Nguồn cung thực phẩm cho Tết dồi dào nhưng cần tính dài hơi

Chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán và đây là thời gian vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi nhưng giá sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp.
Tiểu thương chọn mua sản phẩm gia cầm tại chợ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chỉ còn hơn một tháng là đến Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023 và đây là thời gian vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi.

Tuy nhiên, giá sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp, nhất là giá lợn hơi trong khi năng lực sản xuất rất lớn. Không chỉ đảm bảo nguồn cung cho Tết, lễ hội đầu năm, việc để phát triển chăn nuôi bền vững, ổn định giá cả trên thị trường cần phải có những giải pháp ngắn, trung và dài hạn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng 11 phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Giá thịt lợn hơi biến động giảm so với tháng trước.

Hiện tại đang là thời điểm người chăn nuôi tập trung chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, để cung ứng nguồn thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ Tết sắp tới. Nhưng, giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao vì giá nguyên, vật liệu, chi phí sản xuất đều tăng so với năm trước trong khi giá bán sản phẩm lại giảm, điều này khiến người chăn nuôi càng thêm áp lực.

Theo Tổng cục Thống kê, thời điểm cuối tháng 11 vừa qua, chỉ có tổng số trâu ước giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái; còn lại đàn bò, lợn, gia cầm đều tăng từ 3,5-12,4%.

[Chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm nguồn cung thực phẩm]

Hiện nay lưu thông hàng hóa trên thị trường trở lại bình thường như trước khi có dịch, nguồn cung dồi dào nên giá cả không có biến động lớn. Riêng lợn hơi, hiện tại khu vực miền Bắc, giá dao động trong khoảng 52.000-56.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, giá lợn hơi tại nhiều địa phương và dao động trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng dao động trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg. Với mức giá trung bình như trên thì giá lợn hơi đã giảm từ 5-10% tùy địa phương so với tháng trước.

Giá các sản phẩm gia cầm có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học... vẫn còn khá yếu.

Thông thường, hàng năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng mạnh do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết, khiến giá lợn hơi sẽ tăng dần từ thời điểm nửa cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tuy nhiên, đến nay, diễn biến giá lợn hơi và giá thịt năm 2022 lại khá ảm đạm.

Trong khi đó, giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao, bình quân 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi vẫn bị thua lỗ.

Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch phụ trách miền Nam thuộc Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2022, ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại cho người chăn nuôi thấp. Tuy hiện nay giá cả không thuận lợi cho người chăn nuôi nhưng số lượng dự trữ nguồn cung cho dịp cuối năm tương đối ổn định. Dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm so với những năm trước do nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Một trang trại nuôi gà. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ về khả năng cung ứng nông sản của tỉnh Bình Dương trong dịp lễ tết cuối năm 2022, đầu năm 2023, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết tổng đàn lợn của Bình Dương là khoảng 13,7 triệu con. Hàng ngày, tỉnh có khả năng cung ứng khoảng 7.000-8.000 con; trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là phục vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng có thể cung ứng khoảng 70.000 con gà thịt; trong đó, 35.000 con cung ứng cho nội tỉnh, còn lại cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho dịp Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh Bình Dương và các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn địa phương xây dựng kế hoạch bình ổn giá với thị trường nội tỉnh. Đối với những thị trường lân cận, nguồn cung thịt heo và thịt gà còn rất dồi dào và có khả năng kết nối, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành khác.

Là “thủ phủ” về đàn lợn, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai nhận định giá lợn hơi tại địa phương đang ở mức thấp, dao động 48.000-53.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư, chi phí chăm sóc đang neo ở mức rất cao. Đây là điều rất khó cho người chăn nuôi. Địa phương đang chỉ đạo để cố gắng duy trì đàn, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán.

Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến.

Tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 11 tháng năm 2022 đạt 3,01 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,37 tỷ USD, tăng 5,7%.

Dây chuyền giết mổ lợn của Công ty thực phẩm Vinh Anh. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đáng lưu ý, nhập khẩu thịt lợn và thịt gia cầm tiếp tục giảm trong khi nhập khẩu thịt trâu và thịt bò tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 88.820 tấn, trị giá 189,02 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước đó.

Trước tình hình thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết tỉnh cần giải quyết ba vấn đề. Đầu tiên là khâu dự báo thị trường còn khá yếu, người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá, không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì họ gánh chịu là chính. Do đó, dự báo thị trường rất cần thiết.

Theo ông Công, hiện lãi suất ngân hàng rất biến động, lãi suất rất cao trong khi người nuôi vẫn đang chịu lỗ. Nông nghiệp là ngành đặc thù, Nhà nước có cơ chế để ngân hàng giữ nguyên lãi suất và có lãi suất trong thời gian dài để người chăn nuôi ổn định sản xuất. Ngoài ra, các cơ quan cần tăng cường thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hơn nữa.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc quản lý chất lượng Công ty San Hà thông tin, hiện nguồn hàng chuẩn bị Tết Nguyên đán rất đầy đủ và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, trong thực hiện chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các bên tham gia thiếu vốn...

Do đó, mong muốn các cơ quan quản tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ để làm cầu nối, đỡ đầu cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm; các thành tố tham gia chuỗi liên kết phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn để cùng nhau gia tăng lợi ích.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Bộ theo dõi, bám sát tình hình khí hậu thời tiết và biến động thị trường để kịp thời chỉ đạo địa phương có các giải pháp chủ động phòng chống, khắc phục, điều chỉnh sản xuất phù hợp, hạn chế gây biến động giá cả nông sản. Riêng đối với thịt lợn, Bộ phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh biên giới phía Bắc kiểm tra, xác minh thông tin, thống nhất, minh bạch thông tin để tránh tình trạng găm hàng, thổi giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục