Nguy cơ từ các bệnh do chế độ ăn uống và lối sống

Bốn loại bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư có mối liên hệ với nhau và đều phần lớn là do chế độ ăn uống và các yếu tố liên quan lối sống.
Một phụ nữ bị mắc bệnh béo phì tại Chicago, bang Illinois, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN )

Các bệnh không lây nhiễm như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch (CVD) và ung thư là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.

Kết quả nghiên cứu trên đây được công bố trong bài viết của Giáo sư, Tiến sỹ Mohammad Tariqur Rahman thuộc Đại học Malaysia.

Bốn loại bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư cũng có mối liên hệ với nhau và đều phần lớn là do chế độ ăn uống và các yếu tố liên quan lối sống.

Béo phì là một trong những nguy cơ chính gây ra bệnh tiểu đường. Ngược lại, cả béo phì và tiểu đường đều là những yếu tố có thể thay đổi và dẫn đến bệnh tim mạch.

Trong khi đó, bệnh tiểu đường có liên quan đến tăng nguy cơ gây ung thư.

Năm 1998, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng cuộc chiến chống lại bệnh tật trong thế kỷ 21 sẽ phải diễn ra cùng lúc trên hai mặt trận chính, trong đó có chống lại các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim, ung thư, tiểu đường và các bệnh khác liên quan lối sống.

Theo các báo cáo đăng trên tạp chí Lancet, tỷ lệ béo phì tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 1980-2008.

Tỷ lệ nam giới mắc bệnh này tăng từ 4,8% lên 9,8%, trong khi với phụ nữ là từ 7,9% lên 13,8%.

Nghiên cứu của gần 10 năm sau cho thấy xu hướng thừa cân và béo phì ngày càng tăng ở người lớn và trẻ em.

Trong giai đoạn 1975-2016, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên thừa cân hoặc béo phì từ 5-19 tuổi tăng hơn 4 lần, từ 4% lên 18% trên toàn cầu.

Các báo cáo khoa học cũng chỉ ra rằng tỷ lệ người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì trên toàn cầu giai đoạn 1980-2013 tăng từ 28,8% lên 36,9% ở nam giới và từ 29,8% lên 38,0% ở nữ giới.

Tỷ lệ thừa cân hoặc béo phì năm 2013 ở trẻ em và thanh thiếu niên ở các nước phát triển cũng ghi nhận ở mức 23,8% đối với bé trai và 22,6% đối với bé gái, cao hơn đáng kể so với những năm trước đó.

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN )

Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng gia tăng trong vài thập kỷ qua, trong đó phần lớn bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đều thuộc các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo WHO, thế giới hiện nay có hơn 420 triệu người mắc bệnh tiểu đường vốn gây ra 1,5 triệu ca tử vong hàng năm. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo của WHO năm 1998.

Ước tính số ca mắc bệnh tiểu đường ở người lớn được dự đoán tăng từ mức 143 triệu năm 1997 lên 300 triệu năm 2025.

Tương tự, tỷ lệ béo phì nói chung được dự báo sẽ tăng 8,3%. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, suy tim và nhồi máu cơ tim dự kiến sẽ tăng tương ứng lần lượt là 31,1%, 33,0% và 30,1% trong cùng kỳ.

Mức độ phổ biến và tỷ lệ tử vong do ung thư cũng tương tự các bệnh không lây nhiễm còn lại.

Theo tạp chí BMJ Oncology, tỷ lệ mắc bệnh ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu tăng 79,1% và số ca tử vong do loại ung thư này tăng 27,7% từ 1990-2019.

Trên toàn cầu, có 18.094.716 triệu trường hợp ung thư được chẩn đoán năm 2020.

Đáng báo động hơn là dự đoán về nguy cơ ung thư của Giáo sư Shuji Ogino thuộc Trường Y, Đại học Harvard.

Giáo sư Shuji nhấn mạnh rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư ngày càng tăng theo từng thế hệ.

Ví dụ như những người sinh năm 1960 có nguy cơ mắc ung thư cao hơn trước khi bước sang tuổi 50 so với những người sinh năm 1950. Ông dự đoán rằng mức độ rủi ro sẽ tiếp tục tăng trong các thế hệ tiếp theo.

Những báo cáo này cho thấy cả mức độ phổ biến lẫn sự gia tăng được dự đoán của những căn bệnh liên quan đến lối sống của con người trong những năm qua.

Bệnh nhân tiểu đường tại Minnetonka, Minnesota, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại sao lại không thể ngăn chặn sự gia tăng của những căn bệnh không lây nhiễm đã được dự đoán trước, và liệu có thể ngăn chặn xu hướng này hay không. Đây là hai vấn đề này cần được quan tâm đúng mức vì các thế hệ tương lai có nguy cơ mắc phải những căn bệnh chết người thường vốn không thể cứu vãn được.

Bài viết nêu rõ thế giới đã chứng minh được khả năng trong lĩnh vực công nghệ sinh học y tế, ví dụ như có thể sản xuất vaccine mới trong vài tháng và cung cấp cho người dân toàn cầu trong thời gian ngắn chưa từng thấy trong cuộc chiến chống lại Đại dịch COVID-19.

Không giống với việc phát triển và quản lý vaccine cho người dân toàn cầu, việc ngăn ngừa các bệnh do lối sống cần mỗi cá nhân đề cao nhận thức.

Tuy nhiên, ở cấp độ chính sách, có nhiều biện pháp có thể thực hiện để ngăn chặn xu hướng gia tăng các căn bệnh này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục