Nguy cơ xảy ra làn sóng thoái vốn đồng USD tại các nền kinh tế mới nổi

Các chuyên gia cho rằng nếu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nền kinh tế lớn bị thiếu hụt, vấn đề ở các nền kinh tế mới nổi có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Dịch COVID-19 đã khiến nguồn dự trữ ngoại tệ của nhiều quốc gia bị cạn kiệt. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng đại dịch COVID-19 sẽ tạo ra hiện tượng suy thoái vốn ở các nền kinh tế mới nổi, giữa bối cảnh hoạt động xuất khẩu và du lịch sụt giảm đã khiến nguồn dự trữ ngoại tệ của nhiều quốc gia bị cạn kiệt.

Cùng với đó, xu hướng đồng nội tệ suy yếu cũng là nguyên nhân khiến việc hoàn trả nợ bằng ngoại tệ trở nên khó khăn hơn.

Dự trữ ngoại hối giảm mạnh

Các nền kinh tế mới nổi đang thu về ít ngoại tệ hơn trong năm nay. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thâm hụt tài khoản vãng lai trung bình của 141 nền kinh tế mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến chiếm đến 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Hậu quả là dự trữ ngoại hối, thước đo khả năng thanh toán nợ của một quốc gia, cũng đang suy giảm mạnh ở những nền kinh tế này.

Cụ thể, trong số 32 nền kinh tế mới nổi được khảo sát, ngoại trừ Trung Quốc, dự trữ ngoại hối đã giảm 50 tỷ USD trong tháng 4/2020 so với giai đoạn cuối năm 2019, xuống còn 2.800 tỷ USD.

[Nỗi lo chung của các nước Đông Nam Á thời đại dịch COVID-19]

Điều này đã làm đảo ngược xu hướng dự trữ tăng nhanh được ghi nhận trong những năm gần đây trên toàn thế giới.

Các số liệu chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi đã đẩy lượng dự trữ ngoại hối tăng thêm 10%/năm.

Tuy nhiên chỉ trong năm 2020, sự suy giảm đã lên tới 150 tỷ USD (tính theo cơ sở hàng năm), là mức giảm lớn nhất trong hai thập kỷ qua.

Trong số 32 quốc gia được khảo sát, có 20 quốc gia đã chứng kiến dự trữ ngoại hối bị thu hẹp, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ trải qua đợt giảm mạnh nhất với mức 27 tỷ USD.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Diễn biến này đã buộc Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, trong một động thái nhằm đấu tranh để bảo vệ đồng lira, phải thực hiện bước đi bất thường là vay ngoại tệ từ các ngân hàng địa phương.

Hiện dự trữ ngoại hối của quốc gia Trung Đông chỉ ở mức khoảng 50 tỷ USD, ít hơn so với tổng số các khoản nợ ngắn hạn nước ngoài của nước này và thậm chí ở dưới mức không bền vững.

Trong khi đó, Indonesia đã chứng kiến đà sụt giảm dự trữ ngoại hối trong giai đoạn tháng 2 và tháng 3/2020, buộc ngân hàng trung ương nước này đã can thiệp vào thị trường để ngăn chặn đà trượt dốc của đồng rupiah so với đồng bạc xanh.

Viễn cảnh cạn kiệt nguồn ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD, đã buộc chính phủ và Ngân hàng trung ương Indonesia phải cùng can thiệp.

Ngoài ra, việc đóng cửa ngành du lịch cũng “bóp nghẹt” một nguồn ngoại tệ có giá trị của Indonesia.

Suharso Monoarfa, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển của nước này, đã phát biểu tại một phiên điều trần Quốc hội vào cuối tháng Sáu rằng nguồn thu ngoại hối từ hoạt động du lịch sẽ “rơi” xuống ngưỡng 3,3-4,9 tỷ USD trong năm nay, từ mức 19,7 tỷ USD của năm 2019.

Ngân hàng trung ương Indonesia đã thỏa thuận mua lại 60 tỷ USD từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng Tư để tăng cường nguồn cung ngoại tệ, đồng thời chính phủ đã phát hành 4,3 tỷ USD trái phiếu bằng đồng bạc xanh trong cùng tháng, bao gồm một loại trái phiếu đáo hạn trong 50 năm, được coi là trái phiếu định giá bằng đồng USD có thời gian đáo hạn dài nhất từng được phát hành bởi một quốc gia châu Á.

Trong khi đó tại Ai Cập, chính phủ đã chuẩn bị mở lại 12 điểm du lịch nổi tiếng, bao gồm cả kim tự tháp Giza. Ngành du lịch chiếm 11% GDP của quốc gia Bắc Phi song do đại dịch, dự trữ ngoại tệ của nước này cũng đã giảm khoảng 20% kể từ tháng Ba vừa qua.

Ở khu vực Mỹ Latinh, Brazil cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu dầu và ôtô giảm mạnh, trong khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu đậu nành và thịt hàng đầu của Brazil, đã bày tỏ sự lo ngại về các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân của nước này.

Vai trò “sống còn” của các thể chế tài chính

Mặc dù một số chuyên gia nhận định rằng thị trường tài chính toàn cầu vẫn tương đối bình tĩnh nhờ các biện pháp kích thích được thực hiện bởi chính phủ và ngân hàng trung ương, nếu các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo tài sản trên thị trường mới nổi, sự bốc hơi của các dòng vốn có thể diễn ra đột ngột và để lại hậu quả.

Trong ba tháng tính đến giữa tháng 5/2020, các loại tiền tệ của Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi đã mất khoảng 30% giá trị so với đồng USD, khiến các khoản nợ bằng đồng bạc xanh cũng tăng lên.

Đồng thời, mạng lưới an toàn được cung cấp bởi các nền kinh tế lớn và các tổ chức quốc tế vẫn còn rất mong manh.

Fed đã bơm đồng USD vào thị trường thông qua kênh hoán đổi tiền tệ cho các ngân hàng trung ương, nhưng trong số đó chỉ có Brazil và Mexico được coi là thị trường mới nổi.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ dù đang đàm phán với Washington về việc hoán đổi tiền tệ song mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đã khiến tiến độ này chậm lại.

Quỹ tiền tệ quốc tế bị chỉ trích vì thiếu hỗ trợ các nước đối phó với đại dịch COVID-19. (Nguồn: Reuters)

IMF, “chiếc phao cứu sinh” cuối cùng của các nền kinh tế mới nổi, đã đề ra một "gói thanh khoản ngắn hạn" vào tháng Tư vừa qua, nhưng các điều kiện cho vay khắt khe đều đi kèm với những nền tảng kinh tế mạnh mẽ.

Ngoài ra, trong khi có đến khoảng 70 quốc gia đã được tiếp cận với những khoản vay khẩn cấp của IMF, mỗi quốc gia mới chỉ nhận được khoảng 300 triệu USD từ thể chế này.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra, IMF đã bị chỉ trích vì thiếu tốc độ và nguồn lực tài chính để chống lại khủng hoảng.

Thể chế này có khả năng cho vay đến 1.000 tỷ USD, nhưng chỉ 50% con số này được phép giải ngân mà không cần sự đồng ý của các quốc gia có đóng góp lớn.

Các chuyên gia cho rằng nếu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nền kinh tế lớn bị thiếu hụt, vấn đề ở các nền kinh tế mới nổi có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Đến cuối năm 2021, 29 nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ đối mặt với các khoản vay đến hạn có tổng trị giá 720 tỷ USD.

Viện nghiên cứu Mizuho dự đoán rằng nếu khủng hoảng nợ xảy ra, các ngân hàng châu Âu, vốn là chủ nợ lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ Latinh, sẽ bị tổn thương.

Ngoài ra, các ngân hàng Nhật Bản cũng có thể phải chịu đựng, vì họ nắm giữ khoảng 20% khoản vay của Nam Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục