Trong chuyến lên Mường Nhé, chúng tôi đặc biệt quan tâm chuyện học hành của học sinh nơi đây bởi nhiều lý do.
Trao đổi với Chủ tịch huyện Trần Anh Tuấn, ông cho rằng muốn Mường Nhé tận dụng được cơ hội từ các dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước để phát triển theo đúng định hướng và phát huy hết tiềm năng thì con người là yếu tố quyết định. Do vậy cần phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực mà trước hết là đầu tư cho giáo dục.
Khi đến các bản của đồng các dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, Cống… điều quan tâm của chúng tôi là trẻ trong độ tuổi đi học có được đến trường không.
Với một huyện miền núi biên giới tận “cuối trời Tây Bắc” đường sá đi lại khó khăn, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, nhất là số dân di cư tự do nhiều hơn số dân địa phương thì việc tổ chức cho học sinh đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt là cơ sở trường lớp sẽ không “theo kịp” tốc độ tăng dân số cơ học.
Tuy nhiên điều hết sức đáng mừng là dù trong bản sâu hay là những điểm dân cư (di cư tự do) chưa là đơn vị hành chính thì cái sự học vẫn được chú trọng với tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường, không phân biệt dân di cư tự do hay dân bản địa.
Tại các trung tâm các bản đều có các trường tiểu học, nhiều xã có trường trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các trường mầm non ở bản chưa đủ, hiện mới có 141/157 bản có trường mầm non.
Nhưng điều chúng tôi quan tâm nhất là khi Nhà nước đã đầu tư xây dựng một hệ thống trường cho các cấp học nhưng học sinh có đến trường thường xuyên không, có tình trạng học sinh bỏ học không; rằng, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn liệu có thể có điều kiện học đến nơi đến chốn?
Theo Phó phòng Giáo dục huyện Mường Nhé Trần Thị Hải, toàn huyện có 18.196 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trong đó có 12.000 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 140.000 đồng. Toàn huyện có hơn 5.000 học sinh bán trú dân nuôi, được trợ cấp mỗi tháng 100.000 đồng/học sinh.
Chúng tôi đã đến một số trường ở các cấp học. Tại Trường mầm non gần trung tâm xã Leng Su Sìn chúng tôi thấy cơ ngơi khá khang trang, sạch sẽ. Mỗi ngày một cháu được cấp một hộp sữa hiệu “Cô gái Hà Lan” từ chương trình tài trợ của các doanh nghiệp cho vùng sâu, vùng xa. Các cháu ăn sữa nhiều quá phát chán, giờ muốn thay sữa bằng kẹo, một cán bộ xã đi cùng chúng tôi nói. Sẽ là bình thường khi nghe câu nói này giữa đô thị, nhưng ở vùng biên cương “cuối trời Tây Bắc” này nghe câu nói đó chúng tôi hiểu rằng, sự quan tâm của các doanh nghiệp, cũng là sự quan tâm của cả nước với những nơi còn khó khăn, không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện một tinh thần nhân văn cao cả trong truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Đến Trường Trung học cơ sở Mường Nhé, chúng tôi được cô hiệu phó Phạm Thị Hải Yến dẫn đi thăm nơi ở nội trú của học sinh theo diện bán trú dân nuôi. Trong khuôn viên của trường là khu nội trú khang trang. Mỗi phòng rộng chừng 32m2 cho 12 học sinh ăn ở và sinh hoạt. Những học sinh cách nhà trên 5km được xếp vào diện bán trú. Các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được bố trí ăn ở tại khu nội trú nhìn không khác gì khu ký túc xá của sinh viên các trường đại học. Tuy nhiên khu nội trú của các em học sinh người Mông, Thái, Hà Nhì... nơi đây không ồn ào như ký túc xá sinh viên.
Các em ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp, giày dép để ngoài hành lang, trong nhà đồ đạc xếp ngăn nắp, nhà được lau sạch bong. Nhiều trường hợp 2,3 em trong một gia đình học các lớp khác nhau đều ở nội trú.
- Việc tổ chức ăn ở, học hành cho các em như thế nào?
- Nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em, gạo mỗi tháng các em đóng 15kg, còn thức ăn thì đã tính toán trong số tiền trợ cấp, cô hiệu phó Hải Yến nói.
- Chỉ với số tiền 100.000 đồng/tháng chi cho tiền ăn thì nhà trường xoay xở bằng cách nào?
- Cũng eo hẹp nhưng vẫn bảo đảm cho các em ăn no có sức học hành.
Tôi hỏi Sùng A Tú, 14 tuổi học sinh lớp 9, nhà ở bản Nậm Là cách trường 6km:
- Các cháu có được ăn no không?
- Dạ có.
- Một tuần được mấy lần ăn thịt?
- Dạ 3-4 lần.
- Ở nhà có được ăn thịt hàng ngày không?
- Dạ không, một tháng mới ăn một lần thôi mà.
- Ở trường có vui không?
- Dạ vui hơn ở bản nhiều đấy.
- Cháu có thi vào trung học phổ thông không?
- Dạ có. Cháu muốn học để sau này làm thày giáo ở bản dạy chữ cho các em.
Thăm một phòng học sinh nữ nội trú chúng tôi thấy trên tường treo nhiều bức tranh rất đẹp, hỏi ra mới biết tác giả những bức tranh này là của cô học sinh Vừ Thị Và, sinh năm 1998, học lớp 6, nhà em ở bản Co Lót cách trường 6km.
- Cháu muốn nói điều gì qua mỗi bức tranh?
- Cháu thấy quê hương rất đẹp nên vẽ thôi mà. Phong cảnh núi rừng đẹp thế phải vẽ thành tranh rồi gắng học để xây dựng quê hương.
Cũng trong phòng này chúng tôi trò chuyện với cô học sinh Giàng Mé Nhù, sinh năm 1996 học lớp 9, nhà tận xã Sen Thượng, cách trường 60km, nơi chưa có trường trung học cơ sở.
- Nhà xa thế cháu có hay về không?
- Dạ một vài tháng về một lần thôi ạ.
- Thế ai mang gạo cho cháu ăn hàng tháng?
- Dạ bố cháu mỗi tháng mỗi mang xuống ạ.
- Cháu có nhớ nhà không?
- Dạ cháu quen rồi ạ, ở đây có thầy cô và các bạn vui lắm ạ.
- Cháu muốn sau này làm gì?
- Cháu muốn làm cô giáo hay bác sỹ chữa bệnh cho dân bản ạ.
Cũng trong diện bán trú dân nuôi nhưng không phải trường nào cũng đủ phòng ở nội trú cho học sinh. Tình hình thiếu phòng ở cũng diễn ra với nhiều giáo viên. Ngay tại trường trung học cơ sở Mường Nhé gần trung tâm huyện mà cũng có nhiều học sinh và một số giao viên làm nhà tạm để ở. Ngay sau khuôn viên của trường là một lòng thung có con suối chảy qua, chúng tôi thấy một dãy nhà tranh tre, hỏi ra mới biết đây là những “lều chõng” của các em học sinh nhà ở xa trường hàng chục km.
Vào một phòng trong dãy nhà tạm, chúng tôi gặp Giàng A Hang và Thào A Vàng đều học lớp 9 vừa đi thi về. Căn nhà khoảng 15m2 của các em được “phân chia” khá hợp lý, có phần để nấu ăn riêng, phần để ngủ và có cả một chiếc bàn tre làm bàn học.
- Các cháu ở đây lâu chưa?
- Dạ từ hồi lên đây học lớp 6 ạ.
- Nhà các cháu ở đâu?
- Mãi trong bản Nậm Pó cơ, xa đấy.
- Thế ai dựng nhà cho các cháu?
- Tự làm thôi. Lên rừng lấy tre, lấy tranh làm dần cũng có chỗ ở.
- Các cháu ở với ai ở đây nữa?
- Với các bạn cùng lớp, các bạn lớp dưới, cháu có thằng em học lớp sáu cũng lên đây.
- Các cháu có hay về nhà không?
- Mỗi tuần mỗi về lấy gạo lên ăn.
- Hàng ngày các cháu có được bố mẹ cho tiền mua thịt ăn không?
- Không, nhà nghèo lắm không có tiền mua thịt đâu, phải xuống suối tìm con cá, lên rừng lấy rau ăn. Chỉ khi về nhà nếu có gà thì mổ ăn thôi.
Vào hai phòng trong dãy nhà tạm của các em đúng vào giờ ăn trưa, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn bữa ăn của các em ngoài nồi cơm ra chủ yếu là muối và rau rừng. Ấy vậy mà khi chúng tôi hỏi các em có ước mơ gì thì không em nào mơ ước được ăn ngon mà tất cả các em đều mong học tốt hơn để trở thành thày giáo, bác sỹ, cán bộ dân bản. Chúng tôi thầm phục nghị lực của các em và tin rằng, đây chính là nguồn lực chủ yếu của Mường Nhé trong 10 năm tới.
Trước ước mơ trong sáng và đẹp đẽ như vậy của học sinh lại có những kẻ muốn phá nát những mơ ước đó. Vụ việc tụ tập đông người vừa qua tại bản Huổi Khon do kẻ xấu rắp tâm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tung tin lừa phỉnh, dọa nạt, uy hiếp khiến nhiều người nhẹ dạ đi theo hoặc miễn cưỡng đi theo. Trong số đó, có nhiều gia đình cho con nghỉ học để đến chỗ tập trung đông người.
Sau khi người dân tự động giải tán, giáo viên đã đến từng nhà vận động các em trở lại trường. Tuy nhiên, khi chúng tôi viết bài này có liên hệ lại với Phó phòng Giáo dục huyện Mường Nhé Trần Thị Hải thì được biết cả huyện còn khoảng 600 học sinh chưa thể đến trường do bị ốm sau vụ tập trung đông người tại bản Huổi Khon. Hậu quả của những trò tuyên truyền lừa gạt là như vậy, nó cũng thể hiện rõ dã tâm của những kẻ cầm đầu.
Rõ ràng việc ngăn cấm không cho học sinh đến trường là một tội ác ngàn lần phải lên án, nó đi ngược lại với truyền thống hiếu học của dân tộc ta và chiến lược con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trên những chặng đường Mường Nhé, ở đâu cũng thấy trường học được xây dựng kiên cố, mái ngói đỏ tươi nhưng xung quanh trường vẫn còn những khu nhà tạm của thầy và học sinh trong diện bán trú dân nuôi.
Được biết, đến tháng 6/2011 sẽ có 11 trường trung học cơ sở được chuyển thành phổ thông dân tộc bán trú và đến năm 2015 toàn bộ các trường có học sinh bán trú dân nuôi sẽ chuyển thành các trường dân tộc bán trú; học sinh sẽ được ăn ở nội trú, những khu nhà tạm của thày và trò cũng sẽ biến mất. Đó là một sự đầu tư lớn và vô cùng quan trọng cho nguồn lực tương lai./.
Trao đổi với Chủ tịch huyện Trần Anh Tuấn, ông cho rằng muốn Mường Nhé tận dụng được cơ hội từ các dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước để phát triển theo đúng định hướng và phát huy hết tiềm năng thì con người là yếu tố quyết định. Do vậy cần phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực mà trước hết là đầu tư cho giáo dục.
Khi đến các bản của đồng các dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, Cống… điều quan tâm của chúng tôi là trẻ trong độ tuổi đi học có được đến trường không.
Với một huyện miền núi biên giới tận “cuối trời Tây Bắc” đường sá đi lại khó khăn, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, nhất là số dân di cư tự do nhiều hơn số dân địa phương thì việc tổ chức cho học sinh đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt là cơ sở trường lớp sẽ không “theo kịp” tốc độ tăng dân số cơ học.
Tuy nhiên điều hết sức đáng mừng là dù trong bản sâu hay là những điểm dân cư (di cư tự do) chưa là đơn vị hành chính thì cái sự học vẫn được chú trọng với tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường, không phân biệt dân di cư tự do hay dân bản địa.
Tại các trung tâm các bản đều có các trường tiểu học, nhiều xã có trường trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các trường mầm non ở bản chưa đủ, hiện mới có 141/157 bản có trường mầm non.
Nhưng điều chúng tôi quan tâm nhất là khi Nhà nước đã đầu tư xây dựng một hệ thống trường cho các cấp học nhưng học sinh có đến trường thường xuyên không, có tình trạng học sinh bỏ học không; rằng, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn liệu có thể có điều kiện học đến nơi đến chốn?
Theo Phó phòng Giáo dục huyện Mường Nhé Trần Thị Hải, toàn huyện có 18.196 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trong đó có 12.000 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 140.000 đồng. Toàn huyện có hơn 5.000 học sinh bán trú dân nuôi, được trợ cấp mỗi tháng 100.000 đồng/học sinh.
Chúng tôi đã đến một số trường ở các cấp học. Tại Trường mầm non gần trung tâm xã Leng Su Sìn chúng tôi thấy cơ ngơi khá khang trang, sạch sẽ. Mỗi ngày một cháu được cấp một hộp sữa hiệu “Cô gái Hà Lan” từ chương trình tài trợ của các doanh nghiệp cho vùng sâu, vùng xa. Các cháu ăn sữa nhiều quá phát chán, giờ muốn thay sữa bằng kẹo, một cán bộ xã đi cùng chúng tôi nói. Sẽ là bình thường khi nghe câu nói này giữa đô thị, nhưng ở vùng biên cương “cuối trời Tây Bắc” này nghe câu nói đó chúng tôi hiểu rằng, sự quan tâm của các doanh nghiệp, cũng là sự quan tâm của cả nước với những nơi còn khó khăn, không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện một tinh thần nhân văn cao cả trong truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Đến Trường Trung học cơ sở Mường Nhé, chúng tôi được cô hiệu phó Phạm Thị Hải Yến dẫn đi thăm nơi ở nội trú của học sinh theo diện bán trú dân nuôi. Trong khuôn viên của trường là khu nội trú khang trang. Mỗi phòng rộng chừng 32m2 cho 12 học sinh ăn ở và sinh hoạt. Những học sinh cách nhà trên 5km được xếp vào diện bán trú. Các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được bố trí ăn ở tại khu nội trú nhìn không khác gì khu ký túc xá của sinh viên các trường đại học. Tuy nhiên khu nội trú của các em học sinh người Mông, Thái, Hà Nhì... nơi đây không ồn ào như ký túc xá sinh viên.
Các em ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp, giày dép để ngoài hành lang, trong nhà đồ đạc xếp ngăn nắp, nhà được lau sạch bong. Nhiều trường hợp 2,3 em trong một gia đình học các lớp khác nhau đều ở nội trú.
- Việc tổ chức ăn ở, học hành cho các em như thế nào?
- Nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em, gạo mỗi tháng các em đóng 15kg, còn thức ăn thì đã tính toán trong số tiền trợ cấp, cô hiệu phó Hải Yến nói.
- Chỉ với số tiền 100.000 đồng/tháng chi cho tiền ăn thì nhà trường xoay xở bằng cách nào?
- Cũng eo hẹp nhưng vẫn bảo đảm cho các em ăn no có sức học hành.
Tôi hỏi Sùng A Tú, 14 tuổi học sinh lớp 9, nhà ở bản Nậm Là cách trường 6km:
- Các cháu có được ăn no không?
- Dạ có.
- Một tuần được mấy lần ăn thịt?
- Dạ 3-4 lần.
- Ở nhà có được ăn thịt hàng ngày không?
- Dạ không, một tháng mới ăn một lần thôi mà.
- Ở trường có vui không?
- Dạ vui hơn ở bản nhiều đấy.
- Cháu có thi vào trung học phổ thông không?
- Dạ có. Cháu muốn học để sau này làm thày giáo ở bản dạy chữ cho các em.
Thăm một phòng học sinh nữ nội trú chúng tôi thấy trên tường treo nhiều bức tranh rất đẹp, hỏi ra mới biết tác giả những bức tranh này là của cô học sinh Vừ Thị Và, sinh năm 1998, học lớp 6, nhà em ở bản Co Lót cách trường 6km.
- Cháu muốn nói điều gì qua mỗi bức tranh?
- Cháu thấy quê hương rất đẹp nên vẽ thôi mà. Phong cảnh núi rừng đẹp thế phải vẽ thành tranh rồi gắng học để xây dựng quê hương.
Cũng trong phòng này chúng tôi trò chuyện với cô học sinh Giàng Mé Nhù, sinh năm 1996 học lớp 9, nhà tận xã Sen Thượng, cách trường 60km, nơi chưa có trường trung học cơ sở.
- Nhà xa thế cháu có hay về không?
- Dạ một vài tháng về một lần thôi ạ.
- Thế ai mang gạo cho cháu ăn hàng tháng?
- Dạ bố cháu mỗi tháng mỗi mang xuống ạ.
- Cháu có nhớ nhà không?
- Dạ cháu quen rồi ạ, ở đây có thầy cô và các bạn vui lắm ạ.
- Cháu muốn sau này làm gì?
- Cháu muốn làm cô giáo hay bác sỹ chữa bệnh cho dân bản ạ.
Cũng trong diện bán trú dân nuôi nhưng không phải trường nào cũng đủ phòng ở nội trú cho học sinh. Tình hình thiếu phòng ở cũng diễn ra với nhiều giáo viên. Ngay tại trường trung học cơ sở Mường Nhé gần trung tâm huyện mà cũng có nhiều học sinh và một số giao viên làm nhà tạm để ở. Ngay sau khuôn viên của trường là một lòng thung có con suối chảy qua, chúng tôi thấy một dãy nhà tranh tre, hỏi ra mới biết đây là những “lều chõng” của các em học sinh nhà ở xa trường hàng chục km.
Vào một phòng trong dãy nhà tạm, chúng tôi gặp Giàng A Hang và Thào A Vàng đều học lớp 9 vừa đi thi về. Căn nhà khoảng 15m2 của các em được “phân chia” khá hợp lý, có phần để nấu ăn riêng, phần để ngủ và có cả một chiếc bàn tre làm bàn học.
- Các cháu ở đây lâu chưa?
- Dạ từ hồi lên đây học lớp 6 ạ.
- Nhà các cháu ở đâu?
- Mãi trong bản Nậm Pó cơ, xa đấy.
- Thế ai dựng nhà cho các cháu?
- Tự làm thôi. Lên rừng lấy tre, lấy tranh làm dần cũng có chỗ ở.
- Các cháu ở với ai ở đây nữa?
- Với các bạn cùng lớp, các bạn lớp dưới, cháu có thằng em học lớp sáu cũng lên đây.
- Các cháu có hay về nhà không?
- Mỗi tuần mỗi về lấy gạo lên ăn.
- Hàng ngày các cháu có được bố mẹ cho tiền mua thịt ăn không?
- Không, nhà nghèo lắm không có tiền mua thịt đâu, phải xuống suối tìm con cá, lên rừng lấy rau ăn. Chỉ khi về nhà nếu có gà thì mổ ăn thôi.
Vào hai phòng trong dãy nhà tạm của các em đúng vào giờ ăn trưa, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn bữa ăn của các em ngoài nồi cơm ra chủ yếu là muối và rau rừng. Ấy vậy mà khi chúng tôi hỏi các em có ước mơ gì thì không em nào mơ ước được ăn ngon mà tất cả các em đều mong học tốt hơn để trở thành thày giáo, bác sỹ, cán bộ dân bản. Chúng tôi thầm phục nghị lực của các em và tin rằng, đây chính là nguồn lực chủ yếu của Mường Nhé trong 10 năm tới.
Trước ước mơ trong sáng và đẹp đẽ như vậy của học sinh lại có những kẻ muốn phá nát những mơ ước đó. Vụ việc tụ tập đông người vừa qua tại bản Huổi Khon do kẻ xấu rắp tâm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tung tin lừa phỉnh, dọa nạt, uy hiếp khiến nhiều người nhẹ dạ đi theo hoặc miễn cưỡng đi theo. Trong số đó, có nhiều gia đình cho con nghỉ học để đến chỗ tập trung đông người.
Sau khi người dân tự động giải tán, giáo viên đã đến từng nhà vận động các em trở lại trường. Tuy nhiên, khi chúng tôi viết bài này có liên hệ lại với Phó phòng Giáo dục huyện Mường Nhé Trần Thị Hải thì được biết cả huyện còn khoảng 600 học sinh chưa thể đến trường do bị ốm sau vụ tập trung đông người tại bản Huổi Khon. Hậu quả của những trò tuyên truyền lừa gạt là như vậy, nó cũng thể hiện rõ dã tâm của những kẻ cầm đầu.
Rõ ràng việc ngăn cấm không cho học sinh đến trường là một tội ác ngàn lần phải lên án, nó đi ngược lại với truyền thống hiếu học của dân tộc ta và chiến lược con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trên những chặng đường Mường Nhé, ở đâu cũng thấy trường học được xây dựng kiên cố, mái ngói đỏ tươi nhưng xung quanh trường vẫn còn những khu nhà tạm của thầy và học sinh trong diện bán trú dân nuôi.
Được biết, đến tháng 6/2011 sẽ có 11 trường trung học cơ sở được chuyển thành phổ thông dân tộc bán trú và đến năm 2015 toàn bộ các trường có học sinh bán trú dân nuôi sẽ chuyển thành các trường dân tộc bán trú; học sinh sẽ được ăn ở nội trú, những khu nhà tạm của thày và trò cũng sẽ biến mất. Đó là một sự đầu tư lớn và vô cùng quan trọng cho nguồn lực tương lai./.
Quang Vinh-Quang Vũ (Vietnam+)