Hàng loạt cuộc tuần hành của những phần tử cực đoan tại Đức trong thời gian qua đang khiến cả châu Âu lo ngại.
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và kỳ thị sắc tộc đang quay trở lại châu Âu và có nguy cơ trở thành hiểm họa đối với hòa bình và ổn định của thế giới.
Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào một cuộc đấu tranh khốc liệt về chính trị, ngoại giao và kinh tế nhằm duy trì tương lai của đồng tiền chung châu Âu.
Sự suy giảm kinh tế kéo theo nạn thất nghiệp tràn lan, trong khi số người nhập cư vào lục địa già liên tục gia tăng khiến những người trẻ tuổi càng dễ gia nhập vào các nhóm dân tộc cực đoan và bài xích người nhập cư.
Điều đáng lo ngại hơn là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tư tưởng kỳ thị chủng tộc chính là nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa phátxít hiếu chiến, tàn bạo.
Dù phátxít Đức đã bị đánh bại gần 7 thập kỷ trước, nhưng những mầm mống của chủ nghĩa phátxít mới đang có nguy cơ xuất hiện trở lại.
Nguy cơ hiển hiện rõ nhất tại Đức - cái nôi của chủ nghĩa phátxít trước đây. Vào mỗi tối thứ Hai hàng tuần, hàng nghìn đối tượng thuộc AfD - một đảng nhỏ theo xu hướng chống liên kết châu Âu, đều tổ chức các cuộc diễu hành, vẫy quốc kỳ Đức và hô các khẩu hiệu chống người Hồi giáo và những người nhập cư.
Từ đầu tháng 12 vừa qua, cả nước Đức lại "rúng động" bởi một loạt cuộc tuần hành quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn thành viên của phong trào mới có tên PEGIDA.
Phong trào này không chỉ quy tụ các đảng cực hữu mà còn lôi kéo nhiều người trước đây chưa từng có tư tưởng chống Hồi giáo và bài ngoại. Theo ước tính, khoảng 20.000 phần tử cực hữu đang hoạt động ở Đức, trong đó 25% là những phần tử phátxít mới.
Giới quan sát thừa nhận sự xuất hiện của PEGIDA có thể so sánh với các phong trào bài xích người nước ngoài tại Pháp, Hà Lan, Áo và Hy Lạp.
Nhiều nhà phân tích chính trị cảnh báo nhóm PEGIDA sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm nếu nó kích động được bản năng hung hăng và coi thường pháp luật của đám đông những đối tượng cực đoan có tư tưởng hẹp hòi.
Không chỉ tại Đức mà ở nhiều quốc gia châu Âu khác, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, xã hội rối ren, số người nhập cư ngày càng tăng thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan được một bộ phận không nhỏ dân chúng ủng hộ.
Tại Ba Lan, những phần tử dân tộc cực đoan muốn học theo phong trào Jobbik, hiện là đảng lớn thứ 3 ở Hungary và có “chân” trong Quốc hội nước này sau các cuộc biểu tình tại Budapest.
Cùng với Hungary, việc các đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia ở Pháp và Bình minh Vàng ở Hy Lạp có “chân” trong nghị viện các nước này, thậm chí là Nghị viện châu Âu, càng khiến dư luận thêm lo lắng.
Tình hình bất ổn tại Ukraine trong năm 2014 cũng có sự tiếp tay không nhỏ của các phần tử dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phátxít mới.
Hai đảng Cánh hữu (Right Sector) và Tự do (Svoboda) mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đang có tiếng nói ngày càng lớn đối với chính quyền ở Kiev.
Sau khi tham gia cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống V.Yanukovych hồi tháng Hai năm nay, những phần tử cực hữu này đã được chính quyền thân phương Tây ở Ukraine coi như người hùng. Thủ lĩnh đảng Cánh hữu còn khẳng định muốn đưa đảng này trở thành một đảng lớn tại Ukraine.
Việc các phong trào cực hữu ngày càng phát triển ở nhiều nước Đông Âu còn do Mỹ và phương Tây muốn sử dụng các lực lượng này làm công cụ thực hiện chính sách chống lại Nga.
Tổng Thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Lamberto Zannier thừa nhận rằng tình trạng đối đầu Nga - phương Tây đang tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở châu Âu.
Trong khi đó, nhiều người Do Thái cũng trở thành mục tiêu của các vụ tấn công bạo lực. Rất nhiều nhà thờ, cửa hiệu kinh doanh của người Do Thái ở Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy đã bị đốt.
Điển hình là vụ một tay súng người Pháp gốc Algeria Mehdi Nermmouche xả súng giết chết 4 người Do Thái ngay trước cửa Bảo tàng Do Thái ở Brussels hồi tháng Năm vừa qua.
Những lời cảnh báo về một sự hồi sinh của khuynh hướng chính trị cực hữu ở châu Âu không bao giờ thừa.
Thông qua những diễn đàn trên mạng Internet và các trang mạng xã hội, các phần tử cựu hữu và bài ngoại đang hàng ngày kết nối với nhau và tung ra những lời hiệu triệu sặc mùi hận thù và đầy kỳ thị.
Vì thế, hơn bao giờ hết châu Âu và thế giới cần cảnh giác trước mầm mống nguy hiểm này và sớm có giải pháp hữu hiệu./.