Nguy cơ Trung bộ sẽ có 65.500ha bị hạn hán, thiếu nước

Ở khu vực Bắc Trung bộ, diện tích bị ảnh hưởng lúc cao nhất khoảng 21.600ha (lúa 19.900ha, rau màu 1.700ha), chiếm 4,5% diện tích lúa và cây hằng năm.
Nguy cơ Trung bộ sẽ có 65.500ha bị hạn hán, thiếu nước ảnh 1Hơn 30ha lúa vụ Hè Thu ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã bị cháy khô vì thiếu nước. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Ngày 23/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn các vụ Hè Thu, Mùa năm 2019, khu vực Trung bộ.

Theo báo cáo, tổng cộng sẽ có khoảng 65.500ha lúa và cây hàng năm khu vực này bị hạn hán, thiếu nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Bắc Trung bộ hiện có dòng chảy sông, suối phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An).

[Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phải có bản đồ hạn hán cho khu Trung Bộ]

Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 30-60% dung tích thiết kế, ở mức thấp hơn so với một số năm gần đây, đã có 55 hồ nhỏ cạn nước.

Ở khu vực Nam Trung bộ, dòng chảy sông, suối phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 70%, như Vu Gia-Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng), sông Ba (Phú Yên)... Mực nước một số sông đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc lịch sử (sông Thu Bồn, sông Trà Khúc).

Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 25-55% dung tích thiết kế, chỉ cao hơn năm 2016 khoảng 6%, hiện có 281/520 hồ nhỏ đã cạn nước.

Dung tích trữ hữu ích tại các hồ chứa thủy điện ở các lưu vực sông thường xuyên tham gia cấp nước cho hạ du ở mức không cao. Cụ thể, dung tích trữ hữu ích Sông Cả là 3,4% dung tích thiết kế, Thạch Hãn 8,2%, Hương 25%, Vu Gia-Thu Bồn 20%, Sông Ba-Bàn Thạch 30%, Cái Phan Rang 19%, Lũy-La Ngà 8%.

Nguy cơ Trung bộ sẽ có 65.500ha bị hạn hán, thiếu nước ảnh 2Hồ chứa nước La Ngà chỉ còn đạt 19,1% dung tích thiết kế. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Hiện các hồ đang tích cực tham gia tạo nguồn nước cho hạ du; tuy nhiên, ở lưu vực Vu Gia-Thu Bồn các hồ chứa hiện không cung cấp đủ nhu cầu dùng nước.

Ở khu vực Bắc Trung bộ, diện tích bị ảnh hưởng lúc cao nhất khoảng 21.600ha (lúa 19.900ha, rau màu 1.700ha), chiếm 4,5% diện tích lúa và cây hàng năm. Tình trạng hạn hán, thiếu nước hiện tại ở mức độ nhẹ hơn so với thời gian cuối tháng 6/2019.

Khu vực Nam Trung bộ, hạn hán, thiếu nước bắt đầu ảnh hưởng từ tháng 7/2019. Tổng diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước là 16.340ha (lúa 15.930ha, rau màu 410ha), chiếm 4,6% diện tích lúa và cây hàng năm.

Xâm nhập mặn đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cho khoảng 5.800ha cây trồng ở Trung bộ. Hiện có gần 114.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạn hán, thiếu nước là nền nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, kết hợp với gió phơn Tây Nam thổi mạnh nên lượng bốc hơi rất lớn, lên tới 5-7 mm/ngày, tăng khoảng 20-30% so với trung bình nhiêu năm. Bên cạnh đó, lượng bốc hơi tăng dẫn đến nhu cầu nước tưới tăng, đồng thời cũng làm giảm lượng nước hồ chứa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong trường hợp nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra đến cuối mùa khô (cuối tháng 7 ở khu vực Bắc Trung bộ, cuối tháng 8 ở khu vực Nam Trung bộ), tổng cộng sẽ có khoảng 65.500ha (lúa 55.400ha, cây hàng năm 10.100ha) bị hạn hán, thiếu nước. Bên cạnh đó, Trung bộ cũng sẽ có 138.800 hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt.

Để tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường mạng quan trắc khí tượng thủy văn, đặc biệt tăng cường hệ thống đo mặn tại các tỉnh ven biển khu vực Trung bộ; rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông liên tỉnh để bảo đảm cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô.

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà máy thủy điện thực hiện việc điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du theo nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiện nay.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cho các địa phương theo Văn bản số 3384/BNN-TCTL ngày 16/5/2019 và tiếp tục tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương về giống khôi phục sản xuất và nước sinh hoạt nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn khẩn cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô; trong đó, cụ thể phương án bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh và an sinh xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục