Australia có nguy cơ bị Trung Quốc "ghẻ lạnh," khi rất ít đường dây liên lạc giữa chính phủ hai bên được mở ra để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho các bế tắc thương mại và chính trị đang ngày càng leo thang.
Nhà báo Michael Smith của tờ The Australia Financial Review đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Đại sứ Australia đầu tiên tại Trung Quốc, Stephen Fitzgerald.
Trong bài phỏng vấn này, ông Fitzgerald lên tiếng cảnh báo mối quan hệ giữa hai đối tác thương mại thân thiết sẽ trở nên xấu hơn bao giờ hết nếu các kênh liên lạc thông thường của Canberra và Bắc Kinh bị đứt gãy.
Theo ông Fitzgerald quan hệ hai nước sẽ tiếp tục theo xấu đi trừ khi Canberra tìm cách xây dựng lại mạng lưới quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vốn đã bị hao hụt phần lớn kể từ thời của chính quyền cựu Thủ tướng Hawke và Thủ tướng Howard.
Vị cựu quan chức ngoại giao từng có công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao chặt chẽ Australia-Trung Quốc vào những năm 1970 này khẳng định điều đó rất nghiêm trọng.
Không có nhà chính trị nào ở Canberra có khả năng gọi điện thoại và nói chuyện với những người đứng đầu tại Trung Quốc.
Sự sụp đổ trong các mối quan hệ cá nhân và các kênh ngoại giao hậu thuẫn phía sau sẽ khiến quan hệ giữa Australia và Trung Quốc rơi vào tình trạng "lạnh giá."
Theo The Australia Financial Review, vào tháng trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết việc kết nối đàm thoại tùy thuộc vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham than phiền về việc người đồng cấp Trung Quốc đã không "nhấc máy" trả lời cuộc gọi của ông.
Nhưng các nhà quan sát Trung Quốc chỉ ra rằng sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng với cách tiếp cận mang tính dân túy trong những mối quan hệ thương mại và ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã làm tăng tính chất độc đoán trong cách hành xử, khiến mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.
Họ cũng cho rằng những chính phủ kế tiếp gần đây của Australia đều tin rằng sự giàu có của Trung Quốc sẽ dẫn đến chủ nghĩa tự do chính trị và khiến cho Canberra mất cảnh giác.
Bình luận của các nhà quan sát được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương Australia-Trung Quốc đang rơi xuống một mức thấp mới, với việc chính phủ của Thủ tướng Morrison vừa đẩy mạnh các biện pháp chống lại sự can thiệp của Trung Quốc.
Bắc Kinh mới đây nhất đã tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với rượu vang Australia.
Tuần trước, nước này cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ một công ty chế biến thịt của Australia, tiếp sau lệnh cấm với bốn công ty khác vào hồi tháng 5/2020.
Trong khi chính phủ của Thủ tướng Morrison tuyên bố họ sẽ không khuất phục trước sự "bắt nạt" của Bắc Kinh, thì Ngoại trưởng Trung Quốc lại cho biết điều này phụ thuộc vào Australia để đưa mối quan hệ hai bên trở về đúng hướng.
Văn bản trả lời câu hỏi của The Australia Financial Review từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: "Australia phải chịu trách nhiệm về tình huống căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ Trung Quốc-Australia. Ai bắt đầu gây rắc rối, người đó nên kết thúc chúng."
[Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia tiếp tục leo thang]
Nhận định về tình trạng khó khăn hiện nay, ông Fitzgerald chia sẻ khi còn làm việc cùng cựu Thủ tướng Gough Whitlam để thiết lập mối quan hệ với Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, các quan chức ngoại giao Australia đã sử dụng các kênh liên lạc cá nhân để mở ra một kênh làm việc “lối sau” với mục tiêu là tiếp cận được với các quan chức cao cấp.
Ông nói luôn có cách để làm việc với Bắc Kinh, thậm chí ngay cả đó là một chế độ "khó chịu" nhất.
Hiện cả chính phủ lâm thời Australia, lẫn Công đảng đối lập, đều thiếu sự quan tâm chuyên sâu đến Trung Quốc.
Các nguồn tin ở Trung Quốc cho biết trong khi những kênh ngoại giao thông thường tiếp tục được duy trì thì các cuộc hội thoại ở mức chuyên viên lại bế tắc và các quan chức Australia không thể tiếp cận được với các quan chức cao cấp của Trung Quốc.
Tuần trước, Vương Tích Ninh, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Canberra, lên tiếng chỉ trích chính phủ Morrison về việc không tham khảo ý kiến Trung Quốc trước khi kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.
Trung Quốc đã áp dụng các lệnh hạn chế đối với mặt hàng lúa mạch và thịt bò xuất khẩu của Australia, đồng thời cảnh báo khách du lịch và sinh viên không nên đến nước này, kể từ khi lời kêu gọi về cuộc điều tra quốc tế được thực hiện hồi tháng 4/2020.
Cựu Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết mặc dù bà ủng hộ lời kêu gọi về một cuộc điều tra quốc tế, nhưng các quan chức Trung Quốc đã tỏ ra không hài lòng khi các vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ hai bên không được nêu ra trước đó một cách riêng tư.
Bà nói: "Theo kinh nghiệm của tôi, nên có các cuộc thảo luận riêng mạnh mẽ với các quan chức Trung Quốc về tất cả các khía cạnh của mối quan hệ. Họ đã phản ứng rất tệ khi những cuộc thảo luận như vậy diễn ra công khai, đặc biệt là khi chúng chưa được đề cập đến một cách riêng tư trước tiên."
Craig Emerson, cựu Bộ trưởng Thương mại Australia dưới thời Thủ tướng Gillard và Kevin Rudd, nhận định mối quan hệ của Canberra đã "bị nhiễm độc" nhưng không có nghĩa là không thể cứu vãn.
Ông nhận định hệ thống chính trị Australia cần đánh giá lại về cái giá phải trả cho những tuyên bố công khai, dù với bất kỳ lợi ích nào.
Ông nói: "Mối quan hệ đó có thể vô cùng bền chặt. Bạn sẽ thấy các tuyên bố công khai nhưng sớm hay muộn thì các kênh ngoại giao sẽ mở hoặc mở lại. Nó sẽ khiến những lời nói mang tính chủ quan được tiết chế. Nhưng có những vấn đề lớn hơn xung quanh mối lo ngại về an ninh quốc gia và an ninh mạng hiện nay."
Tuy nhiên, Warwick Smith, Giám đốc Tập đoàn Seven và là cựu Chủ tịch của Quỹ Quốc gia trong Quan hệ Australia-Trung Quốc, nói: "Trung Quốc đã thay đổi nhiều hơn Australia. Họ trở nên giàu có hơn, quyết đoán hơn và có quan điểm rõ ràng hơn rằng Mỹ không muốn bị coi là ngang hàng với họ. Australia đã nhầm lẫn về điều này đến mức nghĩ rằng sẽ có một cuộc lật đổ tự động đến từ một quốc gia độc đảng."
Ông Fitzgerald bổ sung: "Australia chắn chắn đã hiểu sai. Ý tưởng đó, vốn không phổ biến tại Australia như cách mà nó được nhìn nhận ở Washington vào những năm 1990... nhưng nó khiến chúng ta đi chệnh hướng"./.