Theo AP/TNHK, những tin tức tình báo đang làm dấy lên lo ngại về việc Nga chuẩn bị cho một cuộc chiến tại biên giới với Ukraine.
Bắt đầu từ thông tin trên The Washington Post đăng tải. AP sau đó dẫn lời một quan chức chính quyền ông Biden (từ chối tiết lộ danh tính) chia sẻ thông tin tình báo ước tính Nga đang lên kế hoạch triển khai tới 175.000 quân, và khoảng một nửa trong số này đã được triển khai dọc biên giới với Ukraine.
Các tin tức này được tiết lộ trong bối cảnh Nga nhấn mạnh yêu cầu đối với chính quyền Biden đảm bảo Ukraine sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo quan chức Mỹ, các kế hoạch mà Nga cân nhắc đã tính đến việc triển khai khoảng 100 tiểu đội chiến thuật được trang bị áo giáp, đạn pháo và trang thiết bị.
Giới chức tình báo cũng ghi nhận sự gia tăng trong các nỗ lực tuyên truyền của Nga thông qua việc sử dụng các kênh ủy nhiệm và các phương tiện truyền thông để chỉ trích Ukraine và NATO.
Các quan chức Mỹ và cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng dù Tổng thống Putin rõ ràng đang chuẩn bị một cuộc tấn công tiềm tàng, song phải thừa nhận quân đội Ukraine ngày nay được trang bị và có sự chuẩn bị tốt hơn so với những năm trước, và các lệnh trừng phạt mà phương Tây đe dọa sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, chưa rõ nhà lãnh đạo Kremlin có ý định thực hiện một cuộc tấn công mà họ cho là rất mạo hiểm hay không.
[Những diễn biến mới trong cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine]
Trong khi đó, giới chức Ukraine cảnh báo Nga có thể tiến hành một cuộc xâm lược ngay trong tháng tới. Phát biểu trước Quốc hội Ukraine hôm 3/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov dẫn thông tin tình báo cho biết Nga đã điều hơn 94.000 quân đến gần biên giới Ukraine và có thể chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn vào cuối tháng 1/2022.
Ông Reznikov khẳng định Ukraine sẽ không làm bất cứ điều gì để kích động tình hình, nhưng sẵn sàng đánh trả nếu Nga tấn công.
Trước đó, giới chức Ukraine bác bỏ ý định giành lại các khu vực nổi dậy bằng vũ lực. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Stockholm hôm 2/12 rằng “hai bên đang hợp tác chặt chẽ để phát triển gói các biện pháp răn đe toàn diện, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt về kinh tế mạnh mẽ để hạn chế Nga khỏi các động thái gây hấn hơn nữa.”
Kuleba cho biết ông đã trao đổi với Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell về việc đẩy nhanh triển khai các biện pháp trừng phạt hiệu quả về kinh tế đối với Nga nếu Moskva quyết định khởi động tiến trình xâm lược chống lại Ukraine.
Theo Dmytro Kuleba, Hội đồng châu Âu (EC) cũng đã phê duyệt hỗ trợ khoản hỗ trợ trị giá 31 triệu euro để giúp Ukraine tăng cường năng lực của lực lượng vũ trang trong y tế, kỹ thuật, hoạt động rà phá bom mìn, cơ động, hậu cần và an ninh mạng. Ông nói: “Chúng tôi đánh giá cao bước đi này nhằm tái khẳng định mối quan hệ chiến lược Ukraine-EU.”
Ukraine và các đồng minh NATO đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hoạt động của Nga gần biên giới Ukraine trong năm nay, làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột âm ỉ ở miền Đông Ukraine có thể bùng phát thành chiến tranh.
Ukraine đã kêu gọi Liên minh châu Âu và các đồng minh NATO trong tuần này chuẩn bị một loạt lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm răn đe Nga phát động tấn công. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/12 cảnh báo Moskva rằng Nga sẽ phải trả “giá đắt” nếu tiếp tục leo thang, đồng thời thúc giục người đồng cấp Nga tìm một lối thoát ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh “nếu Nga quyết định theo đuổi đối đầu thì họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng,” và “cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng là thông qua ngoại giao.”
Về phía mình, Moskva tiếp tục cáo buộc Ukraine và Mỹ có hành vi gây bất ổn, đồng thời tỏ ý rằng Ukraine có thể đang chuẩn bị thực hiện cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine, điều mà các nhà chức trách Ukraine mạnh mẽ phủ nhận.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng “hành động khiêu khích ngày càng gia tăng và mạnh mẽ của chính quyền Ukraine” làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát các hành động thù địch.
Ông Peskov cho biết những tuyên bố gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và các quan chức khác cho thấy “giới lãnh đạo Ukraine không loại trừ một kịch bản sử dụng vũ lực.”
Trong khi đó, Denis Pushilin - người đứng đầu cộng hòa ly khai tự xưng ở Donetsk - phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng ông có thể sẽ yêu cầu Moskva hỗ trợ nếu khu vực này đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine.
Trong bối cảnh Mỹ, Nga và Ukraine đang không ngừng cáo buộc lẫn nhau, Điện Kremlin thông báo ngày 7/12, nguyên thủ hai nước sẽ có một cuộc điện đàm. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bình luận: “Đây chắc chắn sẽ là một cơ hội để thảo luận về những mối quan tâm nghiêm túc của chúng tôi về những phát biểu khoa trương, về việc triển khai quân đội ở biên giới Ukraine.”
Tổng thống Biden không nói chi tiết những hành động mà ông cân nhắc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đã gặp Ngoại trưởng Antony Blinken ngày 2/12 tại Thụy Điển, cho biết Mỹ đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga không nói rõ về các đòn trừng phạt của Mỹ, song tuyên bố nỗ lực này sẽ không hiệu quả, nhấn mạnh Nga “sẽ đáp trả” quyết liệt những động thái này.
Ông Psaki cho biết chính quyền Mỹ sẽ tìm cách phối hợp với các đồng minh châu Âu nếu triển khai các biện pháp trừng phạt. Theo ông Psaki, những ký ức cay đắng về việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, bán đảo nằm ở Biển Đen thuộc sự kiểm soát của Ukraine kể từ năm 1954, luôn hiện hữu khi Nhà Trắng cân nhắc lộ trình quan hệ và đối phó với Nga.
Ngoại trưởng Blinken cho biết ông đã nói rõ với Điện Kremlin rằng Mỹ sẽ có những động thái kiên quyết, bao gồm cả một loạt biện pháp kinh tế có tác động lớn mà Mỹ đã kiềm chế sử dụng trong quá khứ.
Theo AP, dù không nêu chi tiết, song các các biện pháp đang được cân nhắc, có thể là loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc hồi tháng 4 để loại Nga khỏi SWIFT nếu quân đội Nga tiến vào Ukraine. Động thái này sẽ ngăn các doanh nghiệp Nga tham gia hệ thống tài chính toàn cầu.
Các đồng minh phương Tây của Mỹ được cho là đã có bước đi tương tự vào năm 2014 và 2015, trong giai đoạn đầu những căng thẳng leo thang liên quan đến vấn đề Ukraine. Thủ tướng Nga khi đó là Dmitry Medvedev cho rằng hành động này tương đương với “một lời tuyên chiến.”
Tuy nhiên, một số quan chức chính phủ Mỹ nói rằng ông Putin cũng có thể đang tìm kiếm sự chú ý và nhượng bộ từ ông Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác, dùng leo thang quân sự để đưa Nga trở lại vai trò trung tâm trong các vấn đề thế giới như thời Liên Xô. John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, bình luận: “Một cuộc xâm lược là có thể xảy ra, nhưng nhiều khả năng là họ đang kích động khủng hoảng để nhận được sự nhượng bộ từ chúng tôi, và sau đó sẽ hạ nhiệt... Tôi nghĩ, đó có lẽ là mục tiêu của họ”./.