Trong vòng một tuần qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt, mới nhất là vụ tàu hàng đâm vào xe bồn tại Diễn Châu, Nghệ An trưa 27/5, gây tâm lý lo ngại về tính an toàn của loại hình giao thông vốn được coi là có hệ số an toàn cao.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân những vụ tai nạn đường sắt xảy ra gần đây, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra cách nhau có mấy ngày?
Ông Bùi Danh Liên: Qua kinh nghiệm công tác tại ngành đường sắt gần 30 năm, chúng tôi thấy buồn và lo lắng vì trong thời gian ngắn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt rất nghiêm trọng.
Từ lâu nay chúng ta đều biết, tàu hỏa là phương tiện có mức độ an toàn rất cao, tuy nhiên trong thời gian ngắn mà xảy ra nhiều vụ tai nạn liên tục sẽ gây ra tâm lý lo lắng cho người dân và hành khách đi tàu.
Về đảm bảo an toàn đường sắt, chúng ta đang thừa hưởng kinh nghiệm quản lý đường sắt của thế giới cho nên có thể nói ngành đường sắt từ trước tới nay đã đảm bảo xây dựng và thực hiện các quy trình vận hành chạy tàu hết sức chặt chẽ... Tuy nhiên, trong thời gian ngắn mà để xảy ra nhiều vụ tại nạn nghiêm trọng thì cần phải xem xét lại các quy trình này.
Về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt, cần phải phân tích trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, mặc dù quy trình, quy phạm đã được xây dựng, phổ biến và hướng dẫn chi tiết thực hiện, đồng thời yêu cầu mọi người lao động trong ngành đều phải chấp hành nghiêm chỉnh. Nếu cán bộ, công nhân viên có vi phạm đều bị xử lý rất nặng. Vậy tại sao vẫn xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc, tôi cho rằng nguyên nhân thứ nhất là từ lỗi con người.
Yếu tố con người cũng phải từ hai phía, nghĩa là cả phía con người vận hành các phương tiện giao thông khác (phương tiện ôtô) và con người vận hành quy trình chạy tàu. Nếu con người chủ quan, không chấp hành đúng các quy trình, quy phạm mà luật đã quy định thì nguy cơ xảy tai nạn là rất cao.
Yếu tố con người chắc chắn không chỉ trong ngành đường sắt mà ở tất cả các ngành khác. Vì vậy, ý thức tuân thủ quy định pháp luật, tuân thủ các quy trình quy phạm là hết sức quan trọng trong việc phòng tránh, bảo đảm an toàn giao thông nói chung và đường sắt nói riêng.
[Xe bồn bê tông bị vỡ cabin sau khi đâm tàu chở hàng tại Nghệ An]
Trong khi đang đợi các cơ quan điều tra xem xét tìm ra nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt vừa qua, tôi cho rằng các nhân viên thực hiện công vụ như lái tàu, lái xe, gác chắn, trưởng ga đã lơ là trách nhiệm của mình, không kiểm tra, không thực hiện đúng các quy định đã được ban hành.
Nguyên nhân thứ hai là tình trạng của người lái xe, ví dụ như ôtô đâm vào tàu cũng phải xem xét yếu tố từ lái xe. Hằng ngày xảy ra rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến yếu tố của người lái xe như: lái xe say rượu, lái xe dùng ma túy, sức khỏe yếu do làm việc quá mức… rất nhiều vấn đề. Vì vậy, ngành vận tải ôtô cũng phải xem xét lại trách nhiệm của mình trong việc nhắc nhở các doanh nghiệp quản lý lái xe của đơn vị mình đảm bảo các điều kiện sức khỏe khi tham gia giao thông.
Nguyên nhân thứ ba là vấn đề phối hợp giữa các bộ phận trong ngành đường sắt đã tốt chưa. Ví dụ như bộ phận trực ban, bộ phận điều độ, thông tin tín hiệu, bộ phận kiểm soát, bộ phận gác chắn… cần phải phối hợp chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Nên chăng ngành đường sắt tiến tới trang bị khoa học công nghệ mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thực hiện để làm sao chúng ta kiểm soát được một cách tổng thể, đồng thời kịp thời phát hiện ra những bộ phận mắc lỗi điều chỉnh, nhắc nhở.
Ngoài ra, ngành được sắt cần đầu tư hơn nữa để đảm bảo sự tự động hóa các quy trình điều độ, điều hành chạy tàu đảm bảo sự liên thông, phối hợp nhịp nhàng, khi đó mới có thể giảm thiểu tối đa những vụ tai nạn giao thông do lỗi từ con người.
Một nguyên nhân nữa cũng cần phải xem xét là điều kiện làm việc của cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt. Ví dụ như vụ tai nạn tại ga Núi Thành xảy ra trong điều kiện thời tiết nóng nực. Phải chăng điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người công nhân, qua đó ảnh hưởng đến công việc vận hành chạy tàu.
Như vậy, việc quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên cũng cần phải đúng mức, khi thời tiết nắng nóng hay mua bão cũng nên có hành động nhắc nhở, động viên kịp thời để nâng cao trách nhiệm công việc hơn nữa.
- Theo ông hiện trạng hạ tầng của ngành đường sắt hiện nay có ảnh hưởng đến vấn đề an toàn chạy tàu? Ông có nhận xét gì về một số vụ tai nạn đường sắt liên quan đến chệch đường ray đổ tàu?
Ông Bùi Danh Liên: Với cơ sở hạ tầng hiện nay đang được ngành được sắt áp dụng tốc độ chạy tàu khoảng 60-70km/h là hoàn toàn bảo đảm an toàn. Vấn đề đặt ra là ý thức, trách nhiệm của con người thực hiện các quy trình, quy phạm của ngành đề ra có đến nơi đến chốn hay không? Đây là điều rất quan trọng.
Một số vụ tai nạn do chệch đường ray có thể xuất phát từ nguyên nhân đoàn tàu đó chạy chưa đúng tốc độ cho phép. Ngoài ra, còn có yếu tố về kỹ thuật hạ tầng (ray, tà vẹt, nền đá trên đường) có đủ điều kiện an toàn giao thông hay không.
Mặc dù ngành đường sắt có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo dưỡng, duy tu hạ tầng đường sắt nhưng vẫn có thể ở công đoạn nào đó, chỉ cần một đoạn ray, hay tà vẹt chưa kịp thời thay thế cũng có thể gây nên những vụ tai nạn đường sắt. Do vậy, việc duy tu bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên của các đơn vị quản lý cung đoạn đường cần phải siết chặt hơn nữa để hạn chế tối đa các vụ tai nạn đường sắt đáng tiếc có thể xảy ra.
- Theo ông khi xảy ra các vụ tai nạn đường sắt thì trách nhiệm của ngành đường sắt đối với hành khách, chủ hàng như thế nào?
Ông Bùi Danh Liên: Xử lý thiệt hại do đường sắt gây ra là bài toán rất khó. Bởi vì, hiện trạng của ngành đường sắt là càng chạy càng lỗ. Ví dụ, theo quy định của ngành hàng không, nếu chậm chuyến, chậm giờ thì có quy định bồi thường thiệt hại cho hành khách. Tuy nhiên, đối với ngành đường sắt thì chưa có điều kiện để thực hiện được. Đây là điều bất khả kháng.
Bản thân ngành đường sắt cũng không mong muốn để xảy ra tai nạn đường sắt ảnh hưởng đến hành khách như chậm giờ, hàng hóa bị chuyển chậm... cho nên việc quy trách nhiệm bồi thường cho hành khách trong trường hợp các tai nạn đường sắt xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách thì cần phải có thời gian mới thực hiện được.
[Thông tuyến đường sắt sau vụ 2 tàu tông thẳng nhau ở Quảng Nam]
Trên hết, ngành đường sắt cần phải đổi mới trên nhiều phương diện, thứ nhất là cần đổi mới phương tiện, thiết bị phải nâng cấp ngành đường sắt lên từ việc chạy tàu cổ điển như hiện nay lên tàu tốc độ cao, nâng cấp khổ đường lên 1.435m. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn hẹp hiện nay thì việc đổi mới trang thiết bị và hạ tầng đường sắt là cực kỳ khó khăn.
Vậy giải pháp trước mắt vẫn phải khai thác tốt, đảm bảo an toàn chạy tàu trên nền tảng hạ tầng cơ sở hiện nay.
Ngành đường sắt cần phải được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ về nguồn lực nhằm nâng cấp hạ tầng đường sắt hiện đại, đường sắt tốc độ cao.
Về tình trạng trì trệ của ngành đường sắt thì ai cũng biết ngành đường sắt đã quá lạc hậu vì không được đầu tương xứng. Do đó, ngành đường sắt cần được Chính phủ quan tâm đầu tư chiến lược theo hướng hiện đại hóa. Khi chưa có tiền đầu tư cho ngành đường sắt thì chúng ta phải kiên trì chờ đợi, không thể nóng vội được.
Bộ Giao thông Vận tải, ngành đường sắt và cả người dân đều biết được thực trạng của ngành đường sắt nhưng không có nguồn lực đầu tư thì cần phải chờ đợi. Hy vọng người dân, doanh nghiệp cùng phối hợp với Nhà nước để tháo gỡ khó khăn này./.
- Xin cảm ơn ông!