Nguồn năng lượng cổ vũ nhân dân Việt Nam-Cuba xây dựng Tổ quốc

Chủ tịch Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó giữa hai dân tộc cùng lý tưởng cao đẹp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Nguồn năng lượng cổ vũ nhân dân Việt Nam-Cuba xây dựng Tổ quốc ảnh 1Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Fidel Castro, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ cách mạng Cuba thăm thị trấn Đông Hà (Quảng Trị) bị chiến tranh phá hủy, đang được khôi phục lại (Tháng 9/1973). (Ảnh: TTXVN)

Tháng 9/1973, khi chiến trường Quảng Trị vẫn còn nồng mùi thuốc súng, từ “hòn đảo tự do” bên kia bán cầu, Chủ tịch Fidel Castro đến thăm vùng đất vừa được giải phóng ở miền Nam Việt Nam.

Chuyến thăm đã trở thành huyền thoại, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam-Cuba.

Là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới thăm vùng giải phóng miền nam Việt Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó giữa hai dân tộc cùng lý tưởng cao đẹp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

50 năm qua đi, nhưng chuyến thăm lịch sử của Tổng Tư lệnh Fidel Castro vẫn in dấu sâu đậm trong ký ức của nhiều người.

Và ông Nguyễn Xuân Phong - người trực tiếp phiên dịch cho lãnh tụ Cuba lần đó, vẫn nhớ tường tận, tỉ mỉ hình ảnh người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.

Ngồi tựa lưng vào ghế sofa, từ ngôi nhà nhỏ phố Hoàng Ngân, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhìn ra ngoài trời chan hòa nắng Thu, ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao, hồi tưởng lại những kỷ niệm khó quên với lãnh tụ Fidel Castro.

[Ký ức của người dân Quảng Trị về Lãnh tụ Cuba Fidel Castro]

Nhà ngoại giao kỳ cựu nói rằng, đó là cơ duyên, là vinh dự và niềm hạnh phúc lớn khi được cùng nhân vật huyền thoại như vậy trở về quê hương Quảng Trị sau gần 20 năm xa cách.

“Năm 1954, khi đất nước bị chia cắt, mới 10 tuổi tôi theo gia đình ra Bắc. Tôi lớn lên trong sự đùm bọc, dạy dỗ của người thân và đồng bào miền Bắc. Hết phổ thông, tôi được gửi sang du học tại Cuba. Năm 1965, tôi được tuyển làm phiên dịch tiếng Tây Ban Nha cho Phái đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại La Habana,” ông Nguyễn Xuân Phong từ tốn kể.

Nhớ lại thời điểm đầu tháng 9/1973, khi tham gia phục vụ Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu dự Hội nghị Cấp cao các nước Không Liên kết lần thứ 4 tại Algiers.

Ông Nguyễn Xuân Phong cho hay, Hội nghị bế mạc cũng là lúc Đoàn đại biểu nhận được thông báo lãnh tụ Fidel Castro thăm chính thức Việt Nam, còn ông được chọn làm làm phiên dịch cho Fidel Castro khi lãnh tụ Cuba thăm vùng tuyến lửa Quảng Trị.

“Lúc đó, tình hình quốc tế đang có những biến cố phức tạp. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã bày tỏ lo ngại về chuyến thăm miền Nam của Fidel; e ngại kẻ thù đã biết và có thể tìm cách 'ám hại.' Nhưng Fidel vẫn bất chấp nguy hiểm và quyết định tiến hành chuyến thăm,” nhà ngoại giao kỳ cựu nhớ lại.

Sáng 11/9/1973, từ thủ đô Algiers, ông Nguyễn Xuân Phong cùng Đoàn đại biểu rời Algiers để về nước để đón khách quý.

Sáng 15/9, ông thức dậy từ rất sớm cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Bích Sơn, một số cán bộ Bộ Ngoại giao và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đến bờ Nam sông Bến Hải chờ đón Đoàn Cấp cao Cuba.

Nguồn năng lượng cổ vũ nhân dân Việt Nam-Cuba xây dựng Tổ quốc ảnh 2Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ cách mạng Cuba Fidel Castro phất cao lá cờ truyền thống của Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên-Huế (Quảng Trị, ngày 15/9/1973). (Ảnh: TTXVN)

“Khi mặt trời lên rực rỡ như báo hiệu một ngày tốt lành thì từ phía Bắc, một đoàn xe gồm hai xe commăngca, một xe buýt và nhiều phương tiện hộ tống đến bờ Hiền Lương rồi dừng lại. Khách xuống xe, đi bộ qua cầu phao tiến về trạm đón tiếp ở bờ Nam, đi đầu là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Tổng Tư lệnh Fidel Castro,” ông Nguyễn Xuân Phong kể lại.

Cầm trên tay bức ảnh một thanh niên áo trắng đứng cận kề Fidel Castro trong bộ quân phục, đội mũ lưỡi trai, đi giày cao cổ thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam ở Quảng Trị, ông Nguyễn Xuân Phong nói: “Xúc động và căng thẳng lắm khi làm nhiệm vụ phiên dịch cho lãnh tụ Cuba. Tôi không thể nào diễn tả được khí phách đặc biệt của Fidel nhưng đã cố hết sức để chuyển tải đầy đủ tư duy sắc sảo, mạch lạc và tình cảm sâu đậm của ông đến đồng bào và chiến sỹ.”

Nhắc đến những địa danh ở Quảng Trị mà vị lãnh tụ từ “hòn đảo tự do” bên kia bán cầu tới thăm, ông Nguyễn Xuân Phong nói rằng vẫn vẹn nguyên tâm trí ông cảnh Fidel tới cao điểm 241 ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ.

Lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Trần Nam Trung đang chờ đón khách. Cùng với ông là mấy chục cán bộ và chiến sỹ quân giải phóng bồng súng xếp hàng thẳng tắp.

Họ mang theo một lá quân kỳ trĩu nặng huân chương. Fidel bước đến trước mặt hàng quân, siết chặt tay từng chiến sỹ.

Chính ủy Sư đoàn 304 Đồng Ngọc Vân bước lên trao cho Fidel lá cờ truyền thống của “Sư đoàn Vinh quang.” Fidel đón nhận và dương cao ngọn cờ giữa các chiến sỹ đang vây quanh, dõng dạc nói: “Cảm ơn các bạn. Các bạn hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này tiếp tục tiến lên cho đến thắng lợi cuối cùng!”

Từ một hành lang an toàn được mở xuyên qua nhiều khúc chiến hào còn khét mùi thuốc súng, những hố bom sâu và ngổn ngang vỏ đạn, xác xe tăng của Mỹ, Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới một khu đất bằng phẳng nằm ở sườn phía Tây Bắc của cao điểm 241 là nơi tổ cuộc mít tinh quần chúng, Bộ trưởng Trần Nam Trung dừng lại chỉ vào một chiếc xe tăng M48 và hướng về Fidel nói: "Đây là chiến lợi phẩm của chúng tôi xin trao tặng Tổng Tư lệnh để kỷ niệm chuyến thăm lịch sử này!"

Nghe vậy, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam nở nụ cười rất rạng rỡ tiếp nhận quà, bày tỏ cảm ơn và nói sẽ cho tàu thủy chở chiếc xe tăng về La Habana, rồi cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trèo lên xe tăng chụp ảnh chung với các chiến sỹ giải phóng.

Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất về vị lãnh tụ Cuba đối với ông Nguyễn Xuân Phong có lẽ là lúc ở cao điểm 241, Fidel Castro tiến nhanh về phía quần chúng trong tiếng reo hò vang dậy.

Fidel xúc động vẫy tay chào đáp lại. Ông mở đầu bài phát biểu bằng một giọng nhỏ nhẹ, chậm rãi, như thì thầm tâm sự: “Chúng tôi đã vượt hơn 20 nghìn cây số để đến đây. Đó là biểu tượng của mối tình hữu nghị, đoàn kết vĩ đại của nhân dân chúng tôi đối với nhân dân Việt Nam. Nhân dân Cuba chúng tôi đã từng ngày dõi theo cuộc đấu tranh quên mình của nhân dân Việt Nam.”

Đề cập đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, Fidel bày tỏ những suy tư và tình cảm mà ông đã ấp ủ từ lâu.

Nhà cách mạng kiệt xuất của Cuba chia sẻ, sáng hôm đó, trên đường đến đây lúc bình minh, đoàn của ông đã có một ngày thật đẹp, ánh mặt trời chói lọi dâng lên từ chân trời phía Đông. Ngắm cảnh đồi núi điệp trùng, cảnh bình nguyên bừng sáng, những người bạn Cuba thầm nghĩ, tương lai của Việt Nam sẽ rực rỡ, đẹp đẽ biết bao!

Việt Nam nhất định sẽ được xây dựng lại mười lần to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu. Trong sự nghiệp mới này, những người Cách mạng Cuba, toàn thể nhân dân Cuba, những người đang xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ luôn kề vai sát cánh cùng các bạn!

Rồi Fidel hô lớn: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”

“Khi ông ấy vừa dứt lời, tiếng vỗ tay vang dậy hết đợt này đến đợt khác. Từ hàng quân giải phóng vang lên tiếng hô: 'Fidel muôn năm!,' 'Tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Cuba muôn năm!' Âm thanh rung động cả núi đồi,” ông Nguyễn Xuân Phong nhớ lại rồi vui vẻ nói, đó cũng là lúc ông thở phào nhẹ nhõm với cảm giác đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng.

Thoáng chút trầm ngâm, người phiên dịch cận kề nhân vật huyền thoại trong chuyến thăm Quảng Trị nói rằng, từ lúc lãnh tụ Fidel Castro cùng Đoàn cấp cao Cuba đặt chân lên bờ Nam sông Bến Hải đến giờ phút chia tay Quảng Trị chỉ có hơn sáu tiếng.

Quãng thời gian đó dù quá ngắn so với lịch sử và ước vọng của con người nhưng đó là biểu hiện chói ngời, mạnh mẽ của tình cảm hữu nghị, đoàn kết chiến đấu mà Cuba dành cho miền Nam Việt Nam và của quân dân miền Nam đối với “hòn đảo tự do."

Việt Nam luôn coi việc đoàn kết, giúp đỡ Cuba là tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế xuất phát từ truyền thống, đạo lý của dân tộc và là sự tri ân sâu sắc trước những ủng hộ, giúp đỡ trong sáng, vô bờ mà Cuba đã dành cho Việt Nam.

Tình cảm đó đã cô đọng, dồn nén lại thành một nguồn năng lượng đặc biệt: Năng lượng của tình người, tình đồng chí, của tinh thần yêu nước quật cường, của chủ nghĩa quốc tế trong sáng, của tinh thần cách mạng chân chính.

Nguồn năng lượng đó sẽ động viên, cổ vũ nhân dân hai nước tiếp tục tiến lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của mình trong những năm tháng tới.

Nhìn theo đoàn xe chạy liền một mạch ra Bắc mà không phải dừng lại ở bờ Hiền Lương, người phiên dịch trẻ Nguyễn Xuân Phong cũng như người dân vùng giải phóng Quảng Trị bỗng nhận ra: Thế là từ khi Quảng Trị được giải phóng, con sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 không còn là ranh giới chia cắt.

Tổ quốc đã liền một dải từ Nam ra Bắc, chỉ còn phân biệt hậu phương và tiền tuyến, vùng giải phóng và vùng còn bị chiếm giữ bởi các thế lực chống lại sự nghiệp hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.

Thế nhưng sự phân biệt đó sẽ như niềm tin sắt đá của Fidel: “Thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước chỉ còn là vấn đề thời gian.”

“Bây giờ đã bước vào tuổi tám mươi, nhớ lại chuyến thăm lịch sử năm mươi năm trước của Fidel, tôi càng khẳng định niềm tin son sắt của mình: Tình hữu nghị Việt Nam-Cuba là một mối quan hệ vĩ đại, trong sáng, thủy chung. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ có trách nhiệm giữ gìn và phát triển hơn nữa mối quan hệ đó,” nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Xuân Phong chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục