Giới nghiên cứu cho rằng các nước ở khu vực Nam và Đông Nam Á phải chấm dứt ngay sự phụ thuộc vào các nhà máy điện than và chuyển sang dùng năng lượng sạch, thì mới có thể thực hiện được cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.
Trong một nghiên cứu do Viện tư vấn Climate Analytics có trụ sở tại Perth, Australia, thực hiện, các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu các nước này không thể giảm phụ thuộc vào các nhà máy điện than, thì mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình của toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C so với thời tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực giới hạn mức tăng nhiệt trên toàn cầu ở 1,5 độ C có nguy cơ không thể thực hiện được.
Theo nhà nghiên cứu Paola Yanguas Parra, chỉ riêng các kế hoạch xây dựng nhà máy điện than mới tại những khu vực này có thể khiến việc đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu nằm "ngoài tầm với," bởi các nước ở Nam và Đông Nam Á chiếm một nửa trong số các nước phát triển điện than trên thế giới.
Nghiên cứu cho biết việc đầu tư vào năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió sẽ làm giảm những tác động do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán và mùa màng thất thu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm sạch không khí và làm tăng nguồn cung cấp nước.
Châu Á-Thái Bình Dương chiếm 2/3 dân số thế giới đang chứng kiến tốc độ đô thị hóa tăng, bùng nổ dân số và tăng trưởng kinh tế, khiến các nước khu vực này gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ điện cho người dân trong khi tiếp tục cam kết hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
[Nhật Bản đặt mục tiêu đưa khí thải về 0 trong nửa cuối thế kỷ 21]
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Viện Climate Analytics Bill Hare cảnh báo lượng khí phát thải ở các nước Nam Á đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, ông Hare cho rằng khu vực này có tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo, thừa sức đáp ứng được nhu cầu về điện.
Nghiên cứu cũng tiến hành phân tích lợi ích của việc đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và xe điện, trong đó có lợi ích giúp làm giảm ô nhiễm không khí, nhu cầu về nước và mang lại lợi ích kinh tế...
Theo ông Hare, các nhà lập pháp nên tiến hành cải cách chính sách và quy định nhằm chú trọng vào sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời đề ra sáng kiến nhằm làm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, nhà khoa học Fahad Saeed thuộc Viện Climate Analytics cho rằng việc giới hạn nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra hạn hán và khan hiếm nước ở khu vực Nam Á, giúp các nước này đạt được mục tiêu toàn cầu về xóa đói, giảm nghèo, cung cấp nước sạch và vệ sinh an toàn cho người dân, làm giảm nguy cơ gây ra lũ lụt đe dọa tới nhiều người dân sinh sống tại các vùng duyên hải cũng như làm giảm tình trạng nắng nóng gay gắt ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như hiệu suất lao động của người dân nhất là tại các thành phố đông dân ở Nam Á./.