Nguy cơ từ chính sách 'mũ ni che tai' của Mỹ đối với Triều Tiên

Nếu Triều Tiên bắt đầu thử tên lửa tầm xa hơn, điều này khiến Mỹ khó có thể quay trở lại bàn đàm phán, từ đó gây nguy cơ sụp đổ những nỗ lực ngoại giao đã được hai bên thiết lập từ năm 2018.
Ảnh tư liệu: Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên được phóng thử từ một địa điểm bí mật. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn hồi đầu tháng 5/2019 của Triều Tiên đánh dấu hoạt động thử tên lửa đầu tiên của đất nước này trong 18 tháng qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem nhẹ các vụ thử này và cũng không buồn gọi chúng là những hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vốn cấm Triều Tiên tiến hành các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo.

Thái độ này có thể là chỉ dấu cho thấy đường lối ngoại giao của Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song cũng mang lại nhiều mối nguy cơ nghiêm trọng khi để mặc Triều Tiên đạt được những mục tiêu chính trị và chiến lược của mình.

Tổng thống Mỹ cho biết ông không mấy lo lắng về các vụ thử vừa qua bởi chúng không vi phạm những lời hứa của Triều Tiên là ngừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa có thể phóng tới lục địa Mỹ.

Với tuyên bố này, Tổng thống Mỹ dù vô tình hay cố ý đã gửi đi một tín hiệu cho Triều Tiên rằng nước này có thể tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn và thu thập thông tin cần thiết để cải tiến loại vũ khí này. Và điều đó đang gây bất ổn cho khu vực.

Việc cho phép các vụ thử này diễn ra sẽ tiếp tục mang lại cho Triều Tiên cơ hội để hoàn thiện loại tên lửa mới đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 4/5 vừa qua.

Loại tên lửa này, tương tự như tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga, có thể bay ở một đường đạn thấp khi thay đổi đích bắn của nó.

Khả năng này có thể làm giảm giá trị của hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc, đe dọa người dân và các binh lính Mỹ ở đây.

Triều Tiên, vốn đã đánh tín hiệu rằng họ có thể tiến hành thêm nhiều vụ thử vũ khí nữa, có vẻ đang háo hức xem xem họ còn làm được những gì trước khi Mỹ phản ứng.

[Giới chuyên gia: Triều Tiên thử tên lửa nhằm gây sức ép với Mỹ]

Đây có thể là một chính sách ngoại giao phức tạp - nếu Triều Tiên quay trở lại thử tên lửa tầm xa, Mỹ có thể không còn sốt sắng quay trở lại bàn đàm phán như trước nữa.

Triều Tiên cũng có thể đang nỗ lực lợi dụng những bất đồng giữa Mỹ và đồng minh Nhật Bản, vốn có khả năng gia tăng nếu các vụ thử tên lửa tiếp tục được thực hiện.

Không giống như Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn kiên định rằng các vụ thử này là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Sau khi gặp Tổng thống Trump tại Tokyo hồi cuối tháng 5, ông Abe đã đề cao tình đoàn kết của Nhật Bản với Mỹ và nói rằng ông ủng hộ cách tiếp cận ngoại giao của Trump với Triều Tiên.

Tuy nhiên, Abe sẽ chịu sức ép buộc phải thay đổi lập trường đó nếu như Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa- điều đe dọa Nhật Bản.

Nghiêm trọng hơn, sự im lặng của Mỹ còn cho phép Bình Nhưỡng tiếp tục diễn giải sai về các vụ thử của họ. Trên truyền thông nhà nước, Triều Tiên biện minh rằng các vụ thử tên lửa này chỉ là một hoạt động tập trận phòng thủ để đáp trả các cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Hàn, cũng như vụ Mỹ phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa tại California hồi tháng 5.

Bình Nhưỡng còn thanh minh cho các vụ thử này bằng lập luận rằng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm các vụ thử như vậy là không hợp pháp.

Việc Mỹ không đưa ra phản ứng trước những giọng điệu như vậy sẽ gửi đi một thông điệp sai đến Triều Tiên.

Mỹ có thể đang tránh để xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp với Triều Tiên, song điều này sẽ chẳng thể giúp gì cho việc giảm bớt những khác biệt trong lập trường của hai nước về sự phi hạt nhân hóa.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2/2019, ông Trump đã hối thúc ông Kim từ bỏ tất cả khía cạnh trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên để đối lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, song Kim đã từ chối điều này.

Hiện chưa rõ chính sách này của Mỹ sẽ kéo dài được bao lâu. Triều Tiên đang liên tục đánh tín hiệu rằng Mỹ cần phải giảm bớt những yêu cầu về sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức của mình nếu các cuộc đối thoại đạt tiến triển.

Kim cũng đã đặt ra thời hạn là cuối năm nay để tiến hành điều đó. Các vụ thử tên lửa có thể nhằm mục đích gây áp lực khiến Mỹ giảm nhẹ lập trường trên, và cũng có thể nhằm gửi đi một lời cảnh báo rằng căng thẳng sẽ gia tăng nếu thời hạn tới gần mà không có tiến triển gì. Trong khi đó, Trump vẫn thể hiện rằng ông chẳng cần vội vàng.

Việc không lên tiếng chỉ trích các vụ thử tên lửa có thể là một cách để Mỹ duy trì đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên với Bình Nhưỡng, đó lại là một cơ hội để cải tiến kho vũ khí vốn đã đặt ra mối đe dọa cho các binh sỹ Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Nếu Triều Tiên bắt đầu thử tên lửa tầm xa hơn, điều này khiến Mỹ khó có thể quay trở lại bàn đàm phán, từ đó gây nguy cơ sụp đổ những nỗ lực ngoại giao đã được hai bên thiết lập từ năm 2018./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục