Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus ngày 9/10, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết hiện nay, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng đều đang ở mức rất thấp, tổng lượng nước tích được của các hồ chỉ đạt từ 30% đến 65%.
“Với những diễn biến trên, chúng tôi phải chủ động ngay từ bây giờ, nếu không sẽ không đủ nước vào đầu năm 2022 cho sông Hồng,” ông Châu Trần Vĩnh nhận định.
Phân tích cụ thể hơn, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện tại, mực nước hồ Hòa Bình là 107,8m (thấp hơn mực nước yêu cầu tối thiểu 5,1m; thiếu hụt so với yêu cầu tối thiểu khoảng 945 triệu m3). Mực nước hồ Thác Bà là 53,1m (thiếu hụt khoảng 415 triệu m3).
Tại các hồ Lai Châu, Sơn La, mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 5-10m.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nước trên cùng với bản tin nhận định xu thế khí tượng thủy văn đến cuối năm 2021 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định khả năng nguồn nước trong 3 tháng cuối năm 2021 đến các hồ chứa lớn trên thượng lưu sông Hồng và các lưu vực sông Bắc Bộ sẽ tiếp tục thiếu hụt từ 30-50% so với trung bình nhiều năm.
Đặc biệt, thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng là từ 60-80%; nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng.
Để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra, trong ngày 8/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình; các Công ty thủy điện và Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, đề nghị thực hiện ngay các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
[Giám sát, giữ an toàn nhà máy thủy điện trước mùa mưa bão]
Cụ thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia có phương án điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Bản Chát và Huội Quảng. Các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện nêu trên lập kế hoạch tích nước, xả nước để nâng dần mực nước các hồ, bảo cân đối nguồn nước và ưu tiên cho các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du từ nay đến cuối mùa cạn.
Tương tự, các chủ hồ chứa, đặc biệt là hồ Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà, bảo đảm việc lấy nước của Nhà máy nước sông Đà phù hợp với lịch vận hành xả nước và năng lực hiện tại của hồ Hòa Bình; bên cạnh việc cấp nước an toàn cho nhân dân, cần phải bảo đảm cho hồ Hòa Bình có đủ nguồn nước để điều tiết cho hạ du trong các tháng còn lại của mùa cạn.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021-2022; chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi phía hạ du rà soát, đảm bảo việc lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa, tránh lãng phí nguồn nước.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước trong điều kiện nguồn nước tiếp tục có nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới.
Riêng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các các cơ quan chuyên môn xử lý các vấn đề liên quan đến việc cải tạo, nâng cao năng lực lấy nước của Nhà máy nước sông Đà; giảm áp lực cấp nước đối với hệ thống hồ chứa trên sông Đà, đặc biệt là hồ chứa thủy điện Hòa Bình nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du trong các tháng còn lại của mùa cạn./.