Thời gian gần đây, tình hình cháy ở chung cư, nhà cao tầng trên cả nước diễn biến phức tạp, xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Trước tình hình đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công an và Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra đột xuất các nhà chung cư, nhà cao tầng tại 7 tỉnh, thành phố; qua đó phát hiện nhiều tồn tại, bất cập, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Lực lượng Công an các địa phương cũng đã kiểm tra, rà soát xử lý các cơ sở vi phạm bằng hình thức tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên một số cơ sở không chấp hành quyết định, vẫn cố tình hoạt động.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã dùng nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm do các văn bản pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa có nội dung quy định cụ thể về cưỡng chế đối với những trường hợp này.
Qua thống kê, rà soát, toàn quốc hiện có 259.128 cơ sở, công trình, trong đó có 104.514 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (40,3%).
Tỷ lệ cơ sở, đặc biệt là các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ tập trung không đồng đều tại các địa phương, chủ yếu tại các tỉnh, thành phố phát triển về kinh tế-xã hội, cụ thể: Hà Nội có 8.235 cơ sở; Thành phố Hồ Chí Minh có 12.449 cơ sở.
Thực hiện Công điện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công an và Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra đột xuất đối với các nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng và các cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy, nổ cao tại 7 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Qua đó, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 272 tồn tại, vi phạm của cơ sở và kịp thời kiến nghị khắc phục, lập 14 biên bản vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức với tổng số 45 lỗi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Cũng trong đợt cao điểm, Công an các đơn vị địa phương đã tiến hành kiểm tra 87.178 lượt cơ sở, qua kiểm tra đã phát hiện 109.116 tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; lập 4.360 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số 5.308 lỗi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt qua kiểm tra đã tạm đình chỉ hoạt động đối với 1.197 trường hợp, đình chỉ hoạt động đối với 666 trường hợp cơ sở hoặc hạng mục, bộ phận của công trình vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Qua công tác rà soát, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện một số lỗi vi phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng hiện nay.
Công tác quy hoạch đô thị tại các tỉnh, thành phố lớn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết quy hoạch phát triển của địa phương với quy hoạch tổng thể về phòng cháy, chữa cháy.
Do đó, không bảo đảm về điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước và các điều kiện kỹ thuật khác phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy.
Nhiều chủ đầu tư lợi dụng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của địa phương, tự ý thay đổi thiết kế trong quá trình thi công, cắt giảm chi phí đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy, lắp đặt trang thiết bị chất lượng thấp, tuổi thọ hoạt động không cao.
Tồn tại nhiều cơ sở được xây dựng và đưa vào sử dụng trước năm 2001 (thời điểm Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực) không bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Những công trình này đã được xây dựng từ lâu, đang trong tình trạng xuống cấp.
Đặc biệt, một số công trình nhà ở xã hội, nhà tái định cư do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quản lý tồn tại rất nhiều vi phạm về phòng cháy, chữa cháy nhưng rất khó khăn, chậm trễ để sửa chữa, khắc phục do thiếu nguồn kinh phí.
Tại nhiều nhà chung cư, công trình cao tầng có tình trạng buông lỏng trong quản lý, vận hành, bảo dưỡng, duy trì hoạt động các hệ thống kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy còn diễn ra phổ biến, nhất là các công trình xây dựng trước năm 2005 (Luật nhà ở có hiệu lực thi hành) không có nguồn kinh phí bảo trì tòa nhà.
Cần thiết có cơ chế xử lý vi phạm phòng cháy, chữa cháy hiệu quả hơn
Thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương trên cả nước, một số cơ sở đã bị cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đình chỉ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP nhưng không chấp hành quyết định, vẫn cố tình hoạt động.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã dùng nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm do các văn bản pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa có nội dung quy định cụ thể về cưỡng chế đối với những trường hợp này.
Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ có quy định cụ thể về biện pháp xử lý, cưỡng chế các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã bị đình chỉ những vẫn hoạt động.
Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì các hội nghị để đánh giá lại công tác phòng cháy, chữa cháy trên toàn quốc, từ đó đưa ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Trước các sai phạm, lực lượng chức năng đã tiến hành đình chỉ, tạm đình chỉ, hoặc cưỡng chế hoạt động của các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, khó khăn nhất là khung pháp lý cho cưỡng chế, vấn đề này liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
"Rất cần thiết ban hành các khung pháp lý rất rõ ràng cho lĩnh vực này để công tác đình chỉ, tạm đình chỉ, cưỡng chế vi phạm đạt hiệu quả cao," Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đề nghị trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ sớm ban hành chỉ thị về công tác phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư; phê bình các bộ, ngành, địa phương có nhiều sai phạm, để xảy ra cháy lớn cũng như nhiều tồn tại chậm khắc phục tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh mong muốn Bộ Công an phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa tiêu chí an toàn phòng cháy, chữa cháy trở thành một nội dung để xem xét, đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương trong cả nước./.