Nguy cơ cháy rừng cao

Nguy cơ cháy rừng rất cao ở Tây Nguyên và Nam Bộ

Do thời tiết khô hanh kéo dài, hiện đã có 12 khu vực bị cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V) ở Tây Nguyên và Nam Bộ.
Theo tin từ Cục Kiểm lâm, do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nên tính đến thời điểm này đã có 12 khu vực có nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V) ở Tây Nguyên và Nam Bộ; 7 khu vực có nguy cơ cháy cấp nguy hiểm (cấp IV).

Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.

Các khu vực có nguy cơ cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm gồm rừng toàn tỉnh Đăk Nông, Long An và Tây Ninh; Khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Khu vực Lộc Ninh, Bù Đăng, Phước Long, Bình Long, Đồng Phú, tỉnh Bình Phước; Khu vực Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; Khu vực Buôn Đôn, Ea H'leo, Ea Súp, Lắk, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; Khu vực Chư Păh, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Krông Pa, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; Khu vực Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Khu vực Đắc Hà, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Sa Thầy, thị xã Kon Tum, Kon Tum; Khu vực Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Các khu vực có nguy cơ cháy ở cấp IV, cấp nguy hiểm gồm rừng toàn tỉnh Cà Mau và Đồng Tháp; Khu vực Lục Nam, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; Khu vực Long Điền, Tân Thành, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Khu vực Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; Khu vực Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; Khu vực Như Xuân, Như Thanh, Tĩnh Gia, Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Do đó, ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo về và phát triển rừng Cao Đức Phát đã có Công điện khẩn số 06/CĐ-BNN-TCLN về việc phòng cháy, chữa cháy rừng gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công điện cảnh báo tình trạng nắng nóng, khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao tại nhiều địa phương, tập trung các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum... gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng.

[TP Hồ Chí Minh: Cháy rừng phòng hộ rộng trên 30ha]

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới tình trạng nắng nóng, khô hạn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai ngay các biện pháp chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo Chỉ thị số 270/2010/CT-TTg ngày 12/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Các địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư và các tổ chức trên địa bàn. Tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng hay trên diện tích quy hoạch phát triển lâm nghiệp.

Trong thời kỳ khô hạn cần quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy theo quy hoạch.

Việc kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở  cần triển khai theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức thường trực 24/24 giờ trong mỗi ngày; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.

Các địa phương thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo sớm của Tổng cục Lâm nghiệp tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng.

Báo cáo ngay khi phát sinh cháy rừng về Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo số điện thoại: 098 666 8 333 để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cháy lớn./.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục