Nguy cơ ngân hàng "ngầm"

Nguy cơ từ hệ thống ngân hàng "ngầm" toàn cầu

Gần đây, ngành ngân hàng bị coi là tác nhân chính dẫn đến khủng hoảng tài chính, trong đó, nguy cơ lớn đến từ hệ thống ngân hàng "ngầm".
Theo mạng tin economywatch, trong vài năm gần đây, ngành ngân hàng bị coi là tác nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính, hiện đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu, cùng với việc thiếu quy định tài chính.

Nhưng người ta ngày càng nhận thức rõ hơn về hệ thống ngân hàng "ngầm," cũng như việc hệ thống này có thể là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng.

Các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã tranh cãi một cách thuyết phục rằng lý thuyết tiết kiệm quá mức không giải thích được việc tạo tín dụng không bền vững trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Và các luồng vốn chủ chốt không phải từ các thị trường đang nổi, mà từ châu Âu, nơi không có thặng dư cán cân thanh toán ròng.

Thuyết "dư thừa tín dụng toàn cầu" đang được nhiều người ủng hộ hơn sau một báo cáo về hoạt động ngân hàng "ngầm" của Cơ quan Ổn định tài chính (FSB).

Về quy mô của hoạt động ngân hàng "ngầm" toàn cầu, báo cáo của FSB cho biết từ năm 2002-2007, hệ thống ngân hàng "ngầm" đã tăng thêm 33.000 tỷ USD, gấp 8,5 lần so với thâm hụt tài khoản vãng lai cùng kỳ là 3,9 nghìn tỷ USD của Mỹ.

Hệ thống ngân hàng "ngầm" ước tính chiếm tới 25-30% hệ thống tài chính toàn cầu và khoảng một nửa tổng tài sản ngân hàng toàn cầu, nhưng không được giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự ổn định tiền tệ và tài chính.

Hệ thống ngân hàng "ngầm" rất phức tạp, bởi vì nó bao gồm nhiều thể chế và bộ máy. Vấn đề là đến năm 2010, hệ thống ngân hàng "ngầm" vẫn có quy mô như năm 2007, trước cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi hệ thống ngân hàng chính thức đã tăng 18% so với năm 2007. Đó là lý do khiến FSB cho rằng, hệ thống ngân hàng "ngầm," cùng với các ngân hàng toàn cầu lớn, là những nguyên nhân của rủi ro hệ thống.

Vấn đề toàn cầu hiện nay là hoạt động tín dụng của các hệ thống ngân hàng chính thức và "ngầm" dường như lớn hơn nhiều so với các số liệu tín dụng hiện được các cơ quan thống kê quốc gia theo dõi.

Có một số lý do dẫn đến việc này. Thứ nhất là người ta có thể đi vay ở nước ngoài và không nằm trong sổ sách. Nói cách khác, mặc dù việc tiết kiệm quá mức có góp phần vào việc làm giảm lãi suất và khuyến khích đi vay, nhưng nó không phải là nguyên nhân chính.

Thứ hai, người ta rất khó "đo đếm" hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất đầy biến động bởi vì phần lớn hoạt động này được thực hiện thông qua các lựa chọn, trao đổi phái sinh, thường nằm ngoài quyết toán. Do vậy, những tác động đòn bẩy của hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất thường lớn hơn các con số thống kê được công bố.

Thứ ba, sự hợp tác giữa hệ thống ngân hàng ngầm với các ngân hàng toàn cầu là rất tập trung bởi vì các ngân hàng lớn đang đóng vai trò người môi giới chủ chốt, nhất là trong các hoạt động thương mại phái sinh.

Quả thực, kịch bản ác mộng đang đe dọa thế giới là sự sụp đổ của thực thể ngân hàng "ngầm," làm đóng băng thương mại toàn cầu như đã từng xảy ra năm 2008. Thỏa thuận Basel III về yêu cầu vốn và những cải cách gần đây vẫn chưa có biện pháp bảo vệ tài chính thương mại khỏi những cơn sốc tiềm tàng này./.

Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục