện đang tăng trở lại, trên khắp G20, với Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đều được dự báo sẽ vượt quá mức phát thải năm 2019.

Nhìn chung, NDC, được các quốc gia khác thông qua vào tháng 4/2021, sẽ dẫn đến khiến nhiệt độ của Trái Đất tăng lên khoảng 2,4 độ C vào cuối thế kỷ này.

Tổ chức Minh bạch Khí hậu quy tụ 16 nhà tư vấn hàng đầu thế giới, cùng các chuyên gia từ nhiều tổ chức phi chính phủ, phần lớn thuộc các quốc gia G20. Về mặt tổng quát, báo cáo của tổ chức này cho thấy khí thải sẽ tăng lên trên khắp các quốc gia thành viên G20, bất chấp sự cập nhật mục tiêu và cam kết không phát thải ròng.

Tiêu thụ than đá dự kiến tăng khoảng 5% trong năm 2021, với động lực chính là Trung Quốc (chiếm 61% lượng tăng trưởng), trong khi Mỹ là 18% và Ấn Độ là 17%.

Nhiên liệu hóa thạch vẫn được ưa thích

Hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Australia, giai đoạn 2020-2021, đã dành khoản tài chính trị giá 7,66 tỷ USD hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch, hầu hết là cho xăng.

Nước này cũng cam kết cung cấp các khoản vay chiết khấu ưu đãi cho các dự án khí đốt tự nhiên (LNG) đồng thời hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch, thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) và dự trữ nhiên liệu diesel. Ngoài ra, các dự án CCS đã được thiết kế để hỗ trợ tăng sản lượng dầu và khí đốt.

Nguyên nhân Australia có thành tích kém về chống biến đổi khí hậu ảnh 3 Một quán càphê mở cửa phục vụ khách tại thành phố Sydney, Australia ngày 11/10 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo lưu ý rằng hầu hết các thành viên G20 đã bỏ lỡ cơ hội sử dụng các gói phục hồi sau COVID-19, để hỗ trợ cho các mục tiêu giảm thiểu carbon.

Tại Australia, 58,6 triệu AUD (khoảng 43,5 triệu USD) đã được phân bổ trong ngân sách năm 2021-2022, để đầu tư cho cơ sở hạ tầng khí đốt và cung cấp khí đốt mới, không có bất kỳ hỗ trợ nào mới dành cho năng lượng tái tạo hoặc xe điện.

Chính phủ Australia đã công bố một gói tài chính trị giá 600 triệu AUD, nhằm xây dựng nhà máy nhiệt điện khí gas tại Thung lũng Hunter (bang New South Wales), thay thế phần công suất bị mất khi nhà máy nhiệt điện than Liddell đóng cửa.

Tính trên toàn bộ các nước G20, chỉ có 300 tỷ USD trong tổng số 1.800 tỷ USD được dùng cho chi tiêu phục hồi các dự án xanh và nhiên liệu hóa thạch tiếp tục được trợ cấp.

Bà Enrique Maurtua Konstantinidis, thuộc Tổ chức Fundación Ambiente y Recursos Naturales (FARN) tại Argentina, cho biết: “Thật đáng thất vọng vì một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi cam kết hợp lý hóa và loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch kém hiệu quả được đưa ra, nhưng đến nay các thành viên G20 vẫn đang bơm hàng tỷ USD vào nhiên liệu bẩn, vốn là tác nhân đang gây ra biến đổi khí hậu.”

Vào năm 2019, các thành viên G20 không bao gồm Saudi Arabia, đã cung cấp ít nhất 152 tỷ USD trợ cấp cho việc sản xuất và tiêu thụ than, dầu và khí đốt. Tại Australia, giai đoạn 2018-2019, các chính phủ cung cấp khoảng 50 triệu USD từ nguồn tài chính công dành cho nhiên liệu hóa thạch, trong đó 74% là cho than đã.

Không có chính sách tiết kiệm năng lượng cũng như vận tải

Báo cáo lưu ý rằng Australia thiếu hụt các chính sách bắt buộc, nhằm làm tăng đáng kể năng lượng trong ngành công nghiệp, một yếu tố quan trọng giúp giảm lượng khí thải, đặc biệt nếu Australia muốn tránh tăng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt.

Các chính sách có thể bao gồm những tiêu chuẩn và quy định hiệu quả cao, tạo thuận lợi cho việc quản lý năng lượng hoặc kiểm toán năng lượng.

Giao thông vận tải cũng là một trong những ngành đóng góp đáng kể nhất vào lượng khí thải phát sinh của Australia, chiếm tới 17,6% lượng khí thải trong năm ngoái. Nhưng quốc gia này không có chiến lược tổng thể để khử cacbon.

Quan chức phụ trách giao thông tại thủ đô Canberra Chris Steel đã cảnh báo rằng Australia đang trở thành “bãi rác” của những chiếc ôtô nguy hiểm và gây ô nhiễm nhiều hơn, do nước này không sẵn sàng chấp nhận các tiêu chuẩn khí thải “Euro 6” (hệ thống kiểm duyệt chất lượng đưa ra bởi liên minh châu Âu (EU) trong đó quy định các định mức khí thải của các phương tiện giao thông). Tiêu chuẩn này đã được hơn 80% thị trường ôtô toàn cầu chấp nhận, bao gồm cả châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico.

Một điều đáng lưu ý là Australia hiện là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Nước này xếp hạng thứ tư trong G20 về những quốc gia có nguy cơ thiệt hại kinh tế cao nhất và đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng về nguy cơ tử vong do thời tiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục