Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 - cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu qua biển Baltic - có thể tạm ngưng hoạt động do các vấn đề trong quá trình sửa chữa các tuabin tại Canada.
Thông tin trên được Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU), ông Vladimir Chizhov, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti ngày 16/6.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc giảm nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu trong thời gian gần đây không phải được lên kế hoạch từ trước mà xuất phát từ các vấn đề liên quan việc bảo dưỡng tuabin do các lệnh trừng phạt.
Trước đó, ngày 14/6, tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga thông báo đã giảm nguồn cung khí đốt qua Đức từ 167 triệu mét khối (mcm)/ngày xuống 100 triệu mét khối/ngày, do thiết bị được gửi đi để sửa chữa bị hoàn trả chậm.
[Gazprom giảm thêm lượng khí đốt bơm qua Dòng chảy phương Bắc]
Nguồn cung khí đốt từ nước này sang châu Âu tiếp tục giảm thêm trong ngày 16/6. Điều này làm dấy lên quan ngại về nguồn dự trữ khí đốt cho mùa Đông, đồng thời gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao khi Gazprom cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây cản trở hoạt động bảo trì.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại thành phố St Petersburg, Thống đốc vùng Murmansk (Nga), ông Andrey Chibis, cho biết Nga đang cân nhắc xuất khẩu dầu thô qua cảng Murmansk, miền Bắc nước này, trong trường hợp các tuyến xuất khẩu khác bị hạn chế.
Quan chức này nhấn mạnh theo yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin, những phương án khả dụng đều đã được vạch ra. Do đó, nếu có thêm các biện pháp hạn chế, nhiều khả năng Murmansk sẽ có thể trở thành một cửa ngõ xuất khẩu dầu mỏ. Hải cảng này có sức chứa tới 30 triệu tấn dầu thô mỗi năm.
Trước đó, trong tháng Năm vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt một lệnh cấm vận mới đối với việc nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu của Nga.
Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực hoàn toàn vào cuối năm nay.
Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đều tiếp nhận dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba và nhập khoảng 10% trong tổng lượng dầu nhập khẩu tạm thời được miễn cấm vận.
Trong khi đó, Đức và Ba Lan cho biết hai quốc gia này cũng sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga, bao gồm cả nguồn cung từ đường ống dẫn dầu, vào cuối năm nay./.