Nguy cơ gia tăng dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết

Chiều 10/3, Bộ Y tế vừa có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.
Nguy cơ gia tăng dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết ảnh 1Phun thuốc tiêu diệt bọ gậy - tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 10/3, Bộ Y tế vừa có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong hai tháng đầu năm, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận số  người bị mắc bệnh tăng tại các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau. Bệnh tay chân miệng ghi nhận số người bị mắc tăng tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngay từ đầu mùa dịch.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm 2015 đến cuối tháng Hai, cả nước ghi nhận 5.263 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 38 tỉnh, thành phố, trong đó có ba trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp (1), Đồng Nai (1), Long An (1). So với cùng kỳ năm 2014, số mắc tăng 27%, tử vong tăng hai trường hợp.

Tích lũy từ đầu năm 2015 đến cuối tháng Hai, cả nước ghi nhận 5.333 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp (1), Hậu Giang (1). So với cùng kỳ năm 2014 (5.999/0) số mắc cả nước giảm 11%, tử vong tăng một trường hợp.

Tiến sỹ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay cả thành phố ghi nhận gần 230 trẻ mắc tay chân miệng, chủ yếu từ 1-3 tuổi. So với cùng thời kỳ năm ngoái số mắc tăng nhẹ nhưng đã giảm rất nhiều so với giai đoạn dịch bùng phát.

Theo ông Cảm, đa phần các trường hợp mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ, hiện chỉ còn 26 trẻ đang nằm viện điều trị. Bệnh ghi nhận tản phát, không có ổ dịch tập trung.

Để chủ động phòng chống, kiên quyết không để dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch.

Các đơn vị cần tổ chức diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay từ đầu năm và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch theo chỉ định của ngành y tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý triệt để ổ dịch; Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống.

Các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có đông bệnh nhân và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Theo công điện, ngành giáo dục và đào tạo cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo; Yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng...

Các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ tuyến dưới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp, khắc phục các tồn tại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch bệnh.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục