Nguy cơ thiếu điện có thể cản trở sự phục hồi kinh tế Trung Quốc

Mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực dự trữ nhiên liệu trong một năm qua nhưng vẫn đối mặt với rủi do thiếu hụt than đá và khí đốt tự nhiên dùng để sưởi ấm cho các hộ gia đình và các nhà máy điện.
Một trung tâm lưu trữ năng lượng ở Hàng Châu, Trung Quốc. (Nguồn: chinadialogue.net)

Cùng với việc nguồn cung năng lượng toàn cầu căng thẳng khiến cho giá nhiên liệu leo thang, Trung Quốc lại phải đối diện với một mùa Đông thiếu điện.

Những điều này có thể sẽ có thể ảnh hưởng bất lợi tới sự phục hồi kinh tế Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), với việc các đối thủ cạnh tranh ở Bắc Á và châu Âu "giành giật" nguồn cung hạn chế, mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực dự trữ nhiên liệu trong một năm qua nhưng vẫn đối mặt với rủi do thiếu hụt than đá và khí đốt tự nhiên (dùng để sưởi ấm cho các hộ gia đình và các nhà máy điện).

Khi thời tiết chuyển lạnh trong vài tháng tới, nhu cầu sưởi ấm sẽ tăng mạnh, và điều này có thể kích hoạt chính sách cung cấp theo kế hoạch về điện lực như mùa Đông và mùa Hè năm trước.

Nguồn cung năng lượng không theo kịp nhu cầu và giá cả cao có thể ảnh hưởng nặng nền đến ngành công nghiệp của Trung Quốc. Vấn đề này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và du lịch sụt giảm do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

[Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại trong tháng 8]

Chuyên gia phân tích Hán Dương Vệ của BloombergNEF cho rằng vào những ngày lạnh nhất, một số tỉnh ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc có thể sẽ gặp một đợt thiếu hụt điện khác. Trong suốt mùa Hè năm 2021, nguồn cung than nhiệt luôn căng thẳng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Cùng với nền kinh tế phục hồi từ trong dịch bệnh, giá năng lượng từ Bắc Kinh đến London đều leo thang do nhu cầu được kích hoạt vào thời điểm nguồn cung thiếu hụt. Mùa Đông năm nay, khi nhu cầu của Bắc bán cầu đạt đỉnh, xu thế tăng giá mạnh trên toàn cầu dự kiến cũng sẽ đạt đỉnh, điều này có thể gây gián đoạn việc phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời kích thích lạm phát.

Vừa qua, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đưa ra dự báo giá than tiêu chuẩn của châu Á sẽ tăng gấp đôi trong quý 3/2021. Nguyên nhân chủ yếu là giá giao ngay của khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Bắc Á đã tăng bốn lần trong năm ngoái và đang ở mức cao nhất theo mùa kể từ khi có số liệu lưu trữ.

Theo chuyên gia phân tích Lara Dong của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Vương quốc Anh), nếu giá than đá và khí đốt tự nhiên tiếp tục duy trì ở mức cao trong mùa Đông sắp tới, rủi ro thiếu điện sẽ rất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục