Nguồn nông sản Ai Cập có thể trở thành lối thoát cho kinh tế Nga

Các quan chức Nga cho biết Nga sẽ tăng cường xuất khẩu lúa mỳ sang Ai Cập và nhập các nông sản khác từ đất nước Kim Tự Tháp.

Các quan chức Nga cho biết Nga sẽ tăng cường xuất khẩu lúa mỳ sang Ai Cập và nhập các nông sản khác từ đất nước Kim Tự Tháp.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội kiến với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay hiện nay "Ai Cập đã tăng 30% lượng nông sản xuất khẩu sang Nga và sẵn sàng tăng nguồn cung thêm 30% nữa trong tương lai gần."

Động thái Nga tìm kiếm nguồn cung cấp thực phẩm mới diễn ra sau khi Moskva ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều nông sản và thực phẩm từ Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada và Na Uy để trả đũa việc các nước phương Tây đã áp đặt lệnh trùng phạt Nga vì liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Putin nói sẽ có ít nhất từ 5 đến 5,5 triệu tấn lúa mỳ được xuất sang Ai Cập trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Nikolai Fyodorov, việc tăng cường nhập khẩu những sản phẩm như khoai tây, hành, tỏi và cam từ Ai Cập sẽ bù đắp 50% sự thiếu hụt các mặt hàng đó tại Nga sau lệnh cấm kể trên. Trong khi đó, Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới và cũng là nước mua nhiều lúa mỳ nhất của Nga. Quốc gia Bắc Phi này đã mua 3,6 triệu tấn lúa mỳ Nga trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng Sáu vừa qua.

Trong cuộc gặp gỡ, Tổng thống hai nước cũng thảo luận về khả năng xây dựng một khu vực thương mại tự do giữa Ai Cập và Liên minh Hải quan - hiện gồm Nga, Belarus và Kazakhstan.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Ai Cập cũng thảo luận về khả năng thiết lập một trung tâm hậu cần vận tải của Ai Cập trên bờ Biển Đen của Nga và việc xây dựng một trung tâm công nghiệp của Nga tại Ai Cập như là một phần dự án phát triển kênh đào Suez.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, năm ngoái Nga nhập khẩu tổng cộng 17,2 tỷ USD thực phẩm và nông sản từ những nước đang áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục