Nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương tăng lên mức nguy hiểm

Trong thời gian qua, tình hình khô hạn diễn ra ở nhiều địa phương khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng thường ở mức cao, cấp bốn, cấp năm (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy ở Vườn chim Bạc Liêu. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gần đây một số vụ cháy rừng nghiêm trọng đã xảy ra ở các tỉnh Gia Lai (ngày 23/3/2015), tỉnh Yên Bái tại huyện Trạm Tấu (ngày 20/3/2015) và huyện Mù Cang Chải (ngày 2/4/2015), làm thiệt hại hàng chục hécta rừng.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, tình hình khô hạn diễn ra ở nhiều địa phương khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng thường ở mức cao, cấp bốn, cấp năm (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm) mặc dù các địa phương đã tích cực và chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và của Cục Kiểm lâm cũng cho biết, trong thời gian tới tình trạng nắng nóng, khô hạn tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Do đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có Công điện số 2729/CĐ-BNN-TCLN về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt trong thời điểm khô hạn như hiện nay.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương yêu cầu Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng các cấp, xem công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm của ban chỉ đạo các cấp. Bên cạnh đó, các đơn vị cần rà soát quy chế hoạt động, đảm bảo có sự phân công rõ ràng để tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm của thành viên trong triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.

Mặt khác, các địa phương cần tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng.

Đặc biệt, trong tình hình khô hạn như hiện nay, các đơn vị cơ sở cần chú trọng kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy đúng quy hoạch, quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác. Kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt của các chủ rừng không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đồng thời nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các đám cháy phát sinh ngay từ ban đầu, không để bùng phát thành các đám cháy lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục