Khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính là nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu, đó là nhận định chung của các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tháng 1/2020.
Thông tin trên là kết quả cuộc khảo sát công bố ngày 1/10, mặc dù mức độ đánh giá của các doanh nghiệp không hoàn toàn đồng nhất.
Theo các lãnh đạo doanh nghiệp, khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ là mối rủi ro hàng đầu trong 10 năm tới, tiếp theo đó là các cuộc tấn công mạng và tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Đối với các doanh nghiệp ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, các cuộc tấn công mạng được coi là mối quan tâm lớn thứ hai sau khủng hoảng tài chính.
[Cựu Tổng Giám đốc IMF: Tăng trưởng toàn cầu 'mong manh và bị đe dọa']
Trong khi đó, khu vực Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương, các doanh nghiệp lại quan ngại hơn về các rủi ro đối với môi trường - vốn đã được xác định là thảm họa thiên tai, đặc biệt là vấn đề khủng hoảng nước sinh hoạt.
Cuộc khảo sát trên được thực hiện đối với 12.897 lãnh đạo doanh nghiệp từ 133 quốc gia trên thế giới.
Ông Emilio Granados-Franco, người đứng đầu chương trình nghị sự về các nguy cơ trên toàn cầu và tình hình địa chính trị tại WEF cho biết: "Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có vẻ mong manh, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rất quan tâm đến khả năng phục hồi tài chính của chính phủ. Trong khi đó, các mối đe dọa về an ninh mạng vẫn là một rủi ro lớn, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mức độ thiệt hại nghiêm trọng của vấn đề này"./.