Hãng chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) có thể đối mặt với nguy cơ đình công trong ngày 12/9 theo giờ địa phương nếu phần lớn công nhân nhà máy tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương bỏ phiếu ủng hộ ngừng làm việc và từ chối thỏa thuận sơ bộ với hãng.
Khoảng 30.000 công nhân sản xuất máy bay 737 MAX, 767 và 777 của Boeing tại Portland, Oregon, và khu vực Seattle sẽ bỏ phiếu về hợp đồng toàn diện đầu tiên trong 16 năm qua.
Một nhà đàm phán chủ chốt của nghiệp đoàn cho biết nhiều công nhân không hài lòng về thỏa thuận sơ bộ với Boeing vì họ muốn tăng lương lớn hơn và những cải thiện khác.
Tuy nhiên, quyết định đình công vẫn còn chưa rõ ràng. Theo nghiệp đoàn, thỏa thuận sơ bộ với Boeing sẽ được thông qua, trừ khi 2/3 số phiếu ủng hộ đình công.
Theo một báo cáo từ ngân hàng đầu tư TD Cowen, một cuộc đình công kéo dài 50 ngày có thể khiến Boeing thiệt hại từ 3-3,5 tỷ USD.
Cuộc đình công gần đây nhất của công nhân Boeing vào năm 2008 đã làm các nhà máy ngừng hoạt động trong 52 ngày và ảnh hưởng đến doanh thu khoảng 100 triệu USD/ngày.
Boeing đang gánh khoản nợ gần 60 tỷ USD và đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý và khách hàng, sau các sự cố về an toàn gần đây. Giá cổ phiếu của Boeing đã giảm 36,5% từ đầu năm đến nay.
Ngày 9/9, Boeing và Hiệp hội quốc tế thợ máy và nhân viên hàng không (IAM) - một trong những nghiệp đoàn lớn nhất của hãng, đại diện cho hơn 32.000 công nhân tại Tây Bắc Thái Bình Dương đã công bố thỏa thuận mới có thời hạn 4 năm.
Thỏa thuận bao gồm các cam kết của Boeing về mức tăng lương chung là 25% và triển khai chương trình sản xuất máy bay thương mại ở khu vực Seattle trong thời gian của thỏa thuận.
Tuy nhiên, thỏa thuận cũng đang gây tranh cãi khi nhiều lao động muốn Boeing giữ mức tăng lương 40% và khôi phục lại kế hoạch lương hưu theo chế độ phúc lợi xác định - điều khoản mà 10 năm trước nghiệp đoàn đã miễn cưỡng phải từ bỏ.
Ông Jon Holden, thành viên của IAM và là người đàm phán chính về thỏa thuận với Boeing, cho biết vẫn không rõ liệu khi bỏ phiếu vào ngày 12/9, các thành viên của IAM sẽ chấp nhận thỏa thuận hay kêu gọi đình công.
Ông cũng đánh giá đây là thỏa thuận tốt nhất mà IAM có thể đạt được với Boeing. Nếu IAM bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận và quyết định đình công, đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào tân Tổng Giám đốc điều hành của Boeing Kelly Ortberg - người vừa nhậm chức vào tháng trước trong bối cảnh hãng này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chất lượng và sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý sau các sự cố về an toàn máy bay./.
Boeing đạt thỏa thuận sơ bộ ngăn nghiệp đoàn đình công tại Seattle
Boeing và Hiệp hội quốc tế thợ máy và nhân viên hàng không (IAM), đại diện cho hơn 30.000 nhân viên, cho biết đã cùng nhất trí về việc tăng lương 25% trong suốt thời gian hợp đồng sơ bộ có hiệu lực.