Nguy cơ từ việc Trung Quốc thâu tóm lưới điện quốc gia tại Mỹ Latinh

Nhiều chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở Nam Mỹ nên xem xét tác động của việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tìm cách nắm giữ mảng dịch vụ năng lượng tại các quốc gia khu vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: dialogochino.net)

Trang mạng dialogochino.net mới đây có bài viết, trong đó cho biết các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc giờ đây đã trở thành chủ sở hữu và là nhà điều hành dịch vụ năng lượng chủ chốt tại các nước Nam Mỹ sau khi mua lại mạng lưới điện quốc gia trên khắp khu vực này.

Trang mạng chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa Mỹ Latinh và "gã khổng lồ châu Á" này cho rằng đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách ở Nam Mỹ nên xem xét tác động của việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tìm cách nắm giữ mảng dịch vụ năng lượng tại các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là ngành điện lực.

Từ một thập kỷ qua, Bắc Kinh khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước tham gia vào các dự án tại nước ngoài. Nhờ vào sự hỗ trợ của nguồn tài trợ từ chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước dễ dàng thắng thầu tại các dự án, trong đó vì lý do lợi nhuận mà nhiều công ty đa quốc gia không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp này.

[Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh]

Bắc Kinh cũng ủng hộ nỗ lực của các doanh nghiệp nhà nước trong việc giành thị phần trong các lĩnh vực mà Trung Quốc coi là quan trọng về mặt chiến lược.

Các doanh nghiệp như Tập đoàn lưới điện Trung Quốc (SGCC) - một nhà phân phối điện của Trung Quốc, có thành tích ấn tượng trong việc xây dựng lưới điện ở các nước đang phát triển, đặc biệt là tại châu Phi cận Sahara và Tây Á. Tiềm lực của doanh nghiệp này vượt trội so với các công ty đa quốc gia khác nhờ các khoản tài trợ từ Bắc Kinh.

Thông qua chính sách này, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong những môi trường khó khăn, điều này khiến họ trở thành đối tác hấp dẫn đối với các nước Mỹ Latinh, vốn sở hữu mạng lưới năng lượng không đáng tin cậy lắm.

Hiện tại, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc sở hữu mạng lưới điện trị giá gần 24,4 tỷ USD tại Nam Mỹ. Các thỏa thuận mua lại đạt được trong năm 2020 có giá trị tới 8,9 tỷ USD.

Đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào mạng lưới năng lượng ở Nam Mỹ không bao gồm bất kỳ dự án xây mới nào, tất cả đều là mua lại.

Ví dụ, vào tháng 6/2020, SGCC thông báo mua lại 100% cổ phần của Chilquinta Energía, chi nhánh tại Chile của Tập đoàn Sempra Energy (Mỹ), cũng như hai doanh nghiệp khác chuyên cung cấp dịch vụ xây dựng và bảo trì điện cho công ty này.

Chiến lược mua lại cho phép các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tham gia thị trường dễ dàng hơn, dựa trên các hệ thống sẵn có.

Biện pháp này cũng cung cấp cho các doanh nghiệp như SGCC thông tin quý báu về hoạt động của các tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ, như trong trường hợp này là Sempra.

Trung Quốc đang đảm nhận một vai trò mới trong khu vực với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ thông qua các khoản đầu tư vào mạng lưới năng lượng.

Về mặt lịch sử, sự tham gia kinh tế của Trung Quốc ở Nam Mỹ gắn liền với quá trình tìm kiếm nguyên liệu thô và thúc đẩy thị trường xuất khẩu của nước này trên toàn cầu.

Kể từ năm 2005, Nam Mỹ đã ký thỏa thuận xây dựng trị giá 54 tỷ USD và nhận 129 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc.

Hầu hết các khoản đầu tư tập trung vào khai thác nguyên liệu thô, chẳng hạn như dầu mỏ ở Venezuela và đồng ở Peru. Tuy nhiên, với việc đầu tư vào mạng lưới năng lượng, một xu hướng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đã hiển hiện.

Theo tác giả bài viết Cecilia Joy Pérez, các nước cần đánh giá nguy cơ Bắc Kinh sử dụng sức mạnh năng lượng như một đòn bẩy trong trường hợp xảy ra xung đột ngoại giao.

Trong trường hợp này, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang sở hữu các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng có thể tăng chi phí đầu ra và thậm chí làm gián đoạn dịch vụ tại nước sở tại.

Ngoài ra, các mạng lưới năng lượng ngày càng đan xen với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của các khu vực đô thị tại Mỹ Latinh mở ra cho Trung Quốc khả năng can thiệp vào hệ thống dữ liệu tại các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Nếu các dịch vụ cơ bản bị "treo," các nhà lãnh đạo Nam Mỹ có thể sẽ "không sẵn sàng" trong việc đề cập đến một số vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc.

Mặc dù các biện pháp như vậy có thể là phản ứng cực đoan, Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện sức mạnh thương mại của mình trong tranh chấp với các quốc gia khác.

Những con bài mà Trung Quốc đem ra trong tranh chấp thương mại với Australia gần đây là minh chứng rõ nét.

Hành động trả đũa thương mại của Trung Quốc đối với việc Australia yêu cầu chứng thực cuộc điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng các công cụ thương mại trong các cuộc xung đột ngoại giao.

Australia là nơi có hơn 100 tỷ USD tiền đầu tư từ Trung Quốc và cũng giống như Nam Mỹ, Australia là nhà cung cấp nguyên liệu thô lớn trên thế giới.

Khi tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh phát triển, việc vun đắp mối quan hệ với các "đồng minh" ở Nam Mỹ có thể sẽ được đền đáp xứng đáng. Trung Quốc đã đưa ra một số thỏa hiệp kinh tế và sử dụng con bài hợp tác cơ sở hạ tầng để lôi kéo các nước Mỹ Latinh.

Bà Pérez cho rằng Washington đang cố gắng đáp trả sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc và ảnh hưởng kinh tế rộng lớn hơn của "gã khổng lồ châu Á" tại các nước đang phát triển.

Xét trên quan điểm của Washington, vốn xác định sự tham gia của một cường quốc khác vào các lĩnh vực chiến lược tại Mỹ Latinh là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của mình, vai trò cung cấp dịch vụ năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc có thể cải thiện nhận thức về cam kết kinh tế của nước này trong khu vực.

Việc đó có thể mở đường cho mối quan hệ bền chặt hơn với các nước Nam Mỹ và tác động mạnh tới tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Theo bà Pérez, các nhà hoạch định chính sách của Washington nên cam kết bảo vệ mạng lưới năng lượng của các nước Nam Mỹ bằng cách cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn này và đảm nhận vai trò lãnh đạo nhiều hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Hơn nữa, Mỹ cần phải xác định lĩnh vực và quốc gia nào nên được ưu tiên hơn trong việc giảm thiểu lợi ích của Trung Quốc.

Hầu hết các nước đều coi lưới điện quốc gia là tài sản mang tính chất sống còn, do đó hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Các nước Nam Mỹ hiện hoan nghênh đầu tư từ Trung Quốc, nhưng các quốc gia này có thể sẽ hiểu rõ vấn đề hơn và cố gắng loại trừ những nguy cơ tiềm ẩn.

Do đó, Mỹ nên dẫn dắt sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực, với mục đích bảo vệ sự ổn định lâu dài của khu vực Tây Bán cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục