Các cơ quan có thẩm quyền tại Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã tích cực lên các phương án, tính toán nhằm đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho nhà thầu thi công.
Không đấu giá khu vực khoáng sản phê duyệt
Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, với Dự án thành phần 2.1 và Dự án thành phần 3 của Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô (thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản-chủ đầu tư dự án), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 7,4 triệu m3 trong đó đất đắp khoảng 1,87 triệu m3; cát đắp khoảng 5,53 triệu m3.
Trong bước nghiên cứu khả thi, chủ đầu tư đã tổ chức khảo sát tổng số 17 mỏ đất với tổng trữ lượng khoảng 57,24 triệu m3 tại địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận (Hà Nội 3 mỏ, Hòa Bình 6 mỏ, Vĩnh Phúc 4 mỏ, Thái Nguyên 4 mỏ). Tuy nhiên 3 mỏ đất trên địa bàn Hà Nội (trữ lượng khoảng 7,1 triệu m3) chưa được duyệt quy hoạch mỏ do nằm trong quy hoạch rừng sản xuất. Hiện nay Hà Nội đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo phương án xử lý.
Trước mắt, Hà Nội sẽ sử dụng đất đắp tại các mỏ thuộc địa phương lân cận đã đủ thủ tục khai thác như 4 mỏ đất tại tỉnh Vĩnh Phúc; 4 mỏ đất tại tỉnh Thái Nguyên; 1 mỏ đất tại tỉnh Hòa Bình.
[Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô ‘đội vốn’ gần 2.900 tỷ đồng]
Với cát đắp nền, chủ đầu tư đã tổ chức khảo sát tổng số 32 mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 75,5 triệu m3 (Hà Nội 24 mỏ, Hòa Bình 1 mỏ, Phú Thọ 7 mỏ). Trong đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 4 mỏ đang hoạt động khai thác; 6 mỏ cát đang thực hiện đấu giá trong năm 2023 với tổng trữ lượng khoảng 16,37 triệu m3; 11 mỏ cát nằm trong quy hoạch (trữ lượng ước khoảng 22,69 triệu m3); 3 mỏ có giấy phép nhưng không hoạt động.
Đánh giá về cơ bản, vật liệu cát san lấp, đắp nền trên địa bàn Hà Nội đáp ứng đủ yêu cầu thực hiện dự án; tuy nhiên, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, Chính phủ khuyến cáo thành phố cần sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định để sớm đưa vào khai thác phục vụ dự án.
Để đảm bảo nguồn cung vật liệu cho dự án, thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương hỗ trợ phê duyệt khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có trong quy hoạch khoáng sản liên quan (các mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án) là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chỉ phục vụ dự án.
Khi có đề nghị của nhà thầu thi công, ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố hướng dẫn nhà thầu thực hiện khảo sát nhanh, đánh giá để có số liệu lập hồ sơ đăng ký khai thác; lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác bao gồm khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác mỏ khoáng sản; có cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo phục hồi môi trường; xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác, trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác của nhà thầu.
Sẽ lấy thêm nguồn vật liệu từ các địa phương khác
Với Dự án thành phần 2.2 (Hưng Yên là cơ quan chủ quản), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 0,96 triệu m3, bao gồm 0,25 triệu m3 đất đắp, 0,72 triệu m3 cát đắp. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh không có mỏ đất đắp nền, dự kiến sẽ khai thác tại tỉnh Hải Dương như mỏ đất núi Bu Lu (trữ lượng 2,56 triệu m3), mỏ đất đồi Hố Đa (trữ lượng 1,8 triệu m3). Riêng cát đắp nền theo số liệu khảo sát, các mỏ trên địa bàn địa phương có trữ lượng khoảng 1,6 triệu m3 nên cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án.
Dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh là cơ quan chủ quản), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 3,95 triệu m3, bao gồm 3,1 triệu m3 đất đắp và 0,85 triệu m3 cát đắp.
Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá), phải khai thác tại các mỏ của địa phương lân cận như Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang...
Dự kiến tỉnh Bắc Ninh khai thác đất đắp tại mỏ Minh Sơn 1 (địa phận tỉnh Lạng Sơn với trữ lượng 6,9 triệu m3) và mỏ Quốc Kỳ (địa phận tỉnh Bắc Giang, trữ lượng 0,25 triệu m3), cơ bản đáp ứng nhu cầu của dự án. Trong trường hợp phát sinh khó khăn, đất đắp có thể khai thác tại tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.
[Tháo gỡ khó khăn về mỏ vật liệu cho đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô]
Với nguồn cát, tỉnh Bắc Ninh sẽ làm việc với các địa phương Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Phú Thọ để xác định cụ thể các mỏ đất, mỏ cát cung cấp cho dự án và triển khai các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù của dự án.
Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ phối hợp, hỗ trợ Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng để thực hiện dự án; trong đó, xác định cụ thể các mỏ vật liệu xây dựng để cung cấp cho các dự án thành phần thuộc tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội; hoàn thiện các thủ tực (nếu có) đối với các mỏ vật liệu xây dựng nêu trên; thực hiện các thủ tục để bàn giao mỏ cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của dự án.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế giao mỏ cho nhà thầu khai thác (như quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022) nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn vật liệu xây dựng thực hiện các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia./.