Nguy cơ phá sản kế hoạch bán xăng E5 nếu không hỗ trợ

Nguy cơ phá sản kế hoạch bán xăng E5 nếu không được hỗ trợ

Chi phí sản xuất và phân phối xăng E5 khá cao trong khi hiệu quả kinh doanh thấp do người tiêu dùng thờ ơ với sản phẩm này khiến kế hoạch triển khai bán xăng E5 ở các thành phố lớn gặp khó khăn.
Nguy cơ phá sản kế hoạch bán xăng E5 nếu không được hỗ trợ ảnh 1Người dân đổ xăng E5 Ron 92 tại cây xăng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến hạn 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các thành phố lớn thực hiện bán xăng E5, tuy nhiên, việc triển khai bán sản phẩm này vẫn đang rất bế tắc.

Qua khảo sát tại Hà Nội, người dân vẫn chưa thực sự ưa chuộng sản phẩm xăng E5. Nguyên nhân được đưa ra chủ yếu vẫn nằm ở yếu tố giá chưa đủ hấp dẫn, băn khoăn về tính an toàn của xăng E5 cũng như người tiêu dùng khó tìm thấy các cây xăng bán loại sản phẩm này.

Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ngoài yếu tố về thị hiếu người tiêu dùng, kích cầu về giá... thì hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phân phối xăng E5 đang gặp nhiều khó khăn.

“Nếu nhà nước không có những giải pháp để hỗ trợ kịp thời, chủ trương bán xăng E5 trên toàn quốc và đặc biệt, tại các tỉnh thành lớn có nguy cơ phá sản,” ông Ruệ nói.

Ông Ruệ cho rằng, để doanh nghiệp triển khai rộng rãi việc bán sản phẩm xăng E5, trước tiên, phải tổ chức lại hệ thống sản xuất ethanol, không thể để giá sản xuất cao, sản xuất nhỏ lẻ không đáp ứng đủ nguồn cung cho các doanh nghiệp phối trộn; có ưu đãi để giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản xuất ethanol để cạnh tranh với ethanol nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách để xăng E5 có giá thấp hơn xăng khoáng. Bây giờ đang thấp hơn 500 đồng, thì phải thấp hơn nữa, khoảng 900-1.000 đồng/lít, để khuyến khích người tiêu dùng chấp nhận.

Ở khâu pha trộn, phân phối, Việt Nam có khoảng 10 nhà máy sản xuất ethanol, phối trộn với xăng thường. Nhưng hiện nhiều công ty đang trong tình trạng dừng hoặc đứng trước thềm phá sản.

Ông Phan Thế Ruệ lý giải, chi phí để sản xuất ra sản phẩm xăng E5 cao, các doanh nghiệp phải tiến hành phối trộn, mua thiết bị phối trộn, trong khi đó, xăng khoáng thì không phải làm những công đoạn này. Do vậy, về yếu tố chi phí sản xuất là cao hơn.

Về phân phối, khi doanh nghiệp đưa xăng E5 vào bán, họ phải xây dựng trạm, cột chứa, bồn bơm..., nhưng vấn đề khó khăn ở đây là sẽ làm tăng chi phí doanh nghiệp và diện tích mặt bằng...

Theo ông Ruệ: “Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... thì việc cải tạo cây xăng để bán xăng thường sang E5 là cực kỳ khó. Vì mặt bằng là không có, trong khi doanh nghiệp phải chôn bồn xăng E5 riêng, cột bán hàng riêng, hoặc phải xây mới... Chính vì hiệu quả kinh doanh thấp, đầu tư lớn nên việc triển khai bán xăng E5 chậm chạp.”

Ngoài ra, vấn đề về vùng nguyên liệu cho việc sản xuất ethanol cũng gặp khó khăn. Ông Ruệ cho rằng, phải có chính sách cụ thể để tái khởi động, việc trồng và mở rộng vùng nguyên liệu sắn sản xuất ethanol, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.

“Quan trọng hơn cả, nhà nước phải có các hỗ trợ, giúp doanh nghiệp trong việc xây dựng các cơ sở pha trộn, khuyến khích xây dựng các trạm bán xăng E5. Không chỉ Chính phủ mà các địa phương phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, hạ tầng xây dựng. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì chủ trương bán xăng E5 là khó thành công,” ông Ruệ nói.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu; trong đó, đề xuất công thức tính giá cơ sở riêng với xăng E5 với các chi phí đầu vào để tính sẽ thấp hơn các mặt hàng xăng dầu khác. Đây được xem là động thái có thể giúp giãn khoảng cách giữa giá xăng E5 và các loại xăng khác...

Để đảm bảo đúng lộ trình đề ra theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012, Chính phủ yêu cầu 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến ngày 1/6/2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5.

Các tỉnh thành phố trực thuộc khác, đến 1/6 đạt tối thiểu 50% cửa hàng bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục