Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, đại dịch COVID-19 đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trên thế giới và tại châu Âu, các biến thế mới của virus SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19 có khả năng lây nhiễm nhanh và khiến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) xem xét khả năng đóng cửa biên giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể mới từ Anh đã lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ và biến thể từ Nam Phi lan sang 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thống kê của hãng tin AFP (Pháp) ngày 27/1 cho thấy thế giới ghi nhận kỷ lục mới về số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ là trên 18.000 ca. Cũng theo AFP, từ ngày 20 - 26/1, thế giới ghi nhận 101.366 ca tử vong vì COVID-19, được cho là tuần tang thương nhất kể từ đầu đại dịch cho tới nay.
Tại EU, trong số 23 quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus trên 3% dân số, 7 quốc gia bao gồm Pháp, Đức, Ireland, Malta, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Tây Ban Nha có dấu hiệu tăng mạnh số ca nhiễm so với tuần trước đó. Trong 1 tuần, số ca nhập viện mới vì COVID-19 đã tăng cao (trên 25% so với đỉnh điểm trong đợt dịch trước). Trong tuần đầu tiên của năm 2021, số ca tử vong tại châu Âu đã tăng và phần lớn ở độ tuổi trên 45.
Hiện Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã nâng mức độ nghiêm trọng do nguy cơ lây lan cộng đồng của các biến thể mới ở EU lên mức rất cao. EU tăng cường các quy định nghiêm ngặt về đi lại trong khối nhằm kiểm soát dịch bệnh.
[WHO: Vẫn còn quá sớm để nới lỏng các lệnh phong tỏa ở châu Âu]
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nước thành viên EU tiếp tục đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-Cov-2, đặc biệt là quy định về hạn chế du lịch và đi lại giữa các quốc gia trong khối.
Ngày 28/1, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết nước này đang chuẩn bị cấm nhập cảnh đối với những hành khách từ các nước Anh, Bồ Đào Nha, Brazil và Nam Phi để hạn chế biến thể mới của virus. Tuy nhiên, theo các biện pháp hạn chế đang được Chính phủ Đức thảo luận, hoạt động vận chuyển hàng hóa và vật tư y tế sẽ không bị ảnh hưởng.
Hiện Đức và Hà Lan đang duy trì lệnh phong tỏa, trong khi nước Bỉ phong tỏa một phần và cấm người dân đi du lịch nước ngoài với lý do không thiết yếu. Nhiều nước châu Âu cũng đề ra quy định về xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và thực hiện cách ly đối với những người đi về từ vùng dịch cũng như đối với những người nước ngoài nhập cảnh vào nước họ.
Như Chính phủ Pháp quy định kể từ ngày 25/1, các du khách từ khu vực Schengen muốn vào Pháp phải mang theo kết quả xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 âm tính được thực hiện trong khoảng thời gian dưới 72 giờ.
Cùng ngày, Thụy Điển cũng đã ra lệnh cấm trong 3 tuần đối với việc đi lại từ Na Uy sau khi xuất hiện một ổ dịch do biến thể của virus từ Anh gần thành phố Oslo. Thụy Điển cũng đề ra biện pháp tương tự đối với Anh và Đan Mạch.
Nhằm tránh tình huống xấu hơn có thể xảy ra cũng như tránh việc đóng cửa đường biên giới nội khối, Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị các nước thành viên thiết lập các biện pháp mới trong việc kiểm soát đi lại tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng của đại dịch.
Người dân tại một số quốc gia EU đã bắt đầu mất kiến nhẫn và phẫn nỗ trước tình hình dịch bệnh kéo dài và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của các chính phủ. Do vậy, tuần qua đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình liên tiếp, thậm chí đã dẫn tới bạo loạn, tại Hà Lan, Tây Ban Nha, nhiều cuộc biểu tình tuần hành tại Đan Mạch và mầm mống bất tuân dân sự tại Pháp khi mà chính phủ nước này dự kiến sẽ tái phong tỏa lần 3, và dự kiến biểu tình tại Bỉ vào cuối tuần này.
Trước những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 như vậy, hiện vẫn còn nhiều điều giới y học thế giới chưa chắc chắn về các biến thể mới của virus, chẳng hạn như các biến thể này ảnh hưởng tới các nhóm tuổi, khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hơn nữa, việc vắcxin có bị mất tác dụng dưới các biến thể mới này hay không, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi./.