Nguy cơ căng thẳng leo thang trong quan hệ Nhật Bản-Nga

Mỗi năm, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đều phát hành Sách Xanh Ngoại giao; Sách Xanh năm 2022 sẽ sử dụng ngôn từ mạnh mẽ chống lại Nga và có 2 thay đổi đáng kinh ngạc xuất hiện trong văn bản dự thảo này.
Nguy cơ căng thẳng leo thang trong quan hệ Nhật Bản-Nga ảnh 1Quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga. (Nguồn: TourRadar)

Trang mạng asiatimes.com đưa tin, mỗi năm, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đều phát hành Sách Xanh Ngoại giao, một chỉ dẫn về quan điểm của chính phủ Nhật Bản với thế giới.

Kyodo News, hãng tin uy tín của Nhật Bản, cho biết Sách Xanh năm 2022 sẽ sử dụng ngôn từ mạnh mẽ chống lại Nga. Tài liệu này dự kiến được công bố trước cuối tháng Tư này, nhưng các phóng viên của Kyodo News đã phát hiện một văn bản bị rò rỉ, vốn chưa được chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida xét duyệt lần cuối.

Có hai thay đổi đáng kinh ngạc xuất hiện trong văn bản dự thảo này. Đầu tiên, Sách Xanh đề cập đến sự kiểm soát của Nga đối với một số hòn đảo phía Bắc Hokkaido, gọi đây là “sự chiếm đóng bất hợp pháp.”

Lần cuối cùng Sách Xanh thường niên của Nhật Bản sử dụng cụm từ này là vào năm 2003. Trước đó, tài liệu này chỉ ra rằng Tokyo “từ bỏ quyền kiểm soát quần đảo Kuril” theo Hiệp ước Hòa bình Nhật Bản năm 1951, được ký kết tại San Francisco (Chương II, Điều 2c); những hòn đảo này sau đó là một phần của Liên Xô. Tuy nhiên, Sách Xanh năm 2003 cho biết “Ở cụm ‘Bốn đảo phía Bắc,’ sự chiếm đóng bất hợp pháp của Liên Xô và sau đó là Nga vẫn kéo dài đến hiện tại.”

Nhật Bản gọi đây là “Bốn đảo phía Bắc” gồm Etorofu, Habomai, Kunashiri và Shikotan; còn Nga gọi là “cụm đảo miền Nam Kuril” với tên gọi tương ứng là Iturup, Khabomai, Kunashir và Shikotan.

[Quân đội Nga tập trận trên các đảo tranh chấp với Nhật Bản] 

Thứ hai, Sách Xanh năm 2006 nêu rõ quần đảo này “vốn là của Nhật Bản”. Kể từ đó, cụm từ này không được sử dụng nhưng đã xuất hiện trở lại trong dự thảo Sách Xanh năm 2022. Những cụm từ như “sự chiếm đóng bất hợp pháp” và “vốn là của Nhật Bản” cho thấy căng thẳng Nhật-Nga sẽ gia tăng.

Các lệnh trừng phạt của Nhật Bản đối với Nga

Hôm 24/2 vừa qua, khi các lực lượng Nga tiến vào Ukraine, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã đưa ra tuyên bố lên án hành động này và yêu cầu các lực lượng quân sự Nga trở về lãnh thổ của họ. Ngày hôm sau, Nhật Bản, cùng các nước đồng minh trong nhóm G7, đã công bố các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có lệnh đóng băng tài sản của 3 ngân hàng Nga ở Nhật Bản, gồm Ngân hàng Rossiya, Promsvyazbank và Ngân hàng phát triển Nga (VEB).

Không lâu sau, Nhật Bản đã nhất trí với quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) về việc loại bỏ 7 ngân hàng lớn của Nga (trong đó có 3 ngân hàng bị Nhật Bản trừng phạt từ trước) khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT. Bốn ngân hàng còn lại là Bank Otkritie, Novikombank, Sovcombank và VTB.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết sẽ cấm các ngân hàng lớn của nước này hợp tác với với tổ chức tài chính lớn nhất của Nga là Sberbank. Ba trong số các ngân hàng lớn của Nhật Bản - gồm Mizuho Bank, MUFG và Sumitomo Mitsui Banking Corporation - có nhiều hoạt động bên trong nước Nga do đã cấp vốn dài hạn cho các dự án dầu khí tự nhiên; theo ước tính, các ngân hàng này sẽ mất tới 4,69 tỷ USD, tương đương 20% lợi nhuận ròng hằng năm dự kiến của các ngân hàng này.

Ngân hàng Hợp tác Quốc tế của chính phủ Nhật Bản có nhiều khoản đầu tư lớn vào các mỏ khí và đường ống dẫn khí đốt của Nga (trong đó có tài sản của Nga là “Quỹ đầu tư trực tiếp tại Nga”). Điều đó sẽ đặt ra nhiều vấn đề đối với bảng cân đối kế toán của ngân hàng này.

Nga đã trả đũa bằng cách đưa Nhật Bản vào danh sách “các quốc gia không thân thiện,” theo đó, các nước trong danh sách này sẽ phải cắt giảm nhân viên ngoại giao và công dân của họ sẽ gặp khó khăn khi xin thị thực vào Nga.

Sự phụ thuộc vào năng lượng của Nhật Bản

Ngày 31/3 vừa qua, khi Nhật Bản cam kết trừng phạt các ngân hàng Nga, Thủ tướng Kishida đã nói với Nội các rằng chính phủ của ông sẽ tiếp tục tham gia dự án dầu khí tự nhiên Sakhalin 2 của Nga. Ông Kishida cho biết dự án này sẽ mang lại cho Nhật Bản “các nguồn cung LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) lâu dài, có mức giá phải chăng và ổn định.” Ông nói: “Đây là một dự án vô cùng quan trọng về an ninh năng lượng của chúng tôi. Kế hoạch của chúng tôi là sẽ không rút lui.”

Chính phủ Nhật Bản nắm giữ cổ phần đáng kể của Công ty Phát triển Dầu khí Sakhalin (SODECO), công ty đã xây dựng và quản lý các dự án Sakhalin 1 và Sakhalin 2. Bốn trong số các nhà đầu tư vào Sakhalin 2 là Gazprom (công ty năng lượng của Nga), Shell và hai công ty Nhật Bản (Mitsubishi và Mitsui). Khoảng 60% trong số 9,6 triệu tấn LNG được sản xuất nhờ dự án Sakhalin 2, nằm trên đảo Sakhalin (cách bờ biển Nhật Bản khoảng 45km) và được bàn giao cho Nhật Bản. Tokyo đầu tư vào các mỏ dầu ở Sakhalin 1 nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu thô Trung Đông (hiện nay 80% dầu mỏ của Nhật Bản đến từ khu vực Vịnh Persia).

Nguy cơ căng thẳng leo thang trong quan hệ Nhật Bản-Nga ảnh 2(Nguồn: tellerreport.com)

Tháng 12/2021, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã làm việc với các ngân hàng ở Trung Quốc (gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc) và Nga (gồm Gazprombank, Sberbank và VEB) để tài trợ cho Dự án LNG 2 Bắc Cực ở Bán đảo Gydan của Nga trên Biển Kara thuộc Bắc Băng Dương. Khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ cung cấp 19,8 triệu tấn LNG, gấp đôi sản lượng hiện tại từ Sakhalin 2.

Ở đây, cần giải thích rõ sự do dự của Thủ tướng Kishida trong việc rút khỏi các thỏa thuận nhập khẩu năng lượng của Nga.

Phần lớn nguồn năng lượng nhập khẩu vào Nhật Bản đến từ các nước khác Nga. Năm 2019, họ nhập khẩu năng lượng tương đương 88% nhu cầu tiêu thụ, trong đó chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch. Các loại nhiên liệu này đến từ nhiều nước, trong đó Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất chiếm 58% dầu thô, Australia chiếm 65% than, còn 40% LNG đến từ Australia và Malaysia. Nga là nhà cung cấp nhỏ nhưng cũng rất quan trọng về dầu thô (9%), than đá (8,7%) và LNG (9%).

Do nguồn nhiên liệu của Nga có vị trí thuận lợi và khí đốt của Nga trên thị trường giao ngay có mức giá cạnh tranh, nên tổng chi phí năng lượng của Nga thấp hơn nhiều so với chi phí năng lượng từ các nước vùng Vịnh. Nếu Nhật Bản ngừng nhập khẩu LNG từ Sakhalin 2, chi phí mà họ phải bỏ ra sẽ ngay lập tức tăng từ 15 tỷ USD lên 25 tỷ USD. Đó là lý do Thủ tướng Kishida từ chối ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Hiện chưa rõ liệu Nga có ngừng xuất khẩu sang Nhật Bản hay liệu nước này có nhất quyết đòi trao đổi thương mại bằng đồng Ruble hay không (đến nay, Nga chỉ nhấn mạnh rằng việc thanh toán khí đốt cần được thực hiện bằng đồng ruble).

Căng thẳng ở Biển Okhotsk

Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản đã ký một tuyên bố cam kết giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước. Liên Xô đồng ý rằng họ sẽ bàn giao 2 trong số 4 hòn đảo (Habomai và Shikotan) "sau khi ký kết hiệp ước hòa bình" giữa hai bên. Tuy nhiên, đã không có bất kỳ hiệp ước nào như vậy.

Nhiều thập kỷ qua, các Sách Xanh đều lưu ý rằng những hòn đảo nhỏ này là “vấn đề nổi bật nhất trong quan hệ Nhật Bản-Nga.” Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn 20 lần nhưng đều không thể tạo ra bước đột phá.

Những hòn đảo nhỏ ở Biển Okhotsk cho phép Nga mở rộng lãnh hải ra Thái Bình Dương. Chính từ những đoạn đường này, các Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Phương Bắc của Nga - lần lượt đồn trú tại Fokino và Severomorsk - có thể đi qua các vùng biển quan trọng ở Bắc Cực và vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương (nơi Nga sánh vai với sự hiện diện ngày càng gia tăng của NATO).

Việc để mất các đảo trên không chỉ là vấn đề về uy tín mà còn cả về tham vọng thương mại của Nga ở vùng biển phía Bắc nước này. Khó có khả năng các đảo này sẽ cuốn hai bên vào bất kỳ cuộc xung đột nào ngoài các lệnh trừng phạt mà Nhật Bản đã áp đặt lên các ngân hàng Nga. Tuy nhiên, đó là những thời khắc nguy hiểm và không thể đoán được chính xác điều gì sẽ xảy ra.

Bất kỳ cuộc đụng độ nào giữa Nhật Bản và Nga đều sẽ kích hoạt Điều V của hiệp ước năm 1960 mà Nhật Bản đã ký với Mỹ. Nếu xảy ra, đó sẽ là một thảm họa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục