Nguy cơ suy thoái và sự phân nhánh đối với các nền kinh tế thế giới

Tất cả các quốc gia đều đang phát đi một loạt dấu hiệu cho thấy khủng hoảng kinh tế đang rình rập các thị trường tài chính toàn cầu và các nền kinh tế mới nổi.
Hình ảnh tỷ phú Elon Musk và biểu tượng của Twitter trên màn hình máy tính tại Washington, DC., Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Moderndiplomacy.eu có trụ sở tại châu Âu đăng bài viết cho rằng quyết định gần đây của người đứng đầu Twitter Elon Musk nhằm sa thải khoảng 50% lực lượng lao động của công ty này chỉ là dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế đang bao trùm thế giới.

Câu chuyện về Twitter là một ví dụ trong số rất nhiều câu chuyện dễ thấy.

Hầu như tất cả các công ty lớn trên toàn cầu đều đã hoặc đang có kế hoạch sa thải nhân viên, bao gồm Microsoft, Meta, Tencent, Xiaomi, Unacademy...

Một nghiên cứu toàn diện có tiêu đề “Rủi ro suy thoái toàn cầu năm 2023 gia tăng giữa bối cảnh lãi suất tăng đồng thời” của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tất cả các quốc gia đều đang phát đi một loạt dấu hiệu cho thấy khủng hoảng kinh tế đang rình rập các thị trường tài chính toàn cầu và các nền kinh tế mới nổi, dẫn đến những tác động tiêu cực và thiệt hại trong dài hạn.

[WB cảnh báo thế giới có thể rơi vào suy thoái toàn cầu vào năm 2023]

Báo cáo đổ lỗi cho việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất để đối phó với các rủi ro về lạm phát do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Báo cáo nêu rõ rằng ngay cả khi tăng lên mức cao chưa từng thấy trong 5 thập kỷ qua thì lãi suất cũng chưa đủ để kéo lạm phát toàn cầu xuống mức trước đại dịch. Do đó, việc phải tập trung vào sự gián đoạn nguồn cung và giảm bớt áp lực thị trường lao động là rất quan trọng.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tập trung vào thúc đẩy sản xuất thay vì cắt giảm tiêu dùng và đưa ra các chính sách tạo ra đầu tư phụ trợ, cải thiện năng suất và phân bổ vốn, là điều kiện rất quan trọng cho tăng trưởng.

Nguy cơ kinh tế suy thoái

Giữa đại dịch, nhiều quốc gia đã tung ra các gói cứu trợ và kích thích dựa vào các biện pháp mở rộng thanh khoản, chẳng hạn như nới lỏng hạn chế cho vay hoặc giảm lãi suất repo (tỷ lệ mà các ngân hàng thương mại vay tiền từ ngân hàng trung ương) cũng như lãi suất repo ngược (lãi suất mà các ngân hàng thương mại cho ngân hàng trung ương vay tiền).

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thực hiện các biện pháp kích thích này nhằm chống lại sự gián đoạn do COVID-19 gây ra, tiếp theo là Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Đức, Ấn Độ...

Người dân mua sắm tại một chợ ở Athens, Hy Lạp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù đã phần nào giúp các nền kinh tế “hấp thụ” tác động của đại dịch nhưng những biện pháp này có một nhược điểm lớn là khiến nhu cầu gia tăng do dòng tiền chảy vào thị trường, dẫn đến lạm phát.

Lạm phát, được định nghĩa là tốc độ tăng giá của hàng hóa nói chung và hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định, có thể do nhiều yếu tố gây ra. Sự thiếu hụt tổng cung, một trong những yếu tố phổ biến nhất, có thể dẫn đến áp lực cầu quá mức trên thị trường.

Để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương thường điều chỉnh hoặc thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ của quốc gia mình.

Tăng lãi suất là một trong những biện pháp như vậy, vì điều này sẽ giúp thu hẹp dòng tiền, làm giảm xu hướng nhu cầu tăng cao.

Tuy nhiên, giả sử ngân hàng trung ương chỉ tăng lãi suất mà không đưa ra cải cách đáng kể sao cho phù hợp với việc thiết lập lại chuỗi cung ứng, tăng sản xuất và tăng trưởng tổng thể đáp ứng nhu cầu thì một quốc gia có thể tiến tới suy thoái.

Do đó, bên cạnh việc tăng lãi suất, một quốc gia phải đa dạng hóa nhà cung cấp, đầu tư vào công nghệ (mà không làm tăng gánh nặng nợ) và tập trung vào sự tự lực trong khi duy trì thị trường lao động.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) định nghĩa suy thoái trên thực tế là sự sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia, tức là sự sụt giảm giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại quốc gia đó, trong hai quý liên tiếp.

Đơn giản, suy thoái kinh tế là một giai đoạn suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc chỉ ra một thời điểm cụ thể khi suy thoái xảy ra là gần như không thể và vô ích.

Mặc dù vậy, một vài chỉ số chẳng hạn như sự sụt giảm GDP và chi tiêu công, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, doanh số bán hàng và sản lượng của một quốc gia giảm, thường là những dấu hiệu chỉ ra một cuộc suy thoái.

Tóm lại, suy thoái có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những cú sốc bất ngờ đối với nền kinh tế và nợ quá mức cho đến lạm phát (hoặc giảm phát) không được kiểm soát cũng như bong bóng tài sản kém hiệu quả.

Các “anh lớn” vấp ngã

Theo Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, “đầu tiên là COVID-19, sau đó là cuộc xung đột ở Ukraine và thảm họa khí hậu ở tất cả các châu lục. Các yếu tố này đang gây ra tác hại khôn lường đối với cuộc sống của người dân.”

1/3 kinh tế thế giới, gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, dự kiến suy giảm trong các quý tiếp theo.

Đối với các chuyên gia kinh tế và dự báo Mỹ, suy thoái không còn là vấn đề “nếu” mà là “khi nào.”

Kế hoạch của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát mà không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và suy thoái kinh tế chỉ làm giảm khả năng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế.

Nouriel Roubini, một trong số ít chuyên gia kinh tế dự đoán đúng về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã tuyên bố rằng một cuộc suy thoái kéo dài và không thể tránh khỏi vào năm 2022 sẽ tiếp tục đến năm 2023.

Giống như Mỹ, châu Âu cũng kỳ vọng rằng tình hình kinh tế sẽ có thể cải thiện mà không để xảy ra suy thoái.

Tuy nhiên, các giả định về lạm phát giảm hoặc tạm thời do hoạt động kinh doanh vững chắc, tài chính công lành mạnh và các điều chỉnh tài chính phù hợp đã trở thành sai lầm đối với các nền kinh tế châu Âu.

Châu Âu chủ yếu bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và hậu quả là sự gián đoạn dầu khí đã dẫn đến một “Cuộc chiến năng lượng” chống lại châu Âu.

Tương tự, Trung Quốc cũng không xa cách, với sản lượng dự kiến giảm 5,7% vào năm 2023.

Chính sách Zero COVID, cùng với cuộc khủng hoảng thế chấp và cuộc di cư trong lĩnh vực sản xuất, dẫn đến sự suy thoái kinh tế của “gã khổng lồ” châu Á.

Tác động đối với kinh tế Ấn Độ

Ấn Độ báo cáo mức tăng trưởng 13,5% trong quý 2/2022 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, chiếm vị trí của Anh.

Tuy nhiên, sự tiến bộ này được ghi nhận dựa trên mức tăng trưởng ở thời điểm kinh tế Ấn Độ buộc phải ngừng hoạt động do các đợt phong tỏa vì đại dịch COVID-19 trong các quý trước, chứ không phải do các hoạt động kinh tế được cải thiện đáng kể.

Ấn Độ cần tập trung vào các dự án phát triển con người dựa trên kỹ năng để giải phóng tiềm năng kinh tế và tận dụng hiệu quả lợi tức nhân khẩu học.

Tuy nhiên, Ấn Độ không tránh khỏi việc phải đối mặt với suy thoái toàn cầu. Dự kiến, nước này phải đối mặt với mức giảm sản lượng 7,8% vào năm 2023.

Các giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp của Ấn Độ cũng đang kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của các công ty giảm nhưng nền kinh tế dự kiến sẽ phục hồi trong ngắn hạn, theo báo cáo năm 2022 của KPMG.

Giảm tỷ suất lợi nhuận, tăng năng suất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thực hiện đóng băng tuyển dụng (trường hợp xấu nhất là chính sách sa thải) là một số bước mà các công ty có thể thực hiện để vượt qua những thách thức này.

Do đó, Ấn Độ cần khai thác tiềm năng của các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp nhỏ bằng cách mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận đầu tư vốn của khu vực tư nhân và hạn chế các rủi ro liên quan đến môi trường.

Lập trường về tương lai của Ấn Độ vẫn bị chia rẽ. Cơ quan xếp hạng toàn cầu S&P tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ không phải đối mặt với gánh nặng thực sự và khủng khiếp của suy thoái kinh tế toàn cầu nhờ nền kinh tế tách rời với nhu cầu nội địa lớn, bảng cân đối kế toán lành mạnh và đủ dự trữ ngoại hối.

Ngược lại, theo công ty môi giới Nhật Bản-Nomura, niềm tin của các nhà hoạch định chính sách về sự lạc quan đối với quỹ đạo tăng trưởng của Ấn Độ đã được đặt nhầm chỗ.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định mức tăng trưởng ước tính 7% của Ấn Độ trong năm 2023 là ngang bằng với dự báo sửa đổi của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI).

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự đoán rằng nền kinh tế sẽ giảm mạnh xuống còn 5,2% trong năm 2024.

Mức tăng trưởng ước tính này không phù hợp với cam kết trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD của Ấn Độ.

Con đường phía trước

Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) năm 2022 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,5% trong năm 2022, sau đó giảm xuống 2,2% vào năm 2023, khiến thế giới mất hơn 17.000 tỷ USD năng suất.

Báo cáo cũng cảnh báo thêm rằng các quốc gia đang phát triển là dễ bị tổn thương nhất trước sự suy giảm dẫn đến một loạt khủng hoảng về sức khỏe, nợ nần và khí hậu.

Trong số đó, Somalia, Sri Lanka, Angola, Gabon và Lào là những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, thể hiện rõ qua tình trạng lạm phát quá mức mà những quốc gia này phải đối mặt.

Tương tự, giá hàng hóa nhiên liệu và thực phẩm của Ấn Độ đã tăng nhưng thành tích vững chắc của nước này khi các nước khác đang gặp khó khăn có thể là nhờ các chính sách điều hành hiệu quả. Ấn Độ không có gánh nặng nợ nước ngoài lâu dài có thể cản trở tăng trưởng.

Ngoài ra, chính phủ đã tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ để thúc đẩy việc làm và tăng tiết kiệm, đặc biệt là sau đại dịch, nhằm hồi sinh nền kinh tế Ấn Độ.

Ở trong nước, chính phủ đã cung cấp các mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả để đảm bảo sinh kế lành mạnh cho người dân.

Bất chấp những yếu tố này, Ấn Độ phải nhận ra và chấp nhận thực tế khắc nghiệt của thời kỳ hỗn loạn sắp tới. Ấn Độ có thể có một nền kinh tế tách rời nhưng thế giới là một hệ thống liên kết với nhau. Suy thoái toàn cầu cũng dẫn đến suy thoái ở Ấn Độ, với tác động ngày càng trở nên rõ ràng hơn qua mỗi ngày.

Các công ty công nghệ lớn ở Ấn Độ như Wipro, Tech Mahindra và Infosys đã thu hồi thư mời làm việc đối với những người trẻ mới vào nghề, trong khi những công ty khác bắt đầu sa thải nhân viên do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bất kể cuối cùng Ấn Độ có trở thành “nền kinh tế phát triển nhanh nhất” với tốc độ tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5% hay không thì nước này cũng sẽ phải đối mặt nguy cơ có hàng triệu người phải sống tình trạng nghèo đói.

Điều bắt buộc là một quốc gia phải nhận ra rằng một đồng tiền mất giá và lạm phát gia tăng ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người nghèo và Ấn Độ phải sẵn sàng đối phó với thách thức này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục